Tình hình Biển Đông đang nóng lên. Giữa lúc Trung Quốc và Philippines tiếp tục tranh chấp, hôm nay, nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh đã vào Biển Đông trong khi hạm đội lớn của Hải quân Mỹ đang tập trận chung ở đây.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island của Mỹ đang tập trận trên Biển Đông
Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 10/4, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi đá ngầm Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu) ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận sau cáo buộc của quân đội Philippines về việc Trung Quốc đã gây ra sự cố ngoại giao khi tập trung số lượng lớn tàu ở bãi đá ngầm Ba Đầu (Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu).
Vào ngày 8/4, một nhóm phóng viên của đài truyền hình ABS-CBN của Philippines đã đi trên tàu đánh cá dân sự đến bãi san hô Cỏ Mây với tuyên bố để “tìm hiểu cuộc sống của ngư dân Philippines bị Trung Quốc chèn ép”, nhân tiện đến thăm những binh sĩ hải quân Philippines trú quân trên con tàu đổ bộ LT 57 Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999.
Các phóng viên Philippines nói, khi chiếc tàu cá chở họ đi đến trong khu vực biển cách bãi Cỏ Mây 4 dặm Anh về phía nam đã bị chặn lại bởi tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5101. Tàu Hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận và yêu cầu báo cáo danh tính của họ, nhưng các ngư dân và nhóm phóng viên đã phớt lờ yêu cầu của tàu Trung Quốc.
Phía Philippines đưa tin, tàu Hải cảnh 5101 của Trung Quốc đã theo dõi, giám sát chiếc tàu chở các phóng viên trong hơn một giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, hai tàu tên lửa cao tốc Type 22 của Hải quân Trung Quốc cũng đã đến khu vực biển xảy ra vụ việc sau khi tiếp cận tàu Philippines khoảng 20 đến 30 phút mới chạy về hướng đảo nhân tạo Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Mỹ Tế) đang nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo một bức ảnh do Không quân Philippines công bố ngày 29/3, Trung Quốc đã điều 3 tàu tên lửa cao tốc Type 22 và tàu tiếp tế hậu cần số 888 Phủ Tiên Hồ neo đậu tại cảng ở Vành Khăn vào ngày hôm đó.
Tất cả những điều này cho thấy rằng các tàu cao tốc tên lửa Type 22 (80 chiếc) vốn được cho là được đóng để chuẩn bị cho tình huống xảy ra ở eo biển Đài Loan không phải tất cả đều được niêm phong, mà đã được điều tới Biển Đông. Tàu cao tốc Type 22 có lượng choán nước 220 tấn, tốc độ tối đa tới 50 hải lý/giờ, có thể mang 8 tên lửa chống hạm YJ-83 và 1 pháo phòng không tầm gần 30 mm 6 nòng, hỏa lực rất mạnh. Tên lửa Type 22 thời kỳ đầu được coi là “sát thủ tàu sân bay”, Hải quân Trung Quốc từng sử dụng nó để lập kế hoạch tấn công tàu sân bay Mỹ theo chiến thuật “Bầy Sói trên biển”.
Đây là một diễn biến nghiêm trọng bởi nó đánh dấu một bước leo thang mới khi Trung Quốc sử dụng tàu quân sự vào việc uy hiếp tàu dân sự của các nước có tranh chấp ở Trường Sa. Trước đây lực lượng hành động đe dọa, trấn áp tàu cá của các nước thường do các tàu Hải cảnh và dân quân biển đội lốt ngư dân thực hiện.
Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố rằng họ lo ngại về an toàn trên biển của các thường dân không vũ trang và đã chỉ thị cho quân đội tìm kiếm bằng chứng và có thể thực hiện các hành động tiếp theo. Phó Tổng thống Leni Robredo mô tả vụ việc khiến mọi người phẫn nộ, nhưng Phủ Tổng thống từ chối bình luận, nói rằng việc này được giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lên tiếng.
Trước đó, Trung Quốc và Philippines đã va chạm ngoại giao về sự cố Bắc Kinh tập trung đội tàu đông đảo ở bãi Ba Đầu. Quân đội Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ của họ, trong khi Trung Quốc phản bác nói bãi ngầm này là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Phía Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Philippines, tố cáo Trung Quốc ỷ lớn ức hiếp nhỏ ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines đã thực hiện chiến dịch phản kháng Trung Quốc bằng cách mỗi ngày gửi một công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Philippines lại tuyên bố rằng bất kỳ bất đồng nào giữa Philippines và Trung Quốc cũng sẽ không làm thay đổi mối quan hệ giữa hai bên; các sự cố liên quan sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển tích cực của hai nước, cũng như không cản trở sự hợp tác giữa hai nước trong chống dịch và các khía cạnh khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/4 cũng tuyên bố “hợp tác hữu nghị Trung Quốc-Philippines lớn hơn nhiều so với những khác biệt trên biển”.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, một lực lượng lớn Hải quân Mỹ gồm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) và khu trục hạm USS Russell (DDG-59) cùng nhóm tác chiến tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island có sự góp mặt của tàu đổ bộ đường biển USS San Diego (LPD-22) và tuần dương hạm USS Port Royal (CG-73) đã lần lượt tiến vào Biển Đông. Hải quân Mỹ thông báo, trước sự xuất hiện của số lượng lớn tàu Trung Quốc trên Biển Đông, hạm đội Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên Biển Đông.
Giới quan sát chỉ ra rằng, mục đích động thái của quân đội Mỹ là: Thứ nhất, là “ủng hộ, cổ vũ” bên trong tranh chấp với Trung Quốc, chẳng hạn như quân đội Philippines, vốn thường xuyên thể hiện thái độ cứng rắn trong tranh chấp Trung-Philippines; thứ hai là kiềm chế các hoạt động quân sự của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, đối lại sức ép quân sự của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lên Đài Loan.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) chiều 10/4, giữa lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island đang tập trận trên Biển Đông thì nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng đã đi vào Biển Đông qua eo biển Bashi lúc 10 giờ sáng 10/4. Hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh là tàu khu trục Type 055 Nam Xương (101), 2 tàu khu trục Type 052D Thái Nguyên (131) và Thành Đô (120), tàu hộ vệ Type 054A Hoàng Cương (577) và tàu tiếp vận Type 901A Hô Luân Hồ.
Việc một lực lượng lớn tàu chiến của hải quân Mỹ, Trung Quốc cùng số lượng lớn máy bay chiến đấu cùng lúc hoạt động ở Biển Đông là điều ít thấy khiến giới quan sát lo ngại về khả năng xảy ra va chạm ngoài ý muốn giữa hai bên.
Cũng theo Đông Phương, trong ngày thứ Bảy (10/4), các máy bay quân sự của PLA đã 4 lần bay vào vùng nhận dạng phòng không ở tây nam Đài Loan, trong đó, 3 lần bay vào lúc đêm khuya và sáng sớm, sớm nhất trong những năm gần đây.
Truyền thông Đài Loan đưa tin, các máy bay quân sự của PLA đã ba lần bay vào vùng nhận dạng phòng không khu vực Tây Nam Đài Loan vào các lúc 1h23’, 1h48’ và 4h37’ sáng ở độ cao từ 5.700 đến 6.900 mét. Quân đội Đài Loan đã cho máy bay cất cánh phát thanh xua đuổi. Đến 10h43 phút, máy bay quân sự của PLA lại bay vào vùng trời Tây Nam, khi máy bay quân đội Đài Loan phát thanh xua đuổi thì phía Trung Quốc đáp lại: “Đây là Không quân Trung Quốc”.
Theo thống kê, các máy bay quân sự của PLA đã đi vào không phận của Đài Loan trong 9 ngày liên tục và từ đầu năm 2021 đến nay đã bay vào tổng cộng 84 ngày.