Số lượng các nhân vật mới gia nhập câu lạc bộ tỷ phú, hoặc sự trở lại danh sách này, đều tăng mạnh.
Ngày 6/4, tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố bản danh sách các tỷ phú trên thế giới, với người giàu nhất là Jeff Bezos – 177 tỷ USD, kế đến là Elon Musk, với 151 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý đằng sau bản danh sách được công bố thường niên này chính là việc giới tỷ phú, siêu giàu đã tích tụ được nguồn tài sản cá nhân tăng mạnh, bất chấp tình cảnh kinh tế khó khăn, bết bát trên phạm vi toàn cầu do tác động của COVID-19.
Số lượng các nhân vật mới gia nhập câu lạc bộ tỷ phú, hoặc mới quay trở lại danh sách, đều tăng mạnh. Tính trên phạm vi toàn cầu, số lượng tỷ phú tăng 660 người, lên 2.755 tỷ phú, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Trong số này có 493 người thuộc diện lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới.
Trong 8 tỷ phú đứng đầu thế giới, có 7 người giàu hơn so với trước thời điểm đại dịch bùng phát, với mốc thời điểm xác định giá trị tài sản về chứng khoán và tỷ giá quy đổi ngoại tệ là ngày 5/3 vừa qua. Mỹ là nước đứng đầu về số lượng, với 724 tỷ phú, kế đến là Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Macao) với 698 tỷ phú.
Tính tổng thể, các tỷ phú trên thế giới trong năm 2020 đã tích tụ thêm được một lượng tài sản trị giá gần 5.000 tỷ, từ mức 8.000 tỷ USD năm 2020 lên 13.100 tỷ USD năm 2021.
Đối với Việt Nam, theo công bố của Forbes, năm nay Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú thế giới, gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup (VIC) tiếp tục là người giàu nhất tại Việt Nam với khối tài sản theo tính toán của Forbes là 7,3 tỷ USD. Theo xếp hạng của Forbes, ông Vượng là người giàu thứ 344 trên thế giới, cao hơn thứ hạng trong năm trước.
Xếp thứ 2 tiếp tục là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là lần thứ 5 góp mặt trên bảng xếp hạng này của bà Thảo với tài sản 2,8 tỷ USD. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) có khối tài sản ngang nhau, đều là 1,6 tỷ USD.
Sau một năm vắng bóng, ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hiện sở hữu 1,2 tỷ USD. Còn tỷ phú thép Trần Đình Long sở hữu 2,2 tỷ USD.
Theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế, đại dịch Covid-19 khiến khoảng cách giàu – nghèo tại nhiều nơi trên thế giới ngày càng nới rộng, với sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế…
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch để lại hậu quả cho thế hệ sau nếu các biện pháp không được đưa ra kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo.
Báo cáo “Covid-19 và Phát triển con người” công bố tháng 4/2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng nêu rõ, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhóm lao động có thu nhập thấp và lao động thuộc các ngành, nghề không thể làm việc từ xa.
Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế, dịch Covid-19 đã đe dọa khả năng mưu sinh của gần 1,6 tỷ lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức, vốn là nền kinh tế của những người làm thuê ngắn hạn, thời vụ.
Đáng lưu ý, tại Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch, sự tương phản giàu – nghèo càng được thể hiện rõ. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động có thu nhập thấp nhất là lớn nhất, trong khi tỷ lệ này của nhóm lao động có thu nhập cao nhất là nhỏ nhất.