Cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là một hành động ngang ngược của Trung Quốc, từ lâu đã bị các quốc gia ở Đông Nam Á đồng loạt lên án. Thế nhưng, Bắc Kinh chẳng những không chịu rút cái lệnh cấm vô thiên, vô pháp này, mà ngày càng lấn tới, gây căng thẳng trong khu vực.
Không những tiếp tục cấm ngư dân trong nước và các nước khác đánh bắt cá, Bắc Kinh còn ngày càng ngang ngược hơn, kéo dài thời gian “cấm”, coi Biển Đông như cái hồ cá của họ. Cụ thể là cách đây hơn hai thập niên, vào năm 1999, chính quyền Trung Nam Hải bất ngờ cấm ngư dân đánh bắt cá trong vòng một tháng – từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6. Thế nhưng, năm 2020, nước này ngang nhiên đưa ra lệnh “cấm biển” trong vòng 3 tháng, vẫn bắt đầu từ trung tuần tháng 5 cho đến trung tuần tháng 8.
Cái lý do Trung Quốc nại ra là, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông, vì tháng 5 và tháng 6 là thời kỳ hải sản sinh sản. Nếu đúng như thế thì quốc gia này xứng đáng là tấm gương bảo vệ môi trường. Nhưng sự thật đó chỉ là cái vỏ bọc để họ thực hiện âm mưu khống chế, o ép các nước trong khu vực, thực hiện chiến lược lâu dài độc chiếm Biển Đông.
Cuối tháng 4 vừa qua, đang khi các nước Đông Nam Á phải vật lộn với đại dịch Covid-19 biến chủng mới loang nhanh như bão, nặng nề nhất là ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Bắc Kinh đã ban bố lệnh cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông kéo dài tới…5 tháng.
Cụ thể là, hôm27/4, Tân Hoa xã thản nhiên đưa tin, giới chức nước này vừa ra lệnh cấm đánh bắt hải sản tại nhiều khu vực Biển Đông, cùng một số khu vực biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông từ ngày 1/5 đến ngày 16/9. Theo đó các khu vực đang có tranh chấp nghiễm nhiên không cho phép tàu bè nước khác vào đánh bắt cá tôm. Nếu cố tình vào, sẽ bị “dân quân biển” Trung Quốc nổ súng theo Luật Hải cảnh mới – một bộ luật sai trái đã và đang bị dư luận thế giới phản đối dữ dội.
Người đánh cá trên biển, trong đó có ngư dân Trung Quốc, đành khoanh tay, than phiền: “Thời gian con cá Trung Quốc có chửa ngày càng kéo dài, từ một tháng tăng lên 3 tháng, 5 tháng, và có khi tới cả năm”.
Ai cũng hiểu, chẳng phải đơn giản lệnh cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông là vì mục tiêu kinh tế. Thật ra, ý đồ lâu dài của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh để trấn áp những khu vực chung quanh. Trung Quốc muốn thể hiện quyền lực và củng cố các yêu sách chủ quyền thậm vô lý của họ, nhất là duy trì cái “Đường lưỡi bò” đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở Lahaye ném vào sọt rác từ năm 2016.
Yêu sách “Đường lưỡi bò” đã vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS 1982) là quá rõ ràng. Giờ đây Trung Quốc lại tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản. Sai phạm chồng lên sai phạm, chẳng khác nào anh cấm nhà hàng xóm trồng cây trên đất vườn của người ta.
Hơn nữa, về lâu dài, việc “cấm” đánh bắt hải sản này sẽ gây nguy cơ gia tăng căng thẳng, xung đột. Vì nhất định Trung Quốcsẽ đưa lực lượng tàu hải cảnh vào để giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt cá của các nước khác để thực thi các lệnh cấm đánh bắt cá. Và rồi sẽtái diễn các vụ đâm chìm tàu cá các nước, chiến tranh nóng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Các nước trong khu vực đều nhận rõ một điều, Trung Quốc đang có lợi thế về các đội tàu đang hoạt động trên Biển Đông. Bất cứ lúc nào, nước này hoàn toàn có thể điều một số lượng lớn, lên tới hàng trăm tàu vỏ thép, gây khó khăn cho lực lượng chấp pháp của các quốc gia trong khu vực. Nếu xảy ra các vụ va chạm tàu với Trung Quốc, các nước trong khu vực chỉ có hai cách: phối hợp các biện pháp ngoại giao và pháp lý, đưa hải cảnh Trung Quốc và các vấn đề liên quan tới lực lượng này ra các Tòa án quốc tế.
Các nước Đông Nam Á đã lường trước những âm mưu, thủ đoạn bành trướng của Bắc Kinh. Việt Nam và Malaysia đang xem xét ký một bản ghi nhớ về giải quyết tranh chấp liên quan tới an ninh biển giữa vùng biển của hai bên.
Việt Nam, Philippines cùng với Malaysiacũng đang cân nhắc phối hợp tuần tra chung trên Biển Đông. Sự phối hợp này là rất cần thiết, giúp giảm đến mức thấp nhất vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia, tạo thành đối trọng hiệu quả hơn, đập tan âm mưu độc chiếm Biển Đông, cậy thế bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc.