Monday, September 16, 2024
Trang chủBiển nóngGiọng điệu vu cáo trắng trợn của Bắc Kinh

Giọng điệu vu cáo trắng trợn của Bắc Kinh

Ngày 25/4, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lại bài viết từ tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang phát triển lực lượng dân quân biển ở Biển Đông, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật trên biển và an ninh quốc phòng của Trung Quốc và kêu gọi xem xét, xử lý kịp thời vấn đề này. Chúng ta cùng phân tích để thấy được sự thật liên quan đến những lời vu cáo trắng trợn này của Bắc Kinh.

Đúng là trên thực tế, Việt Nam có lực lượng dân quân tự vệ biển và điều này được quy định rõ trong Luật Dân quân Tự vệ năm 2009 và trong Luật Dân quân Tự vệ sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2019. Trước năm 2009, không có khái niệm “dân quân tự vệ biển” mà chỉ tồn tại các đơn vị dân quân hoạt động tại các tỉnh ven biển, không phân biệt nội dung nhiệm vụ. Mới nghe thì cái tên lực lượng này gần giống với tên gọi của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc mà báo chí lâu nay đã có nhiều bài viết. Tuy nhiên, lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam khác nhau về bản chất so với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Thứ nhất, về mục tiêu lực lượng dân quân trên biển của Việt Nam là tự vệ, tự bảo vệ mình khi đánh bắt trên biển, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngư dân khác trong lúc ra khơi cũng như tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia khi bị xâm phạm; tôn trọng vùng biển và quyền lợi chính đáng của các quốc gia khác, hoàn toàn không nhằm mục tiêu xâm phạm vùng biển hay quyền lợi trên biển của các quốc gia láng giềng. Trên thực tế, dân quân tự vệ biển Việt Nam chính là ngư dân bình thường coi đánh bắt thuỷ hải sản là kế sinh nhai; được chính phủ huấn luyện và trợ cấp để tham gia vào các đơn vị dân quân. Vai trò của họ thuần túy là tự vệ trước sự uy hiếp, đe dọa từ bên ngoài. Dân quân biển phản ánh mô thức căn bản của học thuyết “chiến tranh nhân dân” mà Hà Nội đã sử dụng trong các cuộc kháng chiến trước đây. Trong thời bình, họ là những công dân bình thường coi đánh bắt thuỷ hải sản là sinh kế, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngư dân khác trong lúc ra khơi cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Còn mục tiêu của dân quân biển Trung Quốc là đi xâm lấn vùng biển nước khác. Giới cầm quyền Bắc Kinh sử dụng dân quân biển để cưỡng ép tàu thuyền các nước khác mà không dẫn đến xung đột vũ trang. Thực chất dân quân biển Trung Quốc là lực lượng bán quân sự, được trang bị tàu vỏ sắt cỡ lớn. Họ được lập ra núp dưới danh nghĩa “tàu cá” để thực hiện những mưu đồ đen tối trên các vùng biển của nhà đương cục Bắc Kinh. Họ không tham gia hoạt động đánh bắt hải sản mà luôn rình rập để đe dọa, uy hiếp tàu thuyền của các nước láng giềng phục vụ cho việc thúc đẩy các yêu sách về lãnh thổ và về các vùng biển trái với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)1982.

Thứ hai, trên thực tế lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam chưa gây ra bất cứ vụ việc phức tạp nào với tàu thuyền và ngư dân các nước láng giềng, kể cả các tàu cá và ngư dân nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Chủ yếu họ bảo vệ lẫn nhau khi đánh bắt ở các ngư trường xa bờ, chẳng hạn như giúp nhau tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn hay hỗ trợ lẫn nhau về dầu chạy máy… Họ không chỉ tham gia cứu hộ các tàu thuyền, ngư dân Việt Nam mà còn tham gia cứu giúp ngư dân các nước khác khi bị nạn (việc tàu cá Việt Nam cứu 22 ngư dân Philippines tháng 6/2019 là một ví dụ điển hình).

Trong khi đó, các tàu dân quân biển của Trung Quốc gây ra không biết bao nhiêu vụ gây hấn với tàu thuyền các nước láng giềng ven Biển Đông như uy hiếp, đâm va vào tàu cá các nước láng giềng để đánh nhụt ý trí của họ buộc họ phải từ bỏ ngư trường truyền thống của mình. Lấy ví dụ cụ thể 3 vụ việc điển hình nhất gần đây để thấy rõ bộ mặt thật của các tàu dân quân biển Trung Quốc: (i) tháng 6/2019, tàu dân quân biển của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippine giữa đêm tối ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine gần khu vực bãi Cỏ Mây, rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển kiến chính quyền Manila lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các ngư dân này đã được tàu cá “Tiền Giang” của Việt Nam cứu sống và Tổng thống Philippines Duterte đã bày tỏ sự cảm ơn các ngư dân Việt Nam; (2) đầu tháng 4/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, tàu của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt bình thường ở ngư trường truyền thống khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hành động này khiến không chỉ chính quyền Hà Nội mà ngay cả Washington cũng lên tiếng phản đối và Bộ Ngoại giao Philippines ra Tuyên bố lên ánh hành động của tàu dân quân biển Trung Quốc; (3) ngày 10/6/2020 tàu cá QNg 96416 TS của ngư dân Việt Nam bị tàu dân quân biển vỏ sắt số hiệu 4006 tấn công, khiến nước tràn vào tàu cá Việt Nam, gần chìm. Ngoài ra còn rất nhiều vụ việc tàu cá của các ngư dân Việt Nam bị các tàu lạ mà thực chất là tàu dân quân biển của Trung Quốc thường xuyên uy hiếp, đâm va (do trong đêm tối không nhìn rõ số hiệu tàu nên tạm gọi là tàu lạ).

Thứ ba, dân quân tự vệ biển Việt Nam có nhiệm vụ “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia”, đặc biệt là quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển được quy định trong Luật Dân quân Tự vệ 2019. Tuy nhiên, lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam đơn giản không thể so sánh với dân quân biển Trung Quốc cả về quy mô lẫn trang thiết bị. Các đơn vị dân quân tự vệ biển của Việt Nam thường được tổ chức thành các công ty đánh bắt xa bờ. hai loại tàu chủ yếu của lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam gồm lớp tàu TK-1482, một lớp tàu đánh cá vỏ thép 400 tấn được trang bị ngư cụ hiện đại; và loại tàu thứ hai là lớp tàu vận tải Trường Sa thường được thấy đi theo hỗ trợ các tàu cá nhỏ hơn.

Dân quân biển Trung Quốc, chủ yếu được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn thuộc nhà nước, khét tiếng với vai trò hung hăng của họ trên biển. Đúng như nhận định của ông Collin Koh, chuyên gia Viện nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore rằng “Đối với Trung Quốc, lực lượng dân quân biển là tiền thân của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đại” đã được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trích dẫn. Hoạt động của dân quân biển Trung Quốc được ghi nhận ít nhất là từ năm 1974 khi nước này đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa khi các tàu dân quân biển được sử dụng như một lực lượng thứ 3 hỗ trợ hải quân và các tàu chấp pháp Trung Quốc tiến hành các hành vi vũ lực.

Thứ tư, trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, dân quân tự vệ biển Việt Nam chủ yếu đóng vai trò phòng thủ, và thường được triển khai để phản ứng lại hoạt động của dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài viết trong tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại của Trung Quốc có đề cập đến việc tàu dân quân trên biển Việt Nam tham gia hoạt động ngăn chặn giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hồi năm 2014 và ngăn chặn hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8/2019 là một sự thật. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh ở đây là các tàu dân quân tự vệ biển Việt Nam khi đó là đang thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS chống lại các hành vi xâm lấn trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 và nhóm tàu địa chất Hải Dương 08. Đây là một hoạt động chính nghĩa theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Hoàn toàn không có chuyện tàu dân quân biển Việt Nam đe dọa “lực lượng thực thi pháp luật” hay “an ninh quốc gia” của Trung Quốc như Bắc Kinh đã vu cáo trắng trợn trong bài viết trên tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, dân quân tự vệ biển Việt Nam còn đóng một vai trò “phi quân sự” quan trọng khác là tuyên truyền về pháp luật của Việt Nam và của các nước láng giềng, đặc biệt là pháp luật phòng chống đánh bắt cá trái phép.

Hoạt động của các tàu dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông đều là các hoạt động phi pháp, trái với các quy định của luật pháp quốc tế bởi lẽ các yêu sách về vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò” là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết hôm 12/7/2016 bác bỏ. Từ tháng 6/2020, các nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trong vùng biển miền Trung Việt Nam năm 2014 và đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu dân quân biển hộ tống vào hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 10/2020 là hoạt động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Do vậy, các tàu dân quân tự vệ biển Việt Nam cùng các tàu của cảnh sát biển Việt Nam ngăn cản họ bảo vệ vùng biển của mình là việc làm chính đáng được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là chính nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thường xuyên sử dụng tàu dân quân biển đội lốt tàu cá để thực hiện mục tiêu bành trướng ở Biển Đông chẳng hạn như khi Trung Quốc đã dùng đội quân này để đánh chiếm bãi Vành Khăn năm 1995 và bãi Scarborough năm 2012 mà không phải nổ súng. Gần đây nhất, Bắc Kinh cho trên 240 tàu dân quân biển tụ tập ở bãi Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa làm cả cộng đồng quốc tế bất bình.

Thứ năm, cần phải nhấn mạnh rằng chưa bất cứ một quan chức của nước nào (trừ Trung Quốc) và chưa có một học giả hay nhà nghiên cứu chân chính nào có phát biểu phê phán hay bày tỏ lo ngại đối với lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam, mà thậm chí có những lời khen ngợi, cám ơn đối với các tàu Việt Nam đã tham gia cứu giúp các ngư dân hay tàu thuyền bị nạn ở Biển Đông.
Ngược lại, rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu và các quan chức của các nước đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối tàu dân quân biển của Trung Quốc, bởi lẽ Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng này như một công cụ để thúc đẩy các yêu sách bất hợp pháp về chủ quyền hay vùng biển ở Biển Đông. Giới quan sát đặt cho nó cái tên gọi là chiến thuật “vùng xám”. Hay nói một cách khác, Bắc Kinh sử dụng các tàu dân quân biển (lực lượng bán quân sự núp dưới danh nghĩa tàu cá) để gây căng thẳng với các nước láng giềng ven Biển Đông dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột vũ trang, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức.  Đây là một cách làm hết sức nham hiểm của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Vậy tại sao nhà cầm quyền Bắc Kinh lại chủ trương có các bài viết vu cáo dân quân tự vệ biển Việt Nam vào lúc này. Một số nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh các tàu dân quân biển của Trung Quốc tụ tập với số lượng đông hàng trăm chiếc ở bãi Ba Đầu và các cấu trúc khác thuộc quần đảo Trường Sa đang bị lên án mạnh mẽ, Bắc Kinh đưa ra bài viết này với mục đích giải tỏa sức ép của quốc tế.

Việc đánh đồng lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam với dân quân biển Trung Quốc, và cáo buộc họ tiến hành các hoạt động do thám của tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại của Trung Quốc là thiếu cơ sở, và là hành vi đánh lạc hướng có chủ đích. Những cáo buộc đó chỉ là một dạng ngụy biện “anh cũng vậy”, hay tệ hơn nữa là một chiến dịch đánh lạc hướng có chủ đích. Dân quân tự vệ biển Việt Nam không phải là một lực lượng bí ẩn khi cơ cấu tổ chức, trang thiết bị và hoạt động của lực lượng này đã được công khai thảo luận và có sự khác biệt rõ rệt với dân quân biển Trung Quốc.

Mặt khác, việc bài báo trên tạp chí Tàu thuyền Hải quân và Thương mại của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh “tăng cường pháp luật đối với tàu thuyền nước ngoài” cho thấy Trung Quốc đang dùng chiêu trò vu cáo này để biện hộ cho việc họ mới đây thông qua Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng Hải cảnh nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài đang bị cả thế giới lên án. Bài báo còn kêu gọi “gây áp lực” lên Hà Nội. Đây rõ ràng là một cách làm của kẻ bá quyền, dùng sức mạnh để cưỡng ép theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, một cách làm luôn bị lên án trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Việc Bắc Kinh đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” với lực lượng nòng cốt là dân quân biển Trung Quốc để thúc đẩy các yêu sách trên biển, xâm phạm vào vùng biển của các nước láng giềng chính là nguyên nhân khiến các nước ven Biển Đông cần phải có lực lượng dân quân tự vệ biển để ứng phó. Không chỉ Việt Nam mà gần đây, Philippines cũng đang xem xét việc sử dụng lực lượng dân quân biển để đối phó với chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của nước này tại Biển Đông.

Trong bài phát biểu gần đây trước Thượng viện Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cáo buộc “bên kia”, ám chỉ Trung Quốc, đang triển khai “cái mà gọi là “dân quân” nhưng thực chất là một bộ phận của hải quân Trung Quốc với những con tàu lớn”. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng những động thái mới xung quanh việc xây dựng lực lượng dân quân trên biển của Manila được xem là phản ứng của Philippines trước việc Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng bán quân sự để tiếp cận ồ ạt các đảo tranh chấp và các thực thể chiến lược, xâm nhập sâu hơn vào các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Rõ ràng, Trung Quốc đang đẩy các nước láng giềng ven Biển Đông vào một cuộc chạy đua với chiến thuật “vùng xám” và đặt Biển Đông trước những rủi ro lớn. Hãy cảnh giác trước giọng điệu vu cáo trắng trợn của Bắc Kinh.

Giọng điệu vu cáo trắng trợn của Bắc Kinh

RELATED ARTICLES

Tin mới