Chuyên gia Trung Quốc đã có ý kiến lí giải việc tại sao Nga và Trung Quốc không cần thành lập liên minh quân sự vào thời điểm này.
Nga-Trung để ngỏ khả năng lập liên minh quân sự
Vừa qua, Ngoại trưởng hai nước Nga và Trung Quốc là các ông Sergei Lavrov và Vương Nghị đã có những cuộc hội đàm và ký văn bản về tuyên bố chung giữa hai nước, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc hai ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Nga.
Hai Ngoại trưởng thảo luận về nhiều vấn đề, liên quan đến hợp tác chiến lược giữa hai nước và vấn đề trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ.
Đặc biệt, Nga và Trung Quốc đã cùng đồng ý gia hạn Hiệp ước về “Láng giềng tốt, Hữu nghị, Hợp tác” và bổ sung thêm nội dung mới. Hai ông Sergei Lavrov và Vương Nghị cũng thảo luận về việc tổ chức các tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hai bên cũng đồng ý hợp tác trên một loạt lĩnh vực, trong đó có việc hợp tác chống đại dịch Covid-19.
Theo ý kiến của chuyên gia Ba Dianjun, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khu vực Bắc-Nam Á, Viện trưởng Viện Chính trị Quốc tế, Đại học Cát Lâm, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc và Nga sẽ không thành lập liên minh quân sự để không tăng cường mối đe dọa xuất phát từ hai nước và không tạo tiền đề cho sức ép từ phía Hoa Kỳ và đồng minh của họ.
Tuy nhiên vị chuyên gia, Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là một liên minh như vậy là không thể xảy ra.
“Nhiều người đánh giá quá cao tuyên bố chung, khi cho rằng hai nước sắp tiến tới liên minh quân sự, trong khi trên thực tế Trung Quốc và Nga đều không muốn đi theo con đường đối đầu như Mỹ, chứ chưa nói đến việc để nhảy vào cái bẫy do Mỹ giăng ra” – chuyên gia này bình luận về tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc về một số vấn đề quản trị toàn cầu.
Chuyên gia giải thích rằng, Hoa Kỳ cần liên tục phát tán thông tin sai lệch để thuyết phục đồng minh của họ đối đầu với Nga và Trung Quốc, điều đó có nghĩa là, các đồng minh của Mỹ không có “ước muốn đối đầu mãnh liệt” với Moscow và Bắc Kinh, như chính bản thân Washington.
“Vì vậy, Mỹ cần phải tìm cách thuyết phục đồng minh của mình hình thành phe phái giống như trong thời Chiến tranh Lạnh. Đồng thời, song song với việc đó, Washington gây áp lực lên Moscow và Bắc Kinh để tạo thành mặt trận đối đầu. Đây là một cái bẫy của Mỹ để họ có thể xoay chuyển tốt hơn mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga và lôi kéo đồng minh về phía họ”- chuyên gia giải thích.
Ông cho biết, chắc chắn có thể hiểu được mưu đồ của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga, nên hai nước không nhảy vào cái bẫy này.
“Tất nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc và Nga không thể thiết lập liên minh, như Bộ trưởng Vương Nghị từng phát biểu, không có hạn chế nào đối với hợp tác Nga-Trung. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc và Nga sẽ không cố gắng thành lập một liên minh, nguyện thề về tình hữu nghị vĩnh cửu để Mỹ có cớ tô đậm và thổi phồng mối đe dọa bắt nguồn từ phía Nga và Trung Quốc” – chuyên gia lưu ý.
Ông Ba Dianjun nhận định, tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc được xây dựng kịp thời và thuyết phục và sẽ tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng trật tự quốc tế đa cực một cách công bằng, dân chủ và hợp lý hơn.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc ký kết liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng Moscow và Bắc Kinh không cần điều đó.
Thực chất quan hệ Nga-Trung khó xây dựng được liên minh quân sự
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ý tưởng về liên minh quân sự Nga-Trung đối phó với Mỹ dường như không có tính khả thi khi cả 2 “ông lớn” này đều có những tham vọng riêng và thực sự cũng không thân thiết như những lời nói thể hiện ra bên ngoài.
Những hợp đồng khủng như cung cấp khí đốt 400 tỉ USD, các loại vũ khí hiện đại như tên lửa phòng không S-400 Triumph, máy bay chiến đấu Su-35…, và mối liên kết trong khối BRICS (gồm năm nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hoặc SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), đều được đánh giá là những mối quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chứ không hẳn là một “tình bạn lâu dài và bền vững”.
Hay nói cách khác, 2 cường quốc Nga-Trung Quốc đều đang nhìn nhau như một đối tác tiềm năng và cũng là một mối đe dọa cần phải dè chừng, tiêu biểu cho xu thế “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.
Trên thực tế, Nga và Trung Quốc có đường biên giới chung khá dài và đã từng xảy ra tranh chấp trong quá khứ, hai bên đã có một cuộc chiến tranh nhỏ hay chính xác hơn là một cuộc xung đột biên giới vào năm 1969, khi Liên bang Xô viết chưa sụp đổ và cả 2 nước vẫn đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong thời điểm hiện tại, yếu tố địa lí không còn là vấn đề quan trọng, tuy nhiên, chính quyền Moscow nhiều lần vẫn lên tiếng quan ngại về “sự xâm lấn của Trung Quốc” ở vùng Viễn Đông và biên giới phía Nam.
Hơn nữa, cả Nga và Trung Quốc đều có tham vọng trở thành những cường quốc quân sự và do đó, 2 nước láng giềng lớn này lại nghi ngờ nhau về mục đích thực sự của việc đầu tư vào quốc phòng.
Khi hai sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới ở quá gần nhau, mỗi nước đều cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và vị thế địa-chính trị của mình. Do đó, giữa Nga và Trung Quốc luôn tiềm ẩn một điều gì đó không thể tuyệt đối tin tưởng.
Cả 2 đều không tin tưởng lẫn nhau, do đó một cặp đồng minh đáng tin cậy là điều khó có thể xảy ra. Sự nghi ngờ và dè chừng lẫn nhau có lẽ cũng là nguyên nhân cho việc kể từ sau chiến tranh lạnh, Nga và Trung Quốc không xây dựng mối quan hệ hợp tác quân sự và kinh tế gần gũi.
Theo nhiều chuyên gia, nhân tố chính trong quan hệ hợp tác Nga-Trung chính là quan hệ lợi ích và sự hợp tác để ăn miếng trả miếng với những hành động từ Mỹ và phương Tây.
Ngoài ra, cả 2 đều có tham vọng về tầm ảnh hưởng riêng trong các mặt chính trị, quân sự, và kinh tế. Hai con hổ lớn đều có tham vọng làm thủ lĩnh, do đó, sự đoàn kết vì một lợi ích chung là điều khó có thể thực hiện được.
Thực chất quan hệ Nga-Trung là “mối quan hệ dựa trên lợi ích thực tế”, cả hai nước đều có lợi ích và tính toán riêng của mình, xây dựng quan hệ đối tác trên cơ sở “việc nào ra việc đó”, chỉ hợp tác mật thiết trong các lĩnh vực thống nhất với lợi ích quốc gia, còn khi có bất đồng về quan hệ lợi ích đa phương, các bên phải tự giải quyết.
Một ví dụ điển hình là thái độ của Trung Quốc đối với khủng hoảng Ukraine và NATO. Tuy Bắc Kinh nói rất coi trọng quan hệ với Moscow, nhưng trong mối quan hệ kinh tế đan xen mật thiết với cả Nga và Mỹ, cùng với châu Âu, Trung Quốc luôn duy trì thái độ trung lập.
Hay trong hợp đồng khí đốt khổng lồ giữa hai nước và các hợp đồng mua bán vũ khí khác, Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khó khăn của Nga để ép giá nhập khẩu khí đốt, còn Nga cũng ép giá Trung Quốc trong buôn bán vũ khí và chỉ bán các loại trang bị thế hệ cũ hoặc hạn chế bớt tính năng.
Với tính chất như vậy, khi lợi ích trong các mối quan hệ đa phương đối lập nhau, hai nước khó có thể duy trì quan hệ vững chắc ở mức độ cao chứ đừng nói là xây dựng một liên minh quân sự mang tính thực chất.