Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) hôm 25/3 thông báo rằng nước này sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Hoa Kỳ về một hiệp ước hợp tác trên biển.
Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Joseph Wu, Giám đốc AIT Brent Christensen
và Tổng giám đốc CGA Chou Mei-wu
Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen, Đại sứ Hoa Kỳ tại Đài Loan trên thực tế từ năm 2018, đã tham gia cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu tại buổi công bố thông tin về lễ ký.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Joseph Wu lưu ý rằng đây là thỏa thuận đầu tiên được Đài Loan và Mỹ ký kết dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Biden nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, chúng tôi đã thấy rằng quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ không những không bị gián đoạn mà như Mỹ đã mô tả, là một tảng đá vững chắc”, ông Wu nói.
Trong một tweet hôm thứ Sáu (26/3), trưởng đại diện của Đài Loan tại Mỹ, Bi-khim Hsiao, cho biết: “Biên bản ghi nhớ với Mỹ được kỳ vọng sẽ mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn trong an toàn hàng hải, cứu hộ nhân đạo, thực thi nghề cá và bảo vệ môi trường biển”.
Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã tweet vào thứ Sáu: “Hoa Kỳ không thể tự hào hơn khi được sát cánh cùng một người bạn tốt như Đài Loan để giải quyết những thách thức của thế giới”.
Bắc Kinh phản ứng gay gắt
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã nhanh chóng lên án thỏa thuận Mỹ-Đài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 26/3 cho biết hiệp ước này đã vi phạm các cam kết của Mỹ với Trung Quốc và kêu gọi Mỹ “thận trọng với lời nói và hành động của mình đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan”.
“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ… kiềm chế không gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào tới các lực lượng đòi độc lập Đài Loan, đồng thời không khuyến khích và xúi giục Đài Loan mở rộng cái gọi là không gian quốc tế”, bà Hoa nói với các phóng viên tại cuộc họp giao ban hàng ngày.
Bất chấp những lời lẽ gay gắt của chính quyền Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan có kế hoạch làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh hàng hải để đối phó với các mối đe dọa “vùng xám” ngày càng leo thang từ Trung Quốc.
Luật cảnh sát biển của Trung Quốc
Thông báo của Mỹ-Đài về hiệp ước sắp ký diễn ra sau khi Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển mới cho phép lực lượng của họ sử dụng vũ lực ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, một động thái được coi là có thể làm tăng khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.
Đạo luật có hiệu lực từ ngày 1/2 khuyến khích Cảnh sát biển Trung Quốc “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí để ngăn chặn vi phạm và loại bỏ nguy cơ” khi các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của nước này đang ở trong “nguy cơ vi phạm bất hợp pháp sắp xảy ra”.
Các nước láng giềng của Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về luật cảnh sát biển sửa đổi, cho phép các tàu Cảnh sát biển nổ súng vào các tàu nước ngoài được cho là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Bất chấp việc chính phủ Trung Quốc khăng khăng rằng họ không có kế hoạch bắn vào tàu nước ngoài, Manila và Tokyo đã bày tỏ lo ngại về những hậu quả tiềm ẩn của luật này.
Cảnh sát biển Nhật Bản đã có một số cuộc đụng độ với các tàu cảnh sát biển Trung Quốc vào tháng trước tại quần đảo Senkaku. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết trong số các tàu bị đe dọa có một chiếc được trang bị vũ khí giống súng tự sát vào thời điểm đó.
Luật Cảnh sát biển của Trung Quốc cũng là một trong những chủ đề được thảo luận tại cuộc họp 2+2 vào tuần trước ở Tokyo, sau đó Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku.