Màn đấu khẩu giữa Philippines và Trung Quốc liên quan việc tàu dân quân biển Trung Quốc ken đặc khu vực bãi đá Ba Đầu chưa khép lại. Căng thẳng khiến nhiều người nghĩ đến khả năng, vụ “Ba Đầu” sẽ gây một vụ đối đầu mới, nghiêm trọng giữa Manila và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana
Sự việc diễn ra tại Bãi đá Ba Đầu hiện nay không chỉ là việc hai nước Philippines và Trung Quốc. Nó còn liên quan tới Việt Nam, Đài Loan. Đối với Việt Nam: Bãi đá này thuộc cụm Sinh Tồn nằm trong quần đảo Trường Sa mà Hà Nội vẫn tuyên bố chủ quyền lâu nay. Nhất quán quan điểm đó, trong cuộc họp báo ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: Tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Còn Đài Loan: Họ im lặng một cách có tính toán. Cũng có thể, bà Thái Anh Văn đang quá căng thẳng trước những diễn biến phức tạp tại eo biển khu vực này?
So với Việt Nam, Philippines to tiếng hơn nhiều về vụ Ba Đầu. Nhưng không mấy ai ngạc nhiên. Philippines vốn thế, “mềm” đấy, mà lại “cương” ngay đấy, khi sự chịu đựng đã đụng trần. Vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông năm 2013 tại Tòa trọng tài quốc tế (PCA) là một thí dụ. Dạo đó, Philippines đã khùng lên khi bị Trung Quốc cho quả lừa để chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Cách phản ứng này cũng lặp lại đối với “vụ Cỏ Rong” năm 2019 với các cuộc xuống đường biểu tình, đốt, xé, ném tung tóe cờ Trung Quốc khắp Manila, các thành phố lớn, cùng các phản ứng quyết liệt về ngoại giao.
Tuy nhiên, khẩu chiến cơ bản vẫn là Philippines và Trung Quốc. Ngay từ ngày 21/3, khi truyền thông Philippines công bố hình ảnh khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại một khu vực trên Biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Delfin Lorenzana, đã tuyên bố khẳng định các tàu này đang nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines”, đồng thời, coi đây là một “hành động khiêu khích”.
Sự chống chế vụng về, đổ cho “thời tiết xấu” cùng bình luận xóc óc của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines, rằng: Các nhận xét của ông Lorenzana là “khó hiểu” và “không chuyên nghiệp”; tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu “đang neo đậu trong ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”… khiến cơn giận của ông Lorenzana lên tới cực điểm. Như quên mình là chính khách, ông này đã xả ra những lời bỗ bã vào ngày 3/4, rằng: “Tôi đâu có ngu! Thời tiết tại đó đến nay vẫn tốt, do đó họ không có lý do nào khác để ở lại. Các tàu này nên rời đi. Hãy rời khỏi nơi đó ngay bây giờ!”
Đâu chỉ “quan võ” như ông Lorenzana mới thiếu kiềm chế. Cơn giận dữ cũng tới với các các nhà ngoại giao Manila. Bộ Ngoại giao Philippines đáp trả trong tuyên bố ngày 5-4: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các nỗ lực bôi bác bộ trưởng quốc phòng Philippines của Đại sứ quán Trung Quốc bằng cách gọi tuyên bố của ông ấy là ‘không chuyên nghiệp’; “Các vị nên nhớ các vị chỉ là khách. Mà đã là khách thì nên tôn trọng chúng tôi”; “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc rút các tàu cá và những tài sản hàng hải khác khỏi khu vực đá Ba Đầu… Mỗi một ngày trì hoãn, chúng tôi sẽ gởi công hàm ngoại giao phản đối”.
To tiếng, làm ầm ĩ, thậm chí dọa dẫm, vẻ như Philippines còn muốn nhân vụ việc chuyển thông điệp tới các bên liên quan, rằng: “bãi đá Ba Đầu là của Philippines”. Và có thể, sự giận dữ đó cũng nhằm buộc Mỹ thể hiện những động thái cụ thể, thiết thực trong vai trò là quốc gia đồng minh của mình, chứ không dừng lại ở những lời nói suông? Vẻ như Manila đã quá thấm bài học mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough về tay Trung Quốc trước đây, trước sự lặng im khi đó của ông bạn đồng minh to tướng là Mỹ.
Tới mức này, nếu 44 tàu dân quân biển của Trung Quốc vẫn “chơi bài lỳ”, không chịu rút vì “thời tiết xấu” (!), có lý do để nghĩ rằng, vụ Ba Đầu sẽ châm ngòi cho một vụ đối đầu mới giữa Manila với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông?