Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển ĐôngĐã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược...

Đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược tại Biển Đông (Kỳ 5)

Tóm tắt các lựa chọn chiến lược Mỹ tại Biển Đông

Đảo ngược

Tấn công các lực lượng Trung Quốc tại Biển Đông.

Phong tỏa cho đến khi lực lượng Trung Quốc tại các thực thể ở Biển Đông rút lui.

Áp dụng trừng phạt kinh tế để buộc quân đội Trung Quốc rút lui.

Tấn công các lợi ích “cốt lõi” của Trung Quốc, như Đài Loan, trừ phi Trung Quốc rút lui.

Ngăn chặn

Đồn trú quân đội Mỹ tại các thực thể mà các nước láng giềng của Trung Quốc đang quản lý.

Hỗ trợ quân sự cho các bên yêu sách tại Biển Đông.

Duy trì hiện diện quân sự hùng hậu, đặc biệt tại khu vực gần bãi cạn Scarborough.

Công nhận các nước láng giềng của Trung Quốc là các bên yêu sách hợp pháp đối với các thực thể đang có tranh chấp.

Đáp trả

Tăng can dự quân sự – chính trị của Mỹ tại Đông Nam Á.

Áp đặt các hình thức trừng phạt kinh tế/ngoại giao để đáp trả các bước tiến của Trung Quốc.

Triển khai quân đội Mỹ với quy mô lớn hơn để đáp trả những gì Trung Quốc đã đạt được.

Khuyến khích các thách thức ngoại giao và pháp lý đối với các hoạt động của Trung Quốc.

Thích nghi

Công khai chấp nhận hoạt động cải tạo, xây dựng, quân sự hóa của Trung Quốc.

Dừng hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông.

Truyền thông điệp rằng, Washington sẽ không can thiệp vào tranh chấp tại khu vực.

Làm rõ ràng, cam kết của Mỹ với Philippines không bao gồm Biển Đông, khuyến khích các thách thức ngoại giao và pháp lý đối với các hoạt động của Trung Quốc.

Hàm ý chính sách

Vậy phân tích trên có ý nghĩa thế nào với Mỹ? Cả hai lựa chọn cực đoan – đảo ngược hay thích nghi – đều không phải là chiến lược/cách tiếp cận mong muốn mà Chính quyền Trump có khả năng sẽ thông qua. Chiến lược đảo ngược có những điểm thật sự nổi bật, nhưng sẽ đòi hỏi Washington phải chấp nhận cái giá phải trả và sự rủi ro lớn, có thể sẽ đe dọa tới nhiều mục tiêu mà Mỹ có nhiệm vụ phải bảo vệ.

Cụ thể, chiến lược này đòi hỏi Washington phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với đồng minh và đối tác – đây là điều có lẽ khó xảy ra nếu nhìn vào việc Tổng thống Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đồng minh phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng của họ.

Ngược lại, chiến lược thích nghi, về cơ bản, sẽ nhường lại hầu hết khu vực Đông Nam Á cho Trung Quốc. Đây sẽ là thảm họa chiến lược cho bất kỳ Chính quyền nào của Mỹ, đặc biệt là với một Chính quyền đã tuyên bố rằng, sẽ quyết tâm thực thi chính sách “cứng rắn” với Trung Quốc. Do đó, một chính sách mang hơi hướng hòa hoãn có vẻ như sẽ không được ủng hộ.

Thực tế này dẫn đến hai lựa chọn chiến lược: ngăn chặn hoặc đáp trả các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chiến lược ngăn chặn đã có hiệu quả trong một số vụ việc cụ thể, và có thể, chiến lược này sẽ thay đổi hành vi của Trung Quốc thông qua răn đe thay vì ép buộc. Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn vẫn tỏ ra tốn kém và là một chiến lược tiềm ẩn nguy hiểm bởi quốc gia đối địch sẽ có nhiều cơ hội để khai thác trong tương lại. Còn về chiến lược đáp trả, chiến lược này có điểm cộng là tránh xung đột quân sự trong ngắn hạn, trong đó vẫn tiếp tục tập trung vào mục tiêu dài hạn đó là áp đặt cái giá phải trả và cải thiện cán cân tương quan sức mạnh tại khu vực khi so sánh với Trung Quốc.

Đáng tiếc, khó có thể thực thi một cách chính xác chiến lược đáp trả, như kinh nghiệm từ thời Obama chỉ ra, chiến lược này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ để mặc cho Trung Quốc tiếp tục thay đổi nguyên trạng và từ đó làm xói mòn uy tín của Mỹ trước các bạn bè cũng như khiến các đối thủ không còn coi trọng Washington. Chiến lược ngăn chặn và đáp trả chắc chắn là ưu việt hơn so với hai lựa chọn cực đoan kia, nhưng cũng không phải là chiến lược lý tưởng.

Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn và đáp trả không phải là không thể cùng tồn tại song song với nhau, do đó, cách tiếp cận tốt nhất cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ là kết hợp những khía cạnh hợp lý nhất của hai chiến lược này, cùng với đó là tìm cách tránh những điểm yếu có liên quan. Cụ thể, Mỹ nên ngăn chặn các hành vi mang tính gây bất ổn nhất của Trung Quốc, cùng với đó là đáp trả và trừng phạt các hành vi ít mang tính đe dọa hơn.

Các thành tố ngăn chặn trong một chiến lược mới sẽ thể hiện rằng, Mỹ sẵn sàng chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn – gồm cả rủi ro quân sự – để ngăn cản Trung Quốc cưỡng ép các quốc gia khu vực và củng cố sự kiểm soát với các thực thể khác ở Biển Đông. Đã có những thời điểm Mỹ thể hiện rằng, khi nước này vẽ ra ranh giới đỏ rõ ràng và răn đe một cách hiệu quả rằng sẽ thực thi ranh giới đỏ này, thì Mỹ có thể ngăn Trung Quốc chiếm thực thể của các bên có yêu sách khác (như trường hợp bãi Cỏ Mây năm 2014) và xây dựng trên các thực thể tranh chấp (như bãi cạn Scarborough năm 2016). Nếu các lãnh đạo Mỹ có thể đưa ra những lời đe dọa mang tính răn đe rõ ràng, và bổ trợ bằng các biện pháp trừng phạt quân sự, kinh tế và ngoại giao nếu phù hợp, Mỹ có thể giảm thiểu các hành vi đáng lo ngại nhất trong đòn tấn công của Trung Quốc với việc không để Bắc Kinh chiếm thêm hoặc cải tạo các thực thể khác.

Trong khi đó, các thành tố đáp trả trong chiến lược này, sẽ là tìm cách đảm bảo rằng, với mỗi thành quả ngắn hạn thu được thông qua hành vi cường ép, Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất trong dài hạn.

Đáng tiếc, không chiến lược ngăn chặn nào của Mỹ cũng có thể ngăn việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển để quấy nhiễu tàu của các nước khác, vi phạm phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng tại Trường Sa, hay công bố ADIZ tại Biển Đông. Với những hành động răn đe vốn đã không còn là điều gì mới mẻ này, Mỹ không chỉ là khó có thể đi đến chiến tranh, mà thậm chí khó có thể đe dọa làm như vậy, và Trung Quốc biết rất rõ điều đó. Do vậy, các lãnh đạo Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các hình thức trừng phạt ngoại giao và kinh tế lên Bắc Kinh để đáp trả những hành động này, cùng với đó là đáp trả những thành quả của Bắc Kinh bằng việc tăng cường vị thế quân sự của Mỹ tại khu vực và tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực cho việc Mỹ tăng cường can dự và có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, không có gì đảm bảo chắc chắn chiến lược hỗn hợn này sẽ có hiệu quả; và nếu có một cách giải quyết rốt ráo cho thách thức mà Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông thì đến thời điểm này các nhà hoạch định chính sách Mỹ có lẽ đã tìm ra. Chiến lược hỗn hợp giữa ngăn chặn/đáp trả sẽ vẫn có nhiều điểm yếu cố hữu của từng chiến lược riêng biệt: ví dụ, nó sẽ không làm suy giảm thể đứng quân sự – địa chính trị của Trung Quốc và cũng không ngăn cản được các hình thức quyết đoán và cưỡng ép của Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, chiến lược cũng sẽ khó thực thi – bởi tất cả các lý do đưa ra ở trên – và thậm chí, nếu để càng lâu thì sẽ càng khó để thực thi bởi sức mạnh của Trung Quốc cũng tăng dần theo thời gian.

Cụ thể, để Mỹ có thể thực hiện được dù chỉ là một số mục tiêu khiêm tốn của chiến lược này, họ sẽ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn, chấp nhận cái giá phải trả cao hơn, áp đặt nhiều hình thức trừng phạt nghiêm khắc hơn với Trung Quốc so với những gì mà họ sẵn sàng làm tính đến thời điểm hiện tại. Một chiến lược ngăn chặn/đáp trả sẽ không giúp các nhà hoạch định chính sách Mỹ tránh khỏi những cuộc khủng hoảng nguy hiểm và các tình huống nan giải – dù đây vẫn có thể là cách tiếp cận hoàn hảo nhất giúp Mỹ có đủ dư địa cần thiết để đảm bảo được những lợi ích chính của nước này tại Biển Đông.

Những năm qua, Mỹ đã tỏ ra chập chững, không có cách tiếp cận nhất quán, rõ ràng cho Biển Đông. Giờ là thời điểm để Mỹ nghiêm túc về việc xây dựng chiến lược – trước khi quá muộn.

Hết…

RELATED ARTICLES

Tin mới