Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ tuyên bố xem xét cùng các đồng minh tẩy chay Olympic...

Mỹ tuyên bố xem xét cùng các đồng minh tẩy chay Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6/4 tuyên bố, Mỹ đang tìm kiếm các cuộc thảo luận với các đồng minh và đối tác để phối hợp thống nhất hành động trong việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt để đợi ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 7/4, vào lúc cộng đồng quốc tế đang kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (6/4) đã tuyên bố Mỹ sẽ xem xét cùng các đồng minh tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra tuyên bố về vấn đề liên quan.

Ông Price nói rằng Mỹ sẽ thảo luận về hành động phối hợp tẩy chay này, nói rằng nó không chỉ liên quan đến lợi ích của Mỹ, mà còn bao gồm cả lợi ích của các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Price sau đó đã nói thêm trong một bài đăng trên trang mạng xã hội: “Mỹ chưa công bố bất kỳ thông báo nào liên quan đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để xác nhận các vấn đề cùng quan tâm và xác lập thái độ nhất trí với Bắc Kinh”.

Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 20/2/2022. Dư luận bên ngoài kêu gọi tẩy chay với lý do Trung Quốc diệt chủng ở Tân Cương, trong đó các nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã đề xuất tẩy chay. Một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa hôm thứ Ba (6/4) đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden đề xuất xin đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Mỹ.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhiều lần được hỏi về việc Mỹ có tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hay không, nhưng đều không đưa ra câu trả lời. Phát biểu lần này của ông Price là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ thảo luận về việc tẩy chay với các đồng minh của nó.

Theo VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ), khi được hỏi về kế hoạch của chính quyền Joe Biden cho Thế vận hội Mùa đông trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/4, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng về vấn đề này, suy nghĩ của Mỹ là “hợp tác với các đồng minh và đối tác khắp nơi trên thế giới tiến hành hiệp thương chặt chẽ và phối hợp hành động”.

Khi được hỏi liệu Mỹ có đang thảo luận với các đồng minh của mình để xem xét phối hợp tẩy chay hay không, Price nói: “Đây là điều mà chúng tôi đương nhiên muốn thảo luận”. Ông nói thêm: “Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng việc áp dụng phương thức phối hợp nhất trí không chỉ phù hợp với lợi ích của chúng tôi, cũng phù hợp với lợi ích của các đồng minh và đối tác”.

Sau đó, ông Price đã làm rõ trong một e-mail rằng ông đang đề cập đến cách phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh, chứ không phải nói Mỹ đang thảo luận cụ thể về vấn đề phối hợp tẩy chay.

Price viết trong một bản tweet sau cuộc họp báo thường kỳ: “Như tôi đã nói, chúng tôi không có tuyên bố nào về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Vẫn còn khá lâu mới tới năm 2022, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác thương thảo để xác định mối quan ngại chung của chúng ta và xác định thái độ chung của chúng ta đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Ông cũng cho biết tại cuộc họp báo rằng chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này, nhưng ông bày tỏ lo ngại về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, bao gồm cả cái mà ông gọi là “diệt chủng” ở Tân Cương.

Hồi tháng 2, Nhà Trắng cho biết họ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc liệu Mỹ có tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hay không và cho biết họ sẽ tìm kiếm hướng dẫn từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), nhưng IOC không bình luận gì về vấn đề này.

Mỹ từng cùng cùng nhiều nước tẩy chay Thế vận hội Mùa hè 1980 tại Matxcova để phản đối việc quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan. Tổng thống Mỹ khi đó là J. Carter đã từ chối cử các vận động viên Mỹ tham gia Thế vận hội Moscow.

Trước khi Thế vận hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 khai mạc, cũng đã có những lời kêu gọi tẩy chay vì thành tích nhân quyền của chính phủ Trung Quốc, nhưng cuối cùng Mỹ không chỉ cử vận ​​động viên tham gia thi đấu, Tổng thống khi đó là George W. Bush Jr. còn đưa gia đình bao gồm cả cha ông – cựu Tổng thống George W. Bush sang Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh.

Ủy ban Olympic Mỹ đã tuyên bố rằng họ không ủng hộ việc của các vận động viên Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Chủ tịch Ủy ban Olympic Susanne Lyons cho biết trong một cuộc họp báo ngày 10/3 rằng việc tẩy chay “sẽ chỉ làm tổn thương những vận động viên đã cống hiến cả cuộc đời tập luyện để đại diện cho đất nước của họ trong cuộc thi đó”. Bà nói: “Mặc dù chúng tôi không bao giờ xem nhẹ những gì đang xảy ra ở Trung Quốc về nhân quyền, nhưng chúng tôi không ủng hộ các vận động viên tẩy chay”.

Tờ Lianhe Zaobao (Liên Hợp Buổi sáng) của Singapore viết, là thành phố đầu tiên trong lịch sử lần lượt đăng cai cả Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông, Bắc Kinh hy vọng sẽ lại tổ chức thành công một sự kiện thể thao Olympic nổi tiếng thế giới sau 14 năm để nâng cao hình ảnh và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, do sự bùng nổ của phong trào phản kháng ở Hồng Kông vào năm 2019 và các tin tức liên tục của truyền thông quốc tế trong năm qua cho rằng Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương như bắt giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trên quy mô lớn, những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Vào ngày 2/2, bảy thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ đã đề xuất một nghị quyết mong Ủy ban Olympic quốc tế sẽ chọn lại quốc gia đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022.

Thượng nghị sĩ Rick Scott của bang Florida, người dẫn đầu đề xuất này, cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc đang diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hạn chế nhân quyền của người Hồng Kông và đe dọa Đài Loan. Chúng ta không cho phép Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 cùng lúc với việc vận hành các trại tập trung ở Tân Cương, vi phạm nhân quyền và đàn áp người dân Hồng Kông một cách có hệ thống”.

Vào ngày 3/2, một liên minh gồm 180 nhóm nhân quyền đã gửi một bức thư ngỏ về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tẩy chay dựa trên hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Họ tuyên bố, có như thế mới “đảm bảo rằng Thế vận hội sẽ không được sử dụng để củng cố các vi phạm nhân quyền kinh khủng của chính phủ Trung Quốc và đàn áp những người bất đồng chính kiến”.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Tại Canada, quốc gia luôn coi Mỹ là “người anh cả”, Thủ tướng Trudeau ngày 16/2 cho biết Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban Olympic Canada sẽ theo dõi chặt chẽ các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Canada cũng không muốn tham gia kế hoạch tẩy chay.

Ngày 24/2, Thủ tướng Anh Johnson cũng bác bỏ lời kêu gọi của các nghị sĩ Anh tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, nhưng nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh đang dẫn dắt cộng đồng quốc tế có hành động tại Liên Hợp Quốc.

Tương tự, Ủy ban Olympic quốc tế cũng từ chối hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay. Theo Tân Hoa xã, ông Thomas Bach, Chủ tịch IOC nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/1 rằng IOC cam kết giữ vững tinh thần Olympic và phản đối việc chính trị hóa thể thao, đồng thời “sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược dài hạn với Trung Quốc”.

Chính trị có ở khắp mọi nơi, nhưng nhiều nhà phân tích cực lực phản đối việc liên kết Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh với chính trị, đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù việc tẩy chay có hại cho hình ảnh của Trung Quốc, nhưng cuối cùng quyền và lợi ích của các vận động viên có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hãng truyền hình Anh BBC dẫn lời ông Dick Pound thành viên lớn tuổi nhất của Ủy ban Olympic quốc tế người Canada, nói rằng việc cấm vận động viên tham gia Thế vận hội sẽ là “một hành động mà chúng tôi biết dù thế nào cũng sẽ không có ảnh hưởng gì”.

“Đây không phải là Đại hội thể thao của Trung Quốc, mà là Đại hội thể thao của IOC”. Ông Pound, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là bất kể lập trường giữa các quốc gia khác nhau phức tạp và có nhiều mâu thuẫn đến mức nào, tất cả chúng ta đều cố gắng tìm ra con đường trung gian, sử dụng thể thao như một phương thức giao tiếp, ngay cả trong những thời điểm tồi tệ nhất”.

Pound nói rằng ông chấp nhận rằng một số quốc gia có thể xem xét tẩy chay về ngoại giao, nhưng ông cho rằng không nên áp đặt điều này đối với các vận động viên.

David M. Lampton, Giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cũng đã viết một bài báo trên Newsweek ngày 16/2 phản đối việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông.

Lampton, người từng là cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung, cho rằng việc tẩy chay không hiệu quả. Mỹ đã thống nhất hơn 60 quốc gia để cùng nhau tẩy chay Thế vận hội Moscow năm 1980, nhưng không thể buộc Liên Xô khi đó rút quân khỏi Afghanistan hoặc ngăn chặn cuộc tiến quân này. Tư liệu cho thấy đây là cuộc tẩy chay lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội.

Lampton tin rằng, thay vì vắng mặt tại Thế vận hội, việc duy trì hoạt động trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ cho phép dân thường hoặc các nhóm nhân quyền tìm cơ hội lên tiếng hoặc phản đối.

Trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, từng có nhiều tranh cãi về việc tẩy chay vì lý do chính trị. Ngoài Thế vận hội Moscow 1980 như đã nói ở trên, ngay từ năm 1976, 22 quốc gia châu Phi đã phản đối việc New Zealand dẫn một đội bóng bầu dục đến thăm Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tẩy chay Thế vận hội Olympic tổ chức tại Montreal, Canada. Năm 1984, Liên Xô tập hợp liên minh một số nước Xã hội chủ nghĩa tẩy chay Thế vận hội Los Angeles để trả đũa Mỹ.

Tuy nhiên, không có cuộc tẩy chay quy mô lớn nào trong Thế vận hội Mùa đông hoặc Mùa hè sau năm 1988.

Năm 2008, khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh bước vào giai đoạn đếm ngược, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những cáo buộc về nhiều vấn đề nhân quyền. Vào thời điểm đó, các nhà phê bình cho rằng hoạt động kiểm duyệt của Trung Quốc diễn ra khắp nơi và nước này từ lâu đã sử dụng các phương pháp cứng rắn để cai trị Tây Tạng.

Ông Vương Nghĩa Ngôi, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Đại học Nhân dân, Trung Quốc, đã phân tích trong một cuộc phỏng vấn với Lianhe Zaobao rằng vào thời điểm thời điểm đếm ngược đến Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh đã bắt đầu, phương Tây bắt đầu gia tăng chú ý đến vấn đề nhân quyền của Trung Quốc; điều này cũng tương tự trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Ông cho rằng so với Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Thế vận hội Mùa đông 2022 còn phải đối mặt với những thách thức mới như sự tách rời giữa Trung Quốc với Mỹ và sự cạnh tranh quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Vấn đề nhân quyền chỉ là biểu hiện của những yếu tố này. Ông dự đoán rằng vấn đề Tân Cương sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng giữa Trung Quốc và phương Tây trong năm tới và khi Thế vận hội Mùa đông đến gần, nó có thể sẽ ngày càng trở nên nóng hơn.

Nhưng không thể phủ nhận rằng nếu Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh được tổ chức thành công, chắc chắn nó sẽ truyền cảm hứng cho mọi người trên thế giới, bởi điều đó cũng có nghĩa là ngày loại bỏ được đại dịch COVID-19 không còn xa.

RELATED ARTICLES

Tin mới