Hôm 25/3, Trung Quốc trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở Anh với cáo buộc bịa đặt thông tin về tình hình Tân Cương.
Trung Quốc ra đòn trừng phạt các cá nhân và thực thể tại Anh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này đã trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân, trong đó có cả cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền đảng Bảo thủ. Bắc Kinh cho rằng, các cá nhân và thực thể này “bịa đặt thông tin” về tình hình Tân Cương.
Theo lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, những người bị chỉ đích danh cũng như các thành viên gia đình của họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời các công dân và tổ chức Trung Quốc sẽ bị cấm kinh doanh với họ.
“Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của mình, đồng thời cảnh báo phía Anh không đi thêm con đường sai lầm và Bắc Kinh sẽ kiên quyết đưa ra các phản ứng tiếp theo”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Trước đó, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với EU, trong đó có các nhà lập pháp, nhân viên ngoại giao châu Âu… đồng thời cấm các doanh nghiệp EU có liên quan buôn bán với Trung Quốc.
Động thái này là đòn trả đũa đối với một loạt các biện pháp trừng phạt phối hợp do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada áp đặt chống lại Bắc Kinh về những gì mà các nước gọi là vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã liệt 2 quan chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì vấn đề Tân Cương. Trong khi đó, EU chính thức áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc, còn Anh và Canada áp biện pháp trừng phạt tương tự.
Đây là hành động phối hợp của phương Tây chống lại Bắc Kinh dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đồng thời coi hành động của các nước phương Tây là sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của nước này.