Saturday, November 16, 2024
Trang chủQuân sựKế hoạch mới của NATO đối phó với TQ

Kế hoạch mới của NATO đối phó với TQ

Hội đồng Đại Tây Dương đã vạch ra một kế hoạch đối phó với Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các nước nhằm ngăn cản Bắc Kinh sử dụng các biện pháp cưỡng chế với từng quốc gia riêng lẻ.

Ảnh minh họa

Kế hoạch xuyên Đại Tây Dương đối phó với Trung Quốc

Một trung tâm nghiên cứu chính sách của Mỹ đã kêu gọi thực hiện chiến lược xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và châu Âu nhằm đối phó với các chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán của Trung Quốc giữa bối cảnh rủi ro xung đột quân sự ở châu Á giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng.

Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ở Washington đã công bố một bản kế hoạch hôm 22/3 tập trung vào sự phản ứng xuyên Đại Tây Dương “cần thiết và cấp bách” nhằm ngăn chặn Trung Quốc thay đổi trật tự thế giới được định hình theo các quy tắc hiện nay để phục vụ lợi ích cho mình, vào thời điểm các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng lo ngại về các chính sách của Bắc Kinh.

Tài liệu này cũng đánh giá, quan điểm chính trị của Bắc Kinh xung đột với lập tường tư tưởng của Mỹ và châu Âu, vì thế, đây là nguồn cơn căng thẳng giữa nước này với Mỹ, Canada và châu Âu.

“Để đối phó với chính sách của Trung Quốc, các đối tác xuyên Đại Tây Dương phải tập trung vào một chính sách toàn diện nhất quán với Trung Quốc, kết hợp giữa đối đầu khi cần thiết và hợp tác khi có thể”.

Báo cáo “Kế hoạch Trung Quốc: Kế hoạch Cạnh tranh Chiến lược xuyên Đại Tây Dương” được đưa ra giữa bối cảnh EU, Mỹ, Canada và Anh cùng đưa ra lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc nhằm “gửi đi một thông điệp rõ ràng” về vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh sau đó cũng đã có động thái đáp trả các lệnh trừng phạt này.

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây trong những tháng gần đây diễn ra cùng lúc với những lo sợ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể đe dọa trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu, cũng như mối quan ngại gia tăng về các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Tuy nhiên, châu Âu vẫn ngần ngại khi hành động cùng với Mỹ trong chính sách đối phó với Trung Quốc. EU đã ký một thỏa thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc hồi tháng 12/2020 và hồi tháng 2/2021, các nhà lãnh đạo châu Âu đều muốn tránh biến Hội nghị Thượng đỉnh G7 trở thành cái gọi là “liên minh chống Trung Quốc”.

Bó đũa không bị xé lẻ

Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương đã vạch ra một chiến lược cho sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương, tập trung chi tiết vào những mục tiêu chung về Trung Quốc mà quan điểm của Mỹ và châu Âu gặp nhau, chẳng hạn như các vấn đề nhân quyền và việc đối phó với các hành vi ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh. Tài liệu trên cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cần giảm thiểu tối đa những khác biệt giữa các đồng minh, trong đó bao gồm những cam kết an ninh khác nhau trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương giữa châu Âu và Mỹ, cũng như những khác biệt về khả năng quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc.

“Châu Âu cần thúc đẩy vai trò của mình nhằm ngăn chặn xung đột ở châu Á và xây dựng khả năng quân sự lớn hơn nhằm đối phó với Nga ở châu Âu nếu Mỹ chuyển hướng lực lượng nhiều hơn sang châu Á. Có một sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương về những tác động của sự tiếp cận chiến lược của Trung Quốc ở trong và gần châu Âu nhưng cho tới nay, hầu như có rất ít sự nhất trí giữa các nước châu Âu về cách thức phản ứng”, tài liệu trên đánh giá.

Báo cáo này cũng cảnh báo về ít nhất 6 viễn cảnh xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương gồm: xung đột trên Biển Đông, biển Hoa Đông, xung đột liên quan đến vấn đề Đài Loan, xung đột khi nảy sinh sự cố liên quan đến các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực, xung đột liên quan đến hồ sơ Triều Tiên và cuối cùng là xung đột liên quan đến những tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

“Đối với một số viễn cảnh xung đột ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm cả một số cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, các đồng minh xuyên Đại Tây Dương cần tiến hành nhiều cuộc trao đổi hơn về những ảnh hưởng của việc này với an ninh châu Âu”.

Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cũng cho rằng các nước châu Âu nên tuyên bố rằng họ sẽ đưa ra phản ứng kinh tế và chính trị đáng kể với Trung Quốc nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Washington ở châu Á và NATO nên hình thành các mối quan hệ đối tác mới với các nước ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Báo cáo này cũng kêu gọi các nước EU và NATO hợp tác trong các chính sách với Trung Quốc cũng như hoạt động thu thập thông tin tình báo.

Trong khi báo cáo trên nói rằng sự hợp tác với các nước ở Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ chịu thách thức trước những khác biệt giữa các nước khu vực với các quốc gia châu Âu thì cả hai bên đều có chung mỗi lo ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

“Các nước ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như các nước phương Tây là mục tiêu của chính sách ngoại giao cưỡng ép và hung hăng của Trung Quốc. Việc cùng nhau hợp tác, phản đối các hành động này, đưa ra các biện pháp đối phó qua liên minh các quốc gia cùng chí hướng có thể ngăn cản Trung Quốc nhắm đến các quốc gia riêng lẻ bằng các biện pháp cưỡng ép”, tài liệu này khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới