Friday, December 20, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ - Trung giải quyết xung đột bằng tàu chiến

Mỹ – Trung giải quyết xung đột bằng tàu chiến

Không lâu sau thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng rời cảng, băng qua eo biển Miyako và tiến hành tập trận ‘gần’ đảo Đài Loan.

Sau nhiều đồn đoán, Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) ngày 6-4 chính thức xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trên Biển Đông. 

“Thật tuyệt vời khi trở lại Biển Đông để trấn an các đồng minh và đối tác rằng chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tự do hàng hải” – chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, tuyên bố. Theo giới phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc đều có thông điệp muốn gửi đến các nước trong khu vực.

Nhật, Đài báo động

Trước đó, trong thông báo ngày 5-4, Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống đã tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan.

“Các cuộc tập trận tương tự sẽ còn tái diễn trong tương lai”, phát ngôn viên Gao Xiucheng của PLAN cảnh báo. Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, trong đội hình tàu Trung Quốc lần này lần đầu tiên có sự góp mặt của khu trục hạm Type 055 Nam Xương, hai tàu khu trục Type 052D Thành Đô và Thái Nguyên, khinh hạm Type 054A Hoàng Cương và tàu hỗ trợ chiến đấu Type 901 Hồ Hô Luân.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết cuộc tập trận không nhắm vào quốc gia nào, chỉ nhằm mục đích tăng cường toàn diện khả năng tác chiến của PLAN và chống lại các lực lượng ly khai Đài Loan. Trong cùng ngày 5-4, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã có 10 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không mà Đài Bắc tự tuyên bố.

Hải trình của nhóm tàu chiến Trung Quốc trước đó đã khiến Nhật Bản báo động. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các tàu chiến Trung Quốc đã băng qua eo biển Miyako, nằm giữa đảo cùng tên và đảo Okinawa, đêm 3-4 rồi hướng thẳng về phía nam Thái Bình Dương. Liêu Ninh cùng các tàu hộ tống được cho là sẽ tiến ra Thái Bình Dương để huấn luyện, diễn tập.

Tuy nhiên, việc PLAN thông báo nhóm tàu chiến này diễn tập gần đảo Đài Loan cho thấy nhóm tàu Liêu Ninh dường như đã rẽ ngoặt về phía tây nam sau khi qua eo Miyako. Điều này làm dấy lên suy đoán tàu sân bay Trung Quốc đang tiến vào Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ.

Hồi tháng 4 năm ngoái, cũng vào tầm này, nhóm tàu Liêu Ninh đã thực hiện một hải trình y hệt. Các tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan trước khi tiến vào Biển Đông. Ngay trong tuần nhóm tàu sân bay Trung Quốc có mặt, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận đảo Tây Sa đặt tại đảo Phú Lâm và quận đảo Nam Sa đặt tại đá Chữ Thập của Việt Nam.

Nếu Trung Quốc thật sự đưa tàu sân bay đến Biển Đông, động thái lần này sẽ được đặt chung bối cảnh hàng trăm tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép tại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tham vọng của Bắc Kinh

Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ngày 6-4 cho biết trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các cuộc tập trận tấn công trên biển, hoạt động chống tàu ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp…

Trao đổi với báo South China Morning Post (SCMP), ông Ben Schreer – giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie (Úc) – nhận định việc tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông nhằm phản đối các yêu sách vô lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này và báo hiệu cho các đồng minh, như Philippines, rằng Washington là một “đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có năng lực”.

Trong khi đó, hoạt động của nhóm tàu Liêu Ninh thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay để bảo vệ lợi ích cốt lõi và những gì Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.

“Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các nước khác trong khu vực rằng Hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay, dù hiện tại họ vẫn chưa đạt được điều này”, ông Schreer bình luận. Eo Miyako nằm gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, Singapore), nhận xét bằng việc đưa tàu sân bay trở lại Biển Đông (lần thứ 2 kể từ đầu năm 2021), Washington đang phát đi tín hiệu cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực với các đồng minh, và tìm cách răn đe Bắc Kinh không nên “có các hành động quyết liệt nào” trong khu vực.

“Trung Quốc đang muốn vươn ra đại dương”

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo từ chối nêu nhận định về ý đồ của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, nhưng cho biết đang theo dõi sát mọi diễn biến.

“Trung Quốc đang hướng tới việc triển khai sức mạnh ở các vùng biển và vùng trời xa hơn, vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Chúng tôi đã nhận thấy nhiều máy bay và tàu chiến Trung Quốc tham gia các hoạt động thu thập thông tin và huấn luyện xung quanh vùng biển và vùng trời Nhật Bản. Đã có những cải tiến về chất trong hoạt động của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi đang hết sức theo dõi”, ông Kishi lưu ý trong cuộc họp báo ngày 6-4.

RELATED ARTICLES

Tin mới