Có một cái tên mĩ miều được các “nhà văn” Trung Quốc gọi lực lượng dân quân biển là “Những người đàn ông xanh bé nhỏ”. Nghe êm ái và dịu dàng đến thế,nhưng thực chất đó là lực lượng quân sự trá hình, nếu không muốn nói trắng ra là lính hải quân Trung Quốc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, lực lượng dân quân biển của Trung Quốcđến nay đã lên tới hàng nghìn thuỷ thủ, với hàng trăm tàu vỏ xanh. Hơn 200 tàu vỏ xanh đang tràn ra khu vực đá Ba Đầu, Sinh Tồn và nhiều đảo khác của Philippines và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh cãi sống cãi chết rằng, những tàu này của ngư dân Trung Quốc đi làm ăn chỉ tạm dạt vào đảo mươi ngày, chờ khi thời tiết tốt sẽ lại tiếp tục đi đánh bắt cá. Vậy nhưng đã hơn nửa tháng nay, đoàn tàu này không chịu rút, mà chia làm nhiều tốp nhỏ tản ra khắp Biển Đông, mặc cho Manila và Hà Nội lên án.Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Singapore cho rằng, họ chưa từng thấy một chiến dịch nào của Trung Quốc ở quy mô lớn như vậy.
Những con tàu và những người lính trá hình này tuy chưa gây sự kiện chấn động nào trên biển, nhưng rõ ràng là mối đe dọa an ninh-quốc phòng đối với các quốc gia láng giềng, nhất là Philippines và Việt Nam. Về phía Trung Quốc, nước này chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của đội quân “bé nhỏ” này. Trước sau, khi bị chất vấn, họ đều nói chắc nịch, đó là “dân quân biển” của chúng tôi, nhiệm vụ chủ yếu của họ là đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống (!).
Lời nói dối trá này quá lố, không che mắt được ai. Các chuyên gia phương Tây nhận định cái gọi là dân quân biển thực chất là một chiến lược trong “vùng xám”, hòng đòi hỏi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mới đây CNN dẫn lời các chuyên gia: Các con tàu được sơn màu xanh và thuỷ thủ đoàn của nó đều do Quân đội Trung Quốc kiểm soát và tài trợ. Carl Schuster, cựu giám đốc các chiến dịch tại Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói với CNN: “Lực lượng dân quân biển có vũ trang không đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được gia cố, khiến cho đội quân này rất nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, các tàu có tốc độ tối đa khoảng 21-24 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% tàu đánh cá trên thế giới”.
Đội tàu vỏ xanh có thể nhanh chóng cơ động tới các bãi đá ngầm và đảo của các nước khác, biến không tranh chấp thành có tranh chấp, theo cách “di thi giá họa” của người Tàu từ thời thượng cổ. Nghĩa là ném xác chết sang nhà hàng xóm rồi vu vạ, đổ vấy cho láng giềng là kẻ gây án.
Philippines đã phản đối dữ dội sự gây rối trắng trợn này của Bắc Kinh. Manila gọi các tàu này là hiện diện áp đảo và đe doạ, đồng thời yêu cầu các tàu Trung Quốc phải rời khu vực. Như đỉa phải vôi, Trung Nam Hải phản pháo, rằng lí do rất đơn giản, tàu vỏ xanh neo đậu trong khu vực trước sau chỉ là… là tránh thời tiết xấu. Còn Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines thì tuyên bố trơn tuột: “Không hề có lực lượng dân quân biển như cáo buộc”.
Mặc cho Bắc Kinh chối bai bải, nhưng âm mưu quân sự hóa trên các lĩnh vực, trên tất cả những gì có thể làm được nhằm đưa ra các yêu sách của họ về lãnh thổ là điều khó có thể lừa dối được ai. Các hoạt động ở “vùng xám” được thiết kế để giành chiến thắng, mà không cần chiến đấu, bằng cách áp đảo đối thủ với hàng loạt “tàu cá”.
Mô hình dân quân biển đang diễn ra chung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam cần được nhận diện cụ thể hơn và vạch trần trước diễn đàn quốc tế, nhằm ngăn chặn những kiểu hành xử còn nguy hiểm hơn trong tương lai.Một trong những kịch bản xấu có khả năng xảy ra là “tàu cá” trung Quốc tiếp tục chiếm đóng lâu dài tại các thực thể trên Biển Đông, sau bước tiền đề là “lánh nạn” vì thời tiết xấu.
Trung Quốc sau đó sẽ tìm cách ngăn chặn tàu nước khác tiếp cận và khai tác tài nguyên trong vùng biển, rồi nạo vẹt, chiếm đóng và quân sự hóa thành tiền đồn mới bất chấp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Đây không phải là “phép thắng lợi tinh thần” của AQ. Màn kịch vụng về chỉ có thể hạ màn trên thực địa, đương nhiên nhà cầm quyền đừng bao giờ đùa giỡn trên xương máu của người dân lương thiện.