Báo chí Malaysia vừa dẫn lời ông Mohd Zubil Mat Som, người đứng đầu Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), cho biết: Một bản ghi nhớ (MOU) giữa Kuala Lumpur và Hà Nội có thể được ký trong năm nay nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động thăm dò, khai thác dầu của Malaysia năm 2019
Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận Malaysia, Việt Nam, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, vì hai lý do:
Thứ nhất, trong bối cảnh Biển Đông sóng gió dữ dội và ngày càng phức tạp, mọi động thái giữa các bên liên quan có thể tác động đến tình hình khu vực này đều khiến cộng đồng quốc tế quan tâm.
Thứ hai, dù mới chỉ ở mức độ là một bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia, nhưng một số chuyên gia hy vọng rằng, sau bước có tính tiền đề này, nếu nó được triển khai một cách tích cực, sẽ tác động đáng kể tình hình Biển Đông, xét trong quan hệ giữa các nước Asean với Trung Quốc.
Biển Đông, ai cũng biết, sở dĩ trở nên phức tạp, ngày càng nóng, sau mỗi thời gian lại thêm một vấn đề phát sinh…, là do Trung Quốc. Nói cách khác, “đường 9 đoạn” do Trung Quốc nêu ra với sự tù mù về cơ sở pháp lý và lịch sử, vin vào đó để đòi hầu hết diện tích Biển Đông, là nguồn cơn của mọi chuyện.
Biển Đông liên quan 5 quốc gia và 6 bên, nhưng thời điểm hiện tại, gần như là cuộc đối đầu quyền lợi giữa 2 bên: Một bên là Trung Quốc, bên kia là nhóm các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia cùng Brunei, Đài Loan. Có thể tính thêm Indonesia (dù nước này không liên quan trực tiếp), trong các tình huống không thực sự sát sườn của mình, nước này: Hoặc lặng im, hoặc chỉ cất tiếng một cách yếu ớt.
Xét tương quan, đây thực sự là cuộc đấu quá không cân xứng – đó là điều ai cũng biết. Trước một đồ vật thượng hạng là Trung Quốc, nhóm nước còn lại, về thứ loại, chỉ đáng đóng đai hạng 3 trong cuộc so găng. Trung Quốc đã to, đã khỏe lại còn nhiều mưu. Cùng với hò hét nạt nộ, gương vây, gương bắp, họ còn giở mánh thâm hiểm nhằm phân hóa nhóm đối thủ ra từng mảnh để đấu tay đôi. Đấu tay đôi với Trung Quốc thì Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia không chỉ gặp khó mà còn rất khó. Chưa hết, đã yếu, các nước này lại có phần phân tán, không thật sự có tiếng nói chung trong nhiều tình huống.
Tỷ như Việt Nam và Malaysia. Hai nước này đã và đang có xích mích, mâu thuẫn về việc đánh bắt cá trên một số vùng biển mà mỗi bên đều coi là của mình. Điều đó gây nên những phức tạp không chỉ giữa ngư dân mà còn giữa chính phủ hai nước. Thậm chí, giữa hai nước từng căng thẳng sau vụ một ngư dân Việt Nam bị bắn chết sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Malaysia kiểm tra hai tàu cá Việt Nam ngày 19/8/2020.
Cũng trong năm 2019, khi tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển của Trung Quốc quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng EEZ khu vực bãi Tư Chính ngoài khơi phía Nam của Việt Nam và khu vực ngoài khơi các bang Sabah và Sarawak của Malaysia…, Việt Nam lên án mạnh mẽ Trung Quốc, nhưng Malaysia lại im lặng một cách bất ngờ.
Sự im lặng bất ngờ của Malaysia có thể vì một toan tính riêng vì lợi ích của chính họ. Tuy nhiên, xét về đại cục của các nước trong khu vực, nhất là các bên liên quan, điều đó có ý nghĩa như sự thất thiệt, bởi thêm một tiếng nói phản đối Trung Quốc là thêm một phần sức mạnh của nhóm các bên cùng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Còn Trung Quốc? Họ chỉ cần thế để hiểu rằng, từng cặp đôi trong các nước Asean không có tiếng nói chung, ở cấp độ rộng hơn là cả nhóm 4 nước và 1 bên đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ “mỗi người một phách”.
Như thế, còn lâu các nước này mới hy vọng có phần thắng trong đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) – một văn kiện tối quan trọng trong giải quyết những phức tạp diễn ra ngày một trong khu vực, cũng là văn kiện được kỳ vọng sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc dùng bạo lực để khuất phục, bắt nạt các nước láng giềng trên một Biển Đông giàu có và “đủ rộng cho tất cả” nếu mỗi bên liên quan đều biết điều và không tham lam.
Thế nên, một bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải giữa Việt Nam và Malaysia, vào lúc này bỗng khiến dư luận hào hứng và kỳ vọng các nước Asean đang trên con đường gặp nhau, cùng cất tiếng nói chung trong cuộc đấu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.