Các tàu Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu nhìn từ nhiều hướng. Chuyên gia khuyên ‘tập hợp sức ép quốc tế’ và lên tiếng chỉ trích ‘hành vi phi pháp’ của Trung Quốc, để họ không được nước lấn tới.
Đài CNN Philippines hôm 26-3 chia sẻ video cho thấy cảnh các tàu Trung Quốc xuất hiện tại Đá Ba Đầu nhìn từ nhiều hướng. Đài này có được video từ một nguồn tin quốc phòng giấu tên.
Đoạn video – không rõ được quay khi nào – cho thấy hầu hết tàu Trung Quốc “dàn đội hình”, trong khi các tàu khác nằm rải rác. “Nhìn từ phía đông bắc có hàng chục tàu Trung Quốc xếp thành hàng gần nhau. Từ phần phía bắc của Đá Ba Đầu, hầu hết tàu nằm rải rác, mặc dù một vài tàu vẫn tụm lại” – Đài CNN Philippines mô tả.
Đá Ba Đầu (tên tiếng Anh: Whitsun Reef) là rạn san hô có hình chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo nguồn tin trên, thời điểm đó có tổng cộng 183 tàu Trung Quốc. Con số này tương tự với số tàu mà chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana đưa ra trong phiên điều trần hôm 24-3.
Ông cho biết có 183 tàu Trung Quốc vẫn còn xuất hiện ở Đá Ba Đầu hôm 22-3. Trước đó, số tàu như vậy được phía Philippines ghi nhận hôm 7-3 là khoảng 220. Điều này có nghĩa từ ngày 7-3 tới 22-3, đã có một số tàu Trung Quốc rời đi.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông) cho rằng các tàu trên là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, nhưng Trung Quốc nói rằng đây chỉ là các tàu cá vào Đá Ba Đầu trú ẩn do “điều kiện thời tiết xấu” trên biển.
“Tuy nhiên, video cho thấy bầu trời trong và đây có thể là dấu hiệu cho thấy thời tiết tốt. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines cũng đặt nghi vấn về số tàu này, tại sao họ lại neo đậu cùng nhau và tại sao lại ở trong một khu vực vốn là biển khơi và không có lợi cho việc trú ẩn” – CNN Philippines viết.
Tại cuộc họp báo hôm 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Bà Hằng cho biết hoạt động của các tàu này đã vi phạm quy định của công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.