Cơn thịnh nộ từ người Việt Nam đã và đang trút lên H&M – thương hiệu thời trang danh tiếng đến từ Thụy Điển. Liệu đây có thể là bài học cho các hãng kinh doanh khi vì lợi nhuận mà chen vào việc chính trị?
H&M đang khiến người Việt Nam phản ứng dữ dội vì nghi vấn chèn
“đường lưỡi bò’ phi pháp vào bản đồ trên trang web
“Tẩy chay HM, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”; “H&M, đừng kiếm tiền ở Việt Nam như thế”; “H&M get out!”; “Tẩy chay nó, dằn mặt nó!”v.v…Hàng chục nghìn bình luận với nội dung như vậy. Nếu cân đong, có thể thấy rõ, số người thả biểu tượng phẫn nộ còn nhiều gấp bội số người bình luận. Tới thời điểm này, làn sóng đòi tẩy chay H&M ở Việt Nam vẫn tiếp tục lan tỏa trong dư luận.
Sự thể bắt đầu từ việc ngày 2/4 vừa qua, một số hãng truyền thông, trong đó có ACB News, thông tin: Chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc hoan hỷ về việc trang web của H&M đã đồng ý sửa bản đồ Trung Quốc trước yêu cầu của cơ quan chức năng sở tại. Lý do: vì “có vấn đề”.
Cái gọi là “có vấn đề” không được nêu cụ thể từ phía Trung Quốc. Nhưng hãng truyền thông đình đám AP thì bóc thẳng ra, rằng: Trung Quốc yêu cầu H&M phải hiển thị đầy đủ các khu vực nước này tuyên bố chủ quyền, trong đó có “đường 9 đoạn”.
“Đường 9 đoạn” – đó là cách gọi của Trung Quốc. Còn với dư luận, đây là “đường lưỡi bò”. Cách gọi này hàm ý mỉa mai, phê phán, đồng thời phản đối sự tham lam muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh. Năm 2016, Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc từng bác bỏ cái “lưỡi bò” phi pháp này.
Trong câu chuyện Biển Đông, thiên hạ đã nếm nhiều thủ đoạn “truyền thông bẩn” của Trung Quốc. Cái “lưỡi bò” tham lam từng được họ nham hiểm cài cắm vào sách giáo khoa, vào tài liệu tán phát trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Cái “lưỡi bò” cũng được Trung Quốc in trên quả địa cầu xuất đi khắp thế giới. Cái “lưỡi bò” được in trên áo phông, hộ chiếu của dòng khách du lịch hàng chục triệu người Trung Quốc ồ ạt đổ đi muôn phương hằng năm (tất nhiên, là trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành).
Các nước duyên hải, có liên quan chủ quyền Biển Đông, nhất là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia… từng bị các vố khá đau do mất cảnh giác trước thủ đoạn trên.
Tỷ như phim “Điệp vụ Biển Đỏ”. Cứ ngỡ phim chỉ là câu chuyện Biển Đỏ xa xôi. Cứ ngỡ phim chỉ liên quan cướp biển. Vậy mà 30 giây cuối, các nhà làm phim đặc máu đại Hán nham hiểm quay ngoắt, lồng vào đó câu chuyện liên quan Biển Đông, để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Tiếp đó, năm 2019, trong bộ phim “Người tuyết bé nhỏ”, đối tác của các nhà làm phim Trung Quốc là hãng Universal Pictures của nước Mỹ. Mới thấy, đồng tiền có sức mạnh ghê gớm. Tận bên kia đại dương, vậy mà vì lợi nhuận nhìn thấy ở một thị trường khổng lồ tỷ khán giả, các nhà làm phim Mỹ đã phải nhân nhượng đưa vào phim cái “lưỡi bò” tham lam. Còn may, chi tiết này được phát giác khá kịp thời, phim bị cấm chiếu ở Việt Nam, Malaysia. Một quan chức cơ quan “canh cổng” điện ảnh Việt Nam mất chức.
Thủ đoạn dùng đồng tiền để gây áp lực, chi phối đối tác thương mại phục vụ mục tiêu chính trị, một lần nữa, lại được phía Trung Quốc sử dụng với H&M. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Trung Quốc là quốc gia liên tục trong các năm gần đây, số người giàu tăng lên nhanh chóng đang vô cùng khao khát các thương hiệu thời trang cao cấp để vênh mặt với thiên hạ… Nói cách khác, với các nhà kinh doanh quốc tế, thị trường Trung Quốc đang là một “mỏ vàng” lộ thiên thực sự. Phải chăng vì thế mà H&M đã phải nhân nhượng trong vụ “lưỡi bò” này?
Tuy nhiên, nếu vậy, những đồng tiền H&M thu được tại “mỏ vàng” này, trong con mắt người dân Việt Nam và dư luận quốc tế, sẽ là những “đồng tiền bẩn”. Và điều đó cảnh báo rằng: Cơn giận dữ của người Việt Nam và dư luận sẽ chưa dừng lại, nếu H&M không “đuổi bò” đi.