Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinLiệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh EU-TQ

Liệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh EU-TQ

Không những thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc bị ảnh hưởng mà nguy cơ của cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng đang hiện hữu.

Không giống Mỹ, EU từ lâu tìm cách tránh né xung đột với Trung Quốc nhưng hôm 22/3 là lần đầu tiên khối này áp lệnh trừng phạt lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kể từ sau đợt cấm vận vũ khí năm 1989. Rõ ràng, mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng, các biện pháp trừng phạt mới của EU đánh dấu một chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Bốn nhân vật bị EU áp lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản là Giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương Chen Mingguo cùng 3 quan chức, cựu quan chức hàng đầu khác trong khu vực gồm các ông Wang Mingshan, Zhu Hailun và Wang Junzheng. Lệnh trừng phạt của EU còn nhắm đến Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù trong khu vực.

Trung Quốc đáp trả gần như tức thì, công bố lệnh trừng phạt chống lại 10 chính trị gia và 4 thực thể của EU với cáo buộc “tuyên truyền luận điệu dối trá và thông tin sai sự thật một cách ác ý”.

Theo đó, họ sẽ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc) trong khi những công ty và tổ chức liên quan sẽ bị cấm giao thương với Trung Quốc.

Phản ứng trước đáp trả lệnh trừng phạt từ Trung Quốc,  Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell khẳng định: “Thay vì thay đổi các chính sách của mình và lưu tâm đến các quan ngại chính đáng của chúng tôi, Trung Quốc đã ngoảnh mặt làm ngơ. Những biện pháp trả đũa này là đáng tiếc và không thể chấp nhận được.”

Đến ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã triệu tập Đại sứ EU Nicolas Chapuis để phản đối lệnh trừng phạt, yêu cầu khối này “sửa sai” để tránh làm tổn hại thêm quan hệ song phương.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới là “sự vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc”.

“Tôi khuyên họ không nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định của người Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia, và họ sẽ phải trả giá cho sự điên rồ và kiêu ngạo của mình” – bà Hoa nhấn mạnh.

Căng thẳng gia tăng giữa EU và Trung Quốc có thể đe dọa thỏa thuận đầu tư đang được hai bên đàm phán. Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu về thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc vào đầu năm 2022. Quá trình đàm phán đã mất 7 năm và nếu được phê duyệt, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc ở mức độ “chưa từng có”.

Cuộc chiến tranh Lạnh đang hình thành?

Trong một bối cảnh rộng hơn, căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu có thể là biểu hiện của sự phân chia hai thái cực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ngay sau cuộc đáp trả nảy lửa tại Alaska, các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc và Mỹ nhanh chóng có những động thái củng cố các quan hệ đối tác/đồng minh, đưa ra các tuyên bố, hành động cụ thể chống lại nhau.

Những sự chia rẽ rõ ràng giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU); bên còn lại là Trung Quốc, Nga, khiến những e ngại về Chiến tranh Lạnh mới một lần nữa trỗi dậy.

Tại thành phố du lịch nổi tiếng Quế Lâm, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong bầu không khí mà truyền thông Bắc Kinh nhận định là khác hoàn toàn với đối thoại Mỹ – Trung.

Ông Lavrov được mời đi thuyền trên sông Lệ Giang thưởng ngoạn thắng cảnh trước cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc.

Trong bầu không khí thân tình, Ngoại trưởng Nga đã bày tỏ quan điểm của Moscow trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Nga chỉ có quan hệ hợp tác với các thành viên riêng rẽ của EU chứ không có quan hệ với tổ chức liên minh này.

Hai nhà ngoại giao cũng bàn luận về chiến lược hợp tác sâu sắc hơn, chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Chính phủ Trung Quốc cho biết, lãnh đạo và người dân cả hai quốc gia đều đánh giá quan hệ Nga – Trung đang ở giai đoạn “tốt nhất trong lịch sử”.

Trong khi đó, sau cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở Alaska, từ đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bận rộn với chuyến thăm tới Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu. Trong chuyến thăm kéo dài tới tận thứ năm, Ngoại trưởng Mỹ gặp các nhà ngoại giao đồng cấp trong khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và họp bàn với các lãnh đạo châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh cam kết hợp tác với NATO, một ngày sau khi các nước phương Tây đồng loạt áp lệnh trừng phạt Trung Quốc.

Một ngày sau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia Hội nghị thượng đỉnh của EU để chia sẻ quan điểm về hợp tác song phương trong tương lai.

Sự kiện này được coi như một cơ hội để EU và Mỹ “xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương” vốn suy yếu dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Gunnar Lindemann, Hạ Nghị sĩ Đức từng bình luận rằng, dưới thời ông Joe Biden, Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với các đồng minh tại EU. Những động thái trừng phạt từ Mỹ và EU sẽ đẩy tình hình chính trị thế giới lên mức căng thẳng “ngang thời Chiến tranh Lạnh”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích như ông Li Haidong, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, lúc này còn quá sớm để nói rằng cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã xuất hiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới