Philippines yêu cầu Trung Quốc thu hồi hơn 200 tàu thuyền trên biển Đông, được phát hiện gần bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trung Quốc nói hơn 200 tàu cá chỉ trú ẩn cùng nhau
Giới chức chính phủ Philippines mới đây công bố hình ảnh được cho là 220 tàu Trung Quốc đang neo đậu theo hình vòng cung tại rạn san hô Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh tồn của Quần Đảo Trường Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam – vào ngày 7/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày Chủ nhật, 21/3, lên tiếng “kêu gọi Trung Quốc ngưng hành vi xâm nhập” và rút lại toàn bộ đội tàu kể trên. Ông gọi các hành động này là “sự khiêu khích rõ ràng nhằm quân sự hóa khu vực”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đã đệ đơn phản đối chính phủ Trung Quốc về việc xâm phạm của các tàu Trung Quốc.
“Công văn phản đối đã được phát đi ngay tối nay (21/3), không thể chờ đợi đến bình minh,” ông Locsin viết trên Twitter.
Công văn của Bộ Ngoại giao Philippines lên án “sự hiện diện bầy đàn và gây đe dọa của họ (220 tàu cá Trung Quốc-ND) tạo ra bầu không khí mất ổn định và rõ ràng là coi thường cam kết của Bắc Kinh trong thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”.
Đáp lại Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/3 tuyên bố các tàu cá Trung Quốc “đã đánh bắt cá ở gần khu vực rạn đá này lâu nay” và “do tình hình hàng hải gần đây nên một số tàu cá đã phải trú ẩn” ở gần Đá Ba Đầu.
“Đó là điều bình thường. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể xem xét điều này một cách hợp lý,” bà Hoa nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila thì phủ nhận cáo buộc hạm đội tàu cá của họ hiện diện như là các nhóm dân quân biển.
Tổ Công tác Quốc gia của Philippines về biển Đông đã công bố hình ảnh đội tàu cá đông đảo của Trung Quốc vào cuối tuần qua, và nêu lo ngại vấn đề “khả năng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển”.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết các tàu Trung Quốc này cũng không đánh bắt cá dù trong điều kiện thời tiết quang đãng.
Đội tàu cá Trung Quốc hay dân quân trên biển?
CNN cho hay, Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng các đội tàu đánh cá khổng lồ của mình như một công cụ nhằm thực thi yêu sách lãnh thổ phi lý mà Bắc Kinh tuyên bố áp đặt với hầu hết diện tích biển Đông. Yêu sách chủ quyền của nước này, bao gồm cái gọi là “Đường chín đoạn”, đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ vào năm 2016, song Bắc Kinh từ chối tuân thủ.
Trong báo cáo năm 2019 về đội tàu này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết “một lượng lớn tàu cá trong khu vực không hoàn toàn đánh bắt cá mà giống như một cánh tay trực tiếp của Trung Quốc. Các tàu này có khả năng cao gây ra một cuộc đụng độ bạo lực với các lực lượng vũ trang của khu vực.”
Trung Quốc đã xâm chiếm phi pháp một số thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và tiến hành cải tạo, quân sự hóa trái phép trên các đảo nhân tạo này với cơ sở hạ tầng và quân sự – bao gồm tên lửa, đường băng và các hệ thống radar.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS, từ đầu năm 2019 đến tháng 3/2020, Trung Quốc cũng bị phát hiện duy trì các đội tàu cá “dân quân biển” hoạt động trên các vùng nước xung quanh đảo Thị Tứ – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.