Kể từ thế hệ giáo sĩ tiên khởi, Alexandre de Rhodes và Joseph Tissanier – những người Pháp đến Đại Việt thế kỷ XVII, đến nay đã hơn bốn thế kỷ mối lương duyên Pháp-Việt chưa bao giờ đứt đoạn.
Cùng với những thương nhân, thừa sai, nho sĩ người Ý, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, các giáo sĩ người Pháp đã để lại nhiều ghi chép quan trọng về văn hóa – lịch sử nước Việt xưa qua từng thời kỳ. Ban đầu là ghi chép mắt thấy tai nghe, đến những nghiên cứu bước đầu nhằm cung cấp cho người châu Âu những hiểu biết cơ bản về con người và xứ sở Việt Nam cũng như phục vụ cho công cuộc thực dân của người Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đã áp đặt được sự thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, việc nghiên cứu về một Việt Nam đa diện được thực hiện rộng khắp, từ văn hóa, lịch sử đến luật pháp, thể chế, tang ma, căn tính, phù thuật, tín ngưỡng… Không chỉ ở vùng đồng bằng, người Pháp còn chú trọng đến vấn đề giáo dục và truyền giáo nơi vùng cao, vùng sâu, Tây Nguyên là vùng đất mà họ nhắm tới.
Từ thập niên 1840 đến đầu thập niên 1970, người Pháp đã đến truyền giáo, lưu trú dài hạn, khảo sát và nghiên cứu Tây Nguyên của chúng ta một cách liên tục, đầy đủ và khoa học. Họ thuộc đủ thành phần: nhà truyền giáo, nhà thám hiểm, tiếp sau đó là nhà cai trị, nhà khoa học. Họ bản địa hóa chính họ, mang đến những công trình nghiên cứu về vùng đất và người nơi đây vừa tổng quát vừa cơ bản, thực tiễn, sâu sắc và đôi khi mộng mơ. Để rồi giờ đây muốn tìm hiểu về mảnh đất Tây Nguyên, chúng ta không thể không đọc những hồi ký hay nghiên cứu dân tộc học của Pierre Dourisboure (1825-1890), Henri Maître (1883-1914), Georges Condominas (1921-2011), Jacques Dournes (1922-1993), Anne de Hautecloque-Howe, Jean Boulbet (1926-2007)…
Bước chân khai phá của Cố Ân
Linh mục Pierre Dourisboure thuộc thế hệ thừa sai đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên, được gọi trìu mến với tên Việt là Cố Ân. Trong 41 năm linh mục và tông đồ, ông dành 35 năm mục vụ truyền giáo cho người dân tộc ở Tây Nguyên. Sống giữa rừng thiên nước độc và thú dữ, sống với người bản xứ bất đồng ngôn ngữ, thiếu thốn vật chất, bệnh tật, cô đơn… nhiều đồng nghiệp của ông không thể trụ lại quá lâu, có thừa sai qua đời chỉ vài tháng khi đặt chân đến Tây Nguyên, có thừa sai chịu được mười năm rồi cũng về với Chúa, Dourisboure là trường hợp đặc biệt, có lẽ là lâu nhất trong lịch sử truyền giáo nơi vùng đất này.
Cha Dourisboure bắt đầu viết hồi ký tại Kon Kơ Xâm (Kon Tum) vào năm 1865 và hoàn tất vào ngày 28-1-1870 tại Chủng viện Hội Thừa sai Paris, tập hồi ký được xuất bản lần đầu năm 1873 tại Paris (Nxb de Soye). Sống thực địa, ngủ thực địa, hy sinh thân mình trước các cuộc truy bắt đạo lúc bấy giờ… Cha Dourisboure có đủ thời gian để quan sát và trải nghiệm những gian khổ vì công cuộc truyền bá đức tin, tất cả những điều đó được ông ghi chép lại trong tập hồi ký có nhan đề Les sauvages Bahnars đã được dịch sang Việt ngữ là Dân Làng Hồ.[1]
Qua tập hồi ký được gửi gắm nhiều cảm xúc, Cha Dourisboure kể lại hành trình truyền giáo gian khổ của các vị thừa sai tiên khởi và công cuộc khai phá miền đất Tây Nguyên Kontum, khởi đầu cho việc thành lập giáo phận Kontum sau này. Không chỉ là tài liệu quý về lịch sử truyền giáo, tập hồi ký còn dành một dung lượng khiêm tốn để miêu tả phong tục, tập quán, lối sống của người Ba Na nửa cuối thế kỷ XIX.
Nhà nhân học chân trần Jacques Dournes
Gần 100 năm sau khi Cha Dourisboure đặt chân đến truyền giáo ở Đông Đàng Trong năm 1849, có vị linh mục trẻ tên là Jacques Dournes, học triết học và thần học ở Đại chủng viện Versailles, được phái sang tòa Khâm mạng Sài Gòn năm 1946. Một năm sau ông về vùng Kala, gần Djiring (Di Linh – Lâm Đồng) truyền đạo và chuyên tâm học ngôn ngữ của người bản địa. Dournes gắn bó với người Srê gần chín năm thì bị triệu hồi về Pháp vào năm 1954 vì tội “xao lãng mục vụ”. Năm 1955, Giám mục Paul Seitz ở Kontum mời Dournes trở lại Tây Nguyên, nơi có tộc người Jörai cư trú. Ông sống ở đó 11 năm trước khi bị buộc phải rời khỏi Việt Nam năm 1970 vì một số lý do khách quan khiến ông vô cùng đau đớn.
Dournes cắm mình ở Tây Nguyên gần ¼ thế kỷ vậy mà ông cho là còn quá ít, rằng mình đến vùng Jörai quá muộn. Ông chú tâm học tiếng bản xứ, không dùng phiên dịch, vì ông hiểu rằng chiều sâu nhất của truyền thống văn hóa Jörai là văn hóa truyền khẩu. Ông phải nói như người bản địa thay vì dùng phiên dịch, điều tối kị đối với một nhà dân tộc học như ông.
Vì người Tây Nguyên, vì say mê con người, tập quán và văn hóa vùng đất này, Dournes muốn bỏ lại tất cả những gì ông có, rời bỏ cội rễ, kể cả quê hương. Dournes dường như “bắt rễ” với người Thượng và giữ thế đứng ngoài xã hội chính thống để tự do quan sát. Chính vì vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Andrew Hardy bảo rằng “Tôi hiểu cặn kẽ, từ mọi phía: phía Pháp, phía Việt Nam, và phía những người dân tộc thiểu số.”[2] Dournes từng nói, “nếu người ta không dầm chân trần trong ruộng, thì sẽ không biết gì hết, bởi vì mọi sự diễn ra trong đầu con người.”[3] Suy nghĩ, phản ứng, tư duy, mơ mộng đủ cả, khi bùn lên đến gối. Nghiên cứu thực địa, nghe-nói và sống như người bản địa là một phần của dân tộc học. Vì tất cả lẽ đó nên Dournes được gọi là nhà nhân học chân trần. Khi về Pháp, cũng là lúc không còn được đi chân trần trong bùn, ông tìm được nơi trú ẩn trong giới khoa học nhưng sợi dây gắn kết ông với nơi gọi là nhà đã không còn. Tuy vậy, ông không thôi mộng mơ, không thôi mơ tưởng về miền Jörai.
Dournes đến Việt Nam với tư cách là nhà truyền giáo tập sự người Pháp, rời Việt Nam – cũng là rời bỏ ngôi nhà trên vùng cao của mình – trong vài trò nhà dân tộc học chịu khó điền dã gần 25 năm nơi thực địa. Là nhà truyền giáo Cơ Đốc nhưng Dournes không cải đạo cho một ai ở Tây Nguyên, vì ông không muốn phá hủy nền văn hóa, tôn giáo nguyên thủy nơi này. Là người thích phiêu lưu cho nên Dournes xiêu lòng trước nền văn hóa sơ khai lãng mạn và con người Tây Nguyên. Lịch sử, văn hóa, kinh tế và nền văn minh người Thượng vì thế là những chủ đề Dournes đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và thể hiện qua các nghiên cứu của mình.
Theo thống kê, Dournes đã xuất bản khoảng 250 công trình/sách/báo nghiên cứu về Tây Nguyên, ông là tác giả có nhiều sách được dịch sang Việt ngữ nhất trong chủ đề này.
Chưa đầy năm năm đến Tây Nguyên, Dournes xuất bản công trình dân tộc học đầu tiên có nhan đề Les populations montagnardes du Sud Indochinois (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương)[4] ký bút danh Dam Bo – cái tên này do nhóm người K’Ho Srê đặt. Từ đó cho đến khi bị trục xuất hẳn khỏi Việt Nam, Dournes đã xuất bản rất nhiều nghiên cứu về Tây Nguyên trên các tạp chí uy tín, trong số đó có thể kể đến Bois-bambou: Aspect végétal de l’univers Jorai (Gỗ-Tre: Phương diện thực vật của thế giới Jörai).[5] Giai đoạn 1972-1978 ông làm việc say mê, những công trình quan trọng nhất của ông về người K’Ho, Srê, Mạ, Jörai cũng ra đời trong khoảng thời gian này. Năm 1972, ông xuất bản cuốn sách Coordonnées: Structures Jörai familiales et sociales (Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai),[6] vừa được Omega dịch sang Việt ngữ lần đầu. Từ lựa chọn định đô, lắng nghe người bản xứ đến nhu cầu tìm hiểu bản nguyên hay không gian sống và tinh thần của người Jörai, Dournes đã định nên cấu trúc quan trọng, gia đình và xã hội, của họ. Năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Sorbonne với đề tài Pötao, les maîtres des états, étude d’anthropologie politique chez les Jörai (Pötao: Những bậc thầy lãnh thổ, nghiên cứu nhân học chính trị ở người Jörai). Đến năm 1977, ông cho xuất bản luận án dưới nhan đề Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai (Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương)[7], ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp dân tộc học ở công trình này và qua đó xác lập được vị thế trong giới khoa học lúc bấy giờ. Qua Pötao, Dournes định ra một hệ thống nghi lễ, chính trị của vua Pötao, xác lập “một hệ thống chính trị mà không có thể chế chính trị, không có nhà nước, quân đội hay những giáo điều chính trị, tôn giáo.”[8] Ông giễu cợt tất thảy những người lâu nay nhầm hiểu về người Pötao và Jörai, gọi họ là những kẻ ngoại lai, bao gồm nhà cai trị thực dân, triều đình ở miền dưới, nhà dân tộc học và cả nhà truyền giáo, trong đó có ông.
Ở trang 76 nguyên bản tiếng Pháp cuốn Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương ông viết, “Yo Sar Luk [tên Mnông Gar của Georges Condominas], và Dam Böt [tên Mạ của Jean Boulbet], người tình của các cô gái thuộc dòng họ lớn người Mạ, và chính tôi nữa, lúc bấy giờ là Dam Bo, chúng tôi chưng cái tên ‘man di’ của chúng tôi lên như là cái bích chương phơi bày giấc mơ của chúng tôi: hòa nhập vào một dân tộc khác biệt hẳn với cộng đồng gốc của chúng tôi, trong khi biết rõ rằng chúng tôi vẫn cứ là người da trắng, trong con mắt của những người mà chúng tôi cho rằng chúng tôi đã được người ta chấp nhận vào xã hội của họ – kỳ thực là chúng tôi được áp đặt vào đó – và đối với họ, vì là người lạ nên chúng tôi được miễn thứ cho cuộc sống bên lề và các ưu tiên của mình, bất chấp tất cả, trong một bối cảnh thuộc địa.”[9] Với Dournes, những người tự nhận là người bản xứ ấy vẫn đại diện cho quyền lực và đặc quyền thực dân, trong nhãn quan riêng biệt của ông việc tự nhận đó, nhằm thể hiện uy tín, là điều lố bịch.
Một năm sau, Dournes xuất bản công trình tuyệt vời khác, có lẽ là đỉnh cao cuối cùng của ông, Forêt, femme, folie: Une traversée de l’imaginaire Jörai (Rừng, đàn bà, điên loạn: Đi qua miền mơ tưởng Jörai).[10] Đàn ông-ngoại giới ngoài kia, đàn bà-nội giới đến bìa rừng thiêng, đàn bà-“ký ức”, “tự nhiên”, đàn ông-“lời nói”, phát điên vì nàng, đàn bà là chúa của làng, là niềm quyến rũ các chàng thế thôi… Trong hệ thống thuật ngữ của Dournes, ngoại giới là: cái ngoài kia, trong rừng, cái bất trắc; nội giới là cái ở đây, tức là làng, cái yên bình; tự nhiên vốn mang tính nữ, làng là phần tự nhiên đã được thuần hóa, đã thành của con người và mang tính người…
Đó là một Jörai nguyên bản ở mãi trong Dournes và khiến ông hoài mơ tưởng, cũng là một Jörai thực tế lúc đó đã cải đạo, đã biến đổi từ tác động bên ngoài và cả bên trong đời sống xã hội của họ. Một Jörai mà ông chua xót mỗi khi nghĩ về.
Đó là một Jörai với hàng trăm huyền thoại – “những huyền thoại về cái hiện tại, những mộng mị của con người đang sống hôm nay”, một Jörai nguyên bản ở mãi trong ông và khiến ông hoài mơ tưởng. Cũng là một Jörai, thực tế lúc đó bên kia địa cầu, đã cải đạo, đã biến đổi từ tác động bên ngoài và cả bên trong đời sống xã hội của họ, một Jörai mà ông chua xót mỗi khi nghĩ về. Rừng, đàn bà, điên loạn là “một chứng nhân cho cách nghĩ, lối sống và quan niệm luyến ái của người Jörai từ góc nhìn của một người trong cuộc [J. Dournes].”
Ngoài ra, còn tập sách ảnh về Tây Nguyên do Dournes chụp được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Xứ Jörai, và một cuốn sách viết về ông cùng các nội dung ông trả lời phỏng vấn năm 1992 có nhan đề Nhà nhân học chân trần: Nghe và đọc Jacques Dournes.
Từ năm 1950, Dournes đã viết, và trở thành trích dẫn kinh điển, rằng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu [Tây Nguyên], thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” Dournes yêu Tây Nguyên hơn tất thảy, hiểu tư duy Jörai và có lẽ Jörai hơn bất kỳ người Jörai thực thụ nào.
Condominas nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar
Georges Condominas từng bảo ‘tôi nằm mơ bằng tiếng Mnông Gar’, cũng chính mảnh đất miền Trung Việt Nam này khơi cho Condominas ý tưởng về khái niệm ‘Không gian xã hội’ nay đã quá nổi tiếng, và cũng nhờ những ghi chép của Condominas mà lần đầu tiên thế giới biết đến sự tồn tại của người Mnông Gar cùng với cách ăn mặc, sinh hoạt, hoạt động kinh tế, đời sống tinh thần và những phong tục tập quán đặc sắc của họ qua công trình Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo – Chronique de Sar Luk, village mnong gar (tribu proto-indochinoise des hauts plateaux du Viet-Nam central) (Chúng tôi ăn rừng Đá-Thần Gôo – Biên niên của Sar Luk, làng Mnông Gar (Bộ lạc Tiền-Đông Dương trên cao nguyên miền Trung Việt Nam)).
Chúng tôi ăn rừng… đi kèm với một địa danh nhất định, được dùng để chỉ một năm cụ thể nào đó. Đây là cách tính thời gian đặc biệt của người Mnông Gar, thời gian được gọi tên bằng những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hằng năm. Chúng tôi ăn rừng Đá-Thần Gôo là tên mà người dân ở làng Sar Luk dùng để gọi năm trồng trọt kèo dài từ cuối tháng 11 năm 1948 đến đầu tháng 12 năm 1949. Đây cũng là khoảng thời gian mà Condominas cùng hòa đồng với cuộc sống sinh hoạt của người bản địa và ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe để viết nên một biên niên sử của Sar Luk.
Cuốn sách là một sưu tập những tư liệu thô thu nhặt được và rút ra từ các sổ tay ghi chép của Condominas trong thời gian sống tại Sar Luk, và tạo nên tên tuổi của Condominas trong ngành Dân tộc học.
Dưới ngòi bút sắc sảo của người quan sát tỉnh táo – nhà dân tộc học đam mê khoa học thuần túy đứng ngoài chính trị, một cái nhìn từ bên trong chứ không phải từ nền văn hóa cao nhìn xuống nền văn hóa thấp kém hơn theo lề thói tư duy thông thường bấy giờ, từng tập tục lễ hội, từng lời nói, cử chỉ của người Mnông Gar được miêu tả một cách sống động, tường minh và chân thật hơn bao giờ hết.
Chúng tôi ăn rừng nguyên là luận án của Georges Condominas bảo vệ tại Viện Khảo cứu Cao cấp (EPHE, Pháp), trong “Lời nói đầu” cho bản tiếng Việt năm 2003, ông bảo rằng công trình này “được viết ra không phải để bảo vệ một luận án ở đại học, cũng chẳng phải để thực hiện một tác phẩm văn học.” Mục đích của Condominas cũng không phải là vẽ nên một bức tranh kiểu chuộng lạ hay dựng nên một công trình mô tả dân tộc học tiền sử nào đó, mà là lột tả cái thực tế như nó được sống trong đời thực khi ông quan sát.
Condominas viết Chúng tôi ăn rừng “để đáp ứng mong ước trao gửi một thông điệp hữu nghị tối hậu”, thực hiện một nghĩa vụ tình bạn thay vì nghĩa vụ khoa học, cũng là để trả ơn người Mong Gar ở Sar Luk – những con người đã cho phép ông được sống cùng trong suốt hai năm (1948-1949), chấp nhận ông đến với thế giới của họ một cách chân thành và đã cứu lấy mạng sống của ông.
Với Condominas, mục đích của cuốn sách này là trình bày những tư liệu thô về cuộc sống một làng Mnông Gar bấy giờ ông dự phần, quan sát và chịu chung mọi thăng trầm với tư cách là một “hộ” Mnông Gar. “Một làng, bởi vì đơn vị chính trị cổ truyền của bộ lạc này không vượt quá phạm vi đó: chính thông qua đơn vị này ta có thể cảm nhận ra quá trình thích nghi của nó với đời sống hiện đại.”
Condominas khiêm tốn khi cho rằng, “đây chỉ đơn giản là những tư liệu, tức một mặt không hề có ý định xây dựng cấu trúc xã hội học, mặt khác cũng chẳng hề muốn làm văn học.” Thế nhưng giá trị mà cuốn sách mang lại đã vượt xa hơn thế, trở thành cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học, đồng thời là một tác phẩm văn học tràn đầy hơi thở của con người trên mảnh đất núi rừng Tây Nguyên.
Ngay khi ra đời, Chúng tôi ăn rừng nhanh chóng được đón nhận và gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật của Pháp lúc bấy giờ. Cuốn sách được nhà nhân học lừng danh Claude Lévi-Strauss xem là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay.”
Người Ê Đê và trải nghiệm sống của Anne de Hauteclocque-Howe
Cũng chính Condominas đã dành những lời khen tuyệt vời nhất cho công trình nghiên cứu Les Rhadés: Une société de droit maternel (Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền) của nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque-Howe – người đã hoàn thành giấc mơ dang dở của Condo: thực địa, nghiên cứu và phân tích về người Ê Đê và mẫu quyền – quy tắc điều hòa chủ đạo của xã hội này. Với thế mạnh tư duy của nhà toán học, Phi châu học và đặc biệt là phụ nữ nên bà đã “sống thực sự trong lòng một xã hội nơi mà sự phụ thuộc về mặt gia đình cùng việc cư trú được quyết định chủ yếu bởi ‘các chị và các mẹ’.” Vì thế, qua công trình Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền – kết quả của 14 tháng (tháng Tư năm 1961 đến tháng Sáu năm 1962) tác giả sống ở Đắc Lắc, Condo tin rằng Anne de Hauteclocque-Howe đã đi xa hơn nhiều so với ông, nếu ông tự làm lấy công việc đó thay vì đi Togo. Việc nghiên cứu được tác giả “tiến hành một cách thông minh và tỉ mỉ để phát hiện trong các chi tiết thích đáng một cơ chế xã hội đặc biệt phức tạp.” Trong quyển sách này, Anne de Hauteclocque đã biết kết hợp tính chặt chẽ “khoa học với một lối viết thượng thừa” nhằm phục hồi chất máu thịt của đời sống cho những sơ đồ tri thức.
Tây Nguyên với những nhà thám hiểm
Hai nhà thám hiểm lớn đã để lại những ghi chép quan trọng về Tây Nguyên có thể kể đến là Henri Maître và Jean Boulbet.
Boulbet đã bản địa hóa chính mình với cái tên Mạ Dam Böt, ở đó ông đi băng qua các chòm núi, lưu thông qua các rừng cây hùng vĩ nhất, thăm các phong cảnh danh tiếng nhất, tắm trong các lỗ nước có tiếng nhất, ngủ trong phần lớn các làng, tham dự nhiều cuộc lễ hiến sinh, tham dự vài cuộc thương thuyết và nhiều cuộc thanh toán, làm cho cư dân bản xứ nói càng nhiều càng tốt (thơ, cổ ca)… Mục đích đến Tây Nguyên được Boulbet viết trong cuốn sách dân tộc học Pays Maa’, Domaine des Génies (Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh) xuất bản năm 1967, rằng “chúng ta có mặt ở đây để làm lại cái xứ sở miền núi này, ‘xứ Mọi’ của những người xưa […] để giữ cho họ đứng ngoài những xáo động đáng lo của chính trị […]. Tôi đến xứ sở của họ để sống cái tuổi hai mươi của tôi một cách đầy đặn đến mức tối đa có thể […]. Tôi đã cưới một cô gái thuộc một trong những dòng họ lớn nhất trong vùng…” Nhận xét về điều này, Dournes viết trong Pötao “nhiều người châu Âu muốn tự coi mình là vua vì nhu cầu áp đặt và ý muốn làm cho những người nguyên thủy được coi là dễ bảo ‘tiến bộ’, mà hoàn toàn không hề biết chút gì về cơ chế của quyền lực trong xã hội của họ.” “Điều chẳng hề ngăn người ta làm tốt công việc dân tộc học, công việc mà anh chàng thực dân trẻ được cuốn vào một cách tự nhiên.”[11] Xứ người Mạ thể hiện niềm mong muốn thầm kín của nhà dân tộc học trẻ, “không phải là ý chí muốn có quyền lực thúc đẩy anh ta, mà là sự hấp dẫn của ‘Cái lạ’, dầu anh chỉ cảm thấy một cách mơ hồ.” Cái lạ (exotique), trong mọi mặt đời sống Tây Nguyên nói chung, với người Pháp thực sự hấp dẫn, gây tò mò, không cưỡng lại được. Cái lạ đó mê hoặc các nhà dân tộc học mới bước vào nghề, Condominas hay Boulbet không ngoại lệ.
Theo thông tin của Oscar Salemink, trong Nhà nhân học chân trần, nhà dân tộc học khó tính Dournes đánh giá rất cao cuốn sách Les jungles Moï (Rừng người Thượng), xuất bản năm 1912, của Henri Maître. Andrew Hardy thì viết rằng, Les jungles Moï và Pötao là hai cuốn sách tuyệt vời nhất về Tây Nguyên mà ông từng đọc. Rừng người Thượng gồm ba phần, đến nay chúng ta chỉ mới dịch ra Việt ngữ phần III của cuốn sách.
Nếu như hai phần đầu là những lời tụng ca của Maître dành cho rừng hay những câu chuyện về chính Maître một cách chủ quan và ít có giá trị dân tộc học, “chuyện kể về Henri Maître và rừng của Henri Maître”, thì phần III là nội dung về con-người-sống-trong-rừng dưới góc nhìn khoa học, khách quan của một nhà thám hiểm đồng thời là nhà dân tộc học Henri Maître. Đánh giá về giá trị nội dung của phần III này, Andrew Hardy và Nguyễn Văn Huy cho rằng, “một nghiên cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên trong số những gì đã xuất bản.”[12] Một lý do khác khiến công trình của Maître trở nên kinh điển là nhờ phương pháp nghiên cứu thực địa và khảo cứu tư liệu để tổng hợp về các dân tộc cao nguyên miền Thượng trong suốt chiều dài lịch sử.
Nếu Pierre Dourisboure là người, từ rất sớm, kiên trì khai phá Tây Nguyên ở góc độ tôn giáo thì Henri Maître là người tiên phong trong khoa học, trong nghiên cứu về nền văn minh, con người, vùng đất và núi rừng Tây Nguyên.
Vĩ thanh
Từ Pötao đến Tọa độ vừa được dịch ra Việt ngữ là khoảng thời gian tám năm chờ đợi, những gì còn lại là công việc tái bản các bản dịch được in trước đó, không có cái mới.
Mong trong một tương lai gần, chúng ta được đọc những bản dịch Việt ngữ quan trọng khác về chủ đề Tây Nguyên hay lịch sử-dân tộc liên quan, ví dụ: Sons of the Mountains (Những người con của núi) của Gerald Cannon Hickey, Bois-bambou: Aspect végétal de l’univers Jorai (Gỗ-Tre: Phương diện thực vật của thế giới Jörai) của Jacques Dournes, L’Exotique est quotidien (Cái xa lạ là cái thường ngày) của Georges Condominas, Les Mnong des Hauts-Plateaux (Người Mnông ở Tây Nguyên) của Albert-Marie Maurice, vân vân và vân vân.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói, dân tộc học trong một cách hiểu nào đó không phải là nghề mà là một nghiệp, người ta không ‘làm’ dân tộc học, người ta ‘sống’ nó. Người Pháp đã ‘sống’ với ‘cái lạ’ và để lại cho chúng ta những hiểu biết căn bản nhất về vùng đất Tây Nguyên thông qua những nghiên cứu dân tộc học, ghi chép, sách vở. Nhìn lại những gì đang có, điều dễ thấy là hiện tại còn quá ít sách được dịch sang Việt ngữ, công việc nói tưởng dễ nhưng cũng thật khó nếu không yêu-hiểu-nghĩ về Tây Nguyên như Dournes đã từng nói.