Cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ ở Alaska bắt đầu với không khí căng thẳng, nhưng khép lại với một số đồng thuận, mở ra “khe cửa” dù rất hẹp để 2 bên hợp tác.
Trong tuần qua, Mỹ và Trung Quốc đã họp cấp cao lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hôm 20/1. Sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận vì nó có thể hé lộ về chiến lược Trung Quốc của ông Biden trong 4 năm tới, giữa lúc quan hệ giữa 2 nước leo thang dồn dập thời gian qua.
Cuộc gặp bắt đầu với bầu không khí “căng như dây đàn” khi hai bên chỉ trích dữ dội lẫn nhau. Tuy nhiên, trong ngày làm việc thứ 2, hai bên đã tìm được tiếng nói chung ở một số vấn đề mà giới quan sát cho rằng có thể mở ra một khe cửa hẹp để 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể hợp tác trong tương lai.
Tại cuộc gặp, cả 2 phái đoàn Mỹ – Trung tranh cãi về hàng loạt vấn đề nóng bỏng, nhưng cam kết sẽ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, Iran, Triều Tiên và Afghanistan.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gọi cuộc đối thoại là “thẳng thắn, trực tiếp và có tính xây dựng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả cuộc gặp ở Alaska là một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn về một chương trình nghị sự mở rộng bao gồm kinh tế, thương mại và công nghệ. Nhưng ông Blinken cũng cho biết phái đoàn của ông đã nhận được “phản ứng phòng thủ” về các vấn đề mà 2 quốc gia về cơ bản có mâu thuẫn, bao gồm Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan và không gian mạng.
Trong thông điệp sau cuộc họp, Bắc Kinh cho hay 2 nước sẽ thiết lập một nhóm làm việc chung hợp tác về chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc cũng cho biết họ đã bàn bạc về việc tiêm vắc xin cho các nhà ngoại giao 2 bên và các biện pháp nhằm nâng cao quan hệ. Các vấn đề liên quan tới di chuyển và chính sách thị thực đang được bàn tới, cho thấy viễn cảnh rằng những lệnh hạn chế có thể sẽ sớm được nới lỏng.
Sẽ còn xấu đi trước khi tốt lên?
“Cuộc họp không đạt được nhiều kết quả nhưng cả 2 bên đã có thể có sự đồng thuận ban đầu về một số vấn đề”, Wu Xinbo, giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, nhận định,
“Chính quyền Biden vẫn đang xem xét về chính sách Trung Quốc. Và bây giờ chúng ta thấy phe ủng hộ sự cạnh tranh về ý thức hệ và địa chính trị đang chiếm thế thượng phong so với phe thúc đẩy hợp tác về kinh tế và quản trị toàn cầu”, ông Wu nhận định.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa 2 phái đoàn lúc đầu dường như nhằm vào dư luận trong nước.
“Hai bên đã đối mặt với áp lực từ chính trị nội địa. Trung Quốc cần thể hiện sự mạnh mẽ trước sự chỉ trích từ Mỹ trong thời gian qua. Tuy nhiên, cả hai bên có thể thực tế hơn trong các cuộc đối thoại tiếp theo”, giáo sư Wang Yong từ Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Ông Wang cho rằng chống biến đổi khí hậu có thể mở ra hướng đi cho 2 quốc gia hợp tác cùng nhau và một cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden có thể diễn ra vào thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ xấu đi trước khi trở nên tốt hơn.
Chính quyền Biden thừa hưởng đánh giá của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington, và đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ hợp tác với mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu để đối phó Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào đầu tuần tới, và vấn đề quan hệ với Mỹ dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Bỉ để tham gia cuộc họp của NATO và bàn bạc về Trung Quốc với đồng minh châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Ấn Độ, sau khi cùng ông Blinken tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Fu Ying dự đoán quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xấu đi nhưng có thể cuối cùng sẽ ổn thỏa khi 2 bên hướng tới các mục tiêu chung.