Hôm 9/4 tàu chiến Mỹ đã chọc thủng đội hình tàu sân bay Liêu Ninh và 4 tàu hộ tống của Trung Quốc trên Biển Đông. Hành động mau lẹ và kiên quyết này của hải quân Mỹ bị Bắc Kinh gọi là “ngang ngược”, “phá đám”.
Tuy chưa thấy Trung Quốc có phản ứng mạnh mẽ,nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á, nhất là các nước có tranh chấp trên vùng biển này thì hả hê lắm. Xưa nay là thế, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Gã khổng lồ quen cậy thế ức hiếp kẻ yếu hơn mình, nhưng khi xuất hiện ông khổng lồ khác thì đành nuốt hận, tính kế, mềm nắn rắn buông là thượng sách.
Chẳng là, mấy hôm rồi,hải quân Mỹ công bố một bức ảnh khá đặc biệt. Trung tâm bức ảnh là 2 sĩ quan trên tàu khu trục USS Mustin. Các viên sĩ quan này đang theo dõi một tàu quân sự cỡ lớn ở khoảng cách gần. Tàu quân sự đó mang số hiệu 16, hình dáng con tàu không thể khác là tàu sân bay Trung Quốc. Có 4 hoặc 5 máy bay chiến đấu đậu trên boong phía cuối đuôi tàu.Bức ảnh hiếm hoi này được đăng trên một trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, với dòng chú thích:“Biển Philippines”, chụp ngày 4/4.
Cẩn thận hơn, khi so sánh với các con tàu được giới thiệu trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, hải quân Mỹ khẳng định, tàu quân sự cỡ lớn mà tàu chiến Mỹ chạm trán là tàu sân bay Liêu Ninh.
Không chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh mà cùng đi còn có 4 tàu khu trục, 1 tàu hậu cần hộ tống.Hải quân Trung Quốc xác nhận: tàu sân bay Liêu Ninh đã vượt qua eo biển Miyako, tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan, sau đó rẽ ngoặt về phía tây nam và đi vào vùng biển Philippines.
Các nguồn tin cho hay, đây không phải lần đầu tàu Mỹ bất ngờ“chọc thủng đội hình” tàu Trung Quốc. Vào năm 2020, tàu khu trục Mỹ đã từng áp sát tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông ở khoảng cách chưa đầy 100m.
Một nguồn tin của “Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI – một tổ chức nghiên cứu của chính quyền Bắc Kinh), tàu chiến Mustin của Mỹ đã bất ngờ di chuyển trên biển Hoa Đông và áp sát cửa sông Dương Tử ngày 3/4. Như vậy tàu khu trục Mỹ đã vượt qua eo Miyako, không rời nhóm tàu sân bay Trung Quốc.
Thông tin cho hay, 2 máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ đã xuất hiện tại eo biển Ba Sĩ trong cùng ngày và đảo nhiều vòng tại khu vực. Theo SCSPI, hành động như “rà quét”của máy bay Mỹ có thể nhằm dọn đường cho nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời Biển Đông, hoặc để “nghênh đón đội tàu sân bay Liêu Ninh sắp đến”.
Từ khi ông Biden lên cầm quyền trong Nhà Trắng, Biển Đông có vẻ như nóng hơn. Nóng hơn là cả từ hai phía. Trung Quốc dùng “phép thử” đối với chính quyền mới của Mỹ. Còn Mỹ thì tỏ ra cứng rắn hơn, nhất là việc đưa tàu chiến, máy bay quân sự tập trận với các đồng minh và trực tiếp bám sát, ngăn cản tàu chiến Mỹ vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Cụ thể là, qua các hình ảnh do vệ tinh Sentinel của Cơ quan vũ trụ châu Âu chụp hôm 10/4 cho thấy, tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống đã băng qua eo biển Ba Sĩ để tiến vào Biển Đông. Hải quân Trung Quốc vẫn bí mật về hành tung của nhóm tàu này.
Biển Đông lại tiếp tục nóng lên và lời cảnh báo về một cuộc chiến tranh nóng không phải là không có cơ sở. Trong khu vực không chỉ có nhóm tàu sân bay Trung Quốc mà còn có nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt và tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island.
Cả hai nhóm tàu của Trung Quốc và Mỹ đều đã hiệp đồng diễn tập trên Biển Đông hôm 9/4.
Toan tính của Bắc Kinh đã phơi bày. Để trở thành siêu cường, họ đã đổ cả núi tiền chi cho quốc phòng và quân sự. Trong những năm qua, các hệ vũ khí mới liên tục được phát triển, đặc biệt các vũ khí có tầm chiến lược, vươn cao vươn xa, có sức công phá lớn như: tên lửa, máy bay, tàu chiến, vũ khí – khí tài vũ trụ. Máy bay ném bom hạng nặng đã liên tục xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những cuộc tuần tra liên hợp, diễn tập tổ chức ngày một dày đặc tại khu vực này.
Mèo và chuột vẫn đang vờn nhau. Có điều hai đều chỉ nhận mình là… chuột! Mọi hành động chỉ nhằm phòng vệ, là cốt để bảo đảm tự do hàng hải, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Nhưng thử hỏi, nếu không có những con tàu chiến hiện đại của Mỹ đủ sức chọc thủng đội hình tàu Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ giễu võ giương oai, sẽ bắt nạt các nước nhỏ đến mức nào?