Sunday, January 12, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTP.HCM sẽ tiến ra biển thế nào?

TP.HCM sẽ tiến ra biển thế nào?

Trên thế giới, các nước có biển đều đã dịch chuyển địa chiến lược, từ phát triển dựa vào không gian đất liền tiến ra dựa vào không gian biển.

Phát triển ra hướng biển là nhu cầu tất yếu và cấp thiết của TP.HCM

Nhiều mô hình thành công

Báo cáo tham luận tại hội thảo “TP.HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức mới đây, PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường (ĐHQG Hà Nội), nhận định trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”.

PGS-TS Lưu Thế Anh phân tích: “Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công tại vịnh Cần Giờ tạo “mặt tiền” biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một TP “cửa ngõ” kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. TP khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía nam, mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như Hành lang kinh tế Ấn Độ – Mê Kông, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ…”.

Có 4 xu thế phát triển đô thị biển trên thế giới, bao gồm: Tích tụ dân cư ven biển và phát triển; Đổi mới liên kết đô thị – cảng biển; Xu thế phát triển du lịch biển; Phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, lịch sử đã chứng kiến những đột phá phát triển mang tầm quốc tế hầu hết đều xuất phát từ những quốc gia biển như: Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… hình thành nên những mô hình đô thị biển quốc tế thành công mà VN có thể học hỏi.

Được xây dựng trở thành đô thị biển, Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên trong số 5 đặc khu của Trung Quốc, có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm 1990 và dân số hiện đạt hơn 13 triệu người. Tại đây có hệ thống cảng lớn thứ 3 và trung tâm tài chính xếp thứ 9 thế giới, hằng năm mang lại gần 20% GDP cho Trung Quốc. Trong khi đó, Paris cũng mong muốn nối dài cánh tay đến cảng biển Le Havre thông qua hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Seine.

Hiện Paris là vùng sản xuất ở vị trí số 1, chiếm 33% GDP của Pháp và cung cấp hơn 6,5 triệu việc làm mỗi năm. Các cực tăng trưởng quốc tế như Thâm Quyến hay Paris vẫn tiếp tục duy trì chiến lược gia tăng lợi thế cạnh tranh dựa trên sức mạnh kết nối cảng biển “cửa ngõ” và các dịch vụ sau cảng, hoạt động thương mại sôi động và chức năng tài chính.

Vốn đã là TP du lịch biển nổi tiếng của vùng đô thị phía nam Florida, Mỹ và của thế giới, Miami không chỉ đảm nhiệm tốt vai trò là cảng biển quan trọng bậc nhất trong vận tải hàng hóa và hành khách, mà còn thực hiện chức năng là trung tâm tài chính vùng. Miami thường được gọi là “Thủ đô du thuyền của thế giới” và “Cổng hàng hóa của châu Mỹ”, trở thành một trung tâm thương mại và tài chính lớn của thế giới.

Một số TP với lịch sử phát triển đã lâu đời như Rotterdam (Hà Lan), Marseille (Pháp) và Yokohama (Nhật Bản) lại đi theo hướng đô thị cảng hậu công nghiệp, có định hướng nâng cao chất lượng đô thị, trở thành các Hub sáng tạo từ cơ hội hậu công nghiệp. Với mô hình này, hoạt động cảng hiện đại là một cấu trúc cấu thành nên đô thị dựa trên các giải pháp công nghệ mới để đảm bảo sự chuyển đổi và kết nối hài hòa giữa hoạt động cảng và đô thị.

Cần Giờ sẽ là đô thị biển chiến lược

Giới thiệu những bức ảnh khu đô thị lấn biển “The Palm Jumeirah” ở Dubai do chính mình chụp từ máy bay thủy phi cơ khi bay lượn trên quần thể này, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho biết trên thế giới có không ít dự án lấn biển đã trở thành biểu tượng du lịch, biểu tượng quốc gia. Gần nhất là Singapore hay mới đây, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chọn xây sân bay mới ngoài biển. Có những nơi lấn biển vì họ thiếu đất, như Singapore lấn biển để xây sân bay, làm casino, phát triển bất động sản. Song, cũng có những nơi như Dubai, xung quanh TP Dubai toàn sa mạc, mở rộng bao nhiêu cũng có đất, họ vẫn chọn lấn biển, vì lấn biển thì mới phát triển được du lịch biển đẳng cấp, xây dinh thự trên sa mạc du thuyền không cập vào được.

“Nếu TP.HCM muốn đột phá kinh tế, phát triển du lịch biển, chỉ có thể là Cần Giờ và cũng bằng cách lấn biển, vì trên bờ là rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển phải bảo vệ, không được đụng đến. Đây là một dự án thế kỷ, rất khó nhưng đáng làm đối với sự phát triển của TP.HCM”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững, vùng TP.HCM có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế với tiềm năng trở thành một vùng cửa ngõ của toàn khu vực Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ gồm 8 tỉnh (TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang), gần như tạo thành một bát giác kim cương, ôm lấy lõi tự nhiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Vùng đô thị – cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công.

“Phát triển chuỗi đô thị “mặt tiền” biển Vịnh Cần Giờ sẽ tạo cơ hội cho “vị thế quốc tế” của vùng TP và tháo gỡ các điểm nghẽn về chất lượng lao động và tốc độ tăng trưởng. Bằng động lực của nền kinh tế tiến biển, hai cánh tay nối dài phía đông và tây của TP là: Công nghiệp và hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và Nông nghiệp – du lịch sinh thái, chế biến nông sản sạch ở Gò Công Đông, Tiền Giang, cảng Hiệp Phước sẽ phát triển các chức năng mới, thay đổi bộ mặt xã hội của vùng, đa trung tâm trong phân bố không gian và năng động”, vị này đề xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới