Trong các cường quốc đi đầu phát triển vaccine Covid-19, Trung Quốc ráo riết nhất trong việc biến vaccine thành một công cụ ngoại giao nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, Indonesia là nước đang cảnh giác với Trung Quốc.
“Ngoại giao vaccine” của Trung Quốc gặp khó ở Indonesia
“Ngoại giao vaccine” không phải là một thuật ngữ ngoại giao có từ lâu. Nó chỉ mới xuất hiện cách đây chừng 1 năm, khi một số cường quốc, trong đó có Trung Quốc, giữa tâm dịch, đã xúc tiến thử nghiệm, phát triển vaccine phòng Covid-19 và thu được những kết quả khả quan ban đầu. Cùng với phục vụ phòng chống dịch trong nước, quốc gia nhiều tham vọng bành trướng như Trung Quốc không thể không nghĩ tới việc biến lợi thế sớm có vaccine thành thứ để mặc cả với các quốc gia khác đang khốn đốn trong vòng vây con virus Sars Cov- 2. Vậy là, vấn đề vấn đề vaccine luôn kèm theo trong các chuyến đi con thoi tứ phía của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Là chủ nhân của “đường chín đoạn” đưa ra một cách đơn phương và ngang ngược, Trung Quốc luôn đưa vaccine ra như một món mồi, nhử các nước ASEAN. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Philippines tháng 1/2021, đã mang theo quà tặng là 600.000 liều vaccine, đồng thời đề nghị được Manila đáp lại bằng “sự giao lưu hữu nghị”, tất nhiên, không thể không có vấn đề Biển Đông.
Chiến lược “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc tại Đông Nam Á, có lẽ, chỉ trừ Việt Nam, vì:
Thứ nhất, Việt Nam tinh quái dự đoán đây là đại dịch, nó sẽ còn dài, nên chỉ có thể thắng con virus sars Cov-2 vô hình trong trường hợp 70% dân số được tiêm vaccine, đủ để tạo miễn dịch cộng đồng, nên đã ráo riết phát triển vaccine để chủ động, không bị phụ thuộc. Với nền tảng đã có về sản xuất vaccine hơn 60 năm, Hà Nội cũng đã đạt được những kết quả rất khả quan trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2; dự đoán, quý 3, loại vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sẽ được sản xuất thương mại với giá thành rẻ.
Thứ hai, ngay cả khi Bắc Kinh hào phóng “biếu không” như với Lào, Campuchia, Philippines, người dân Việt Nam, vốn định kiến “hàng Tàu chất lượng kém”, chưa chắc đã có mấy người hào hứng sẵn sàng xắn tay áo để tiêm vaccine made in China, mà chỉ khăng khăng sử dụng hàng Mỹ, Anh, Đức, hoặc “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Thế nên, thời điểm này, trên bản đồ Vaccine thế giới, cho dù Việt Nam thấp hơn ngay cả với Lào, Campuhia về tỷ lệ người dân tiêm vaccine, vẫn có thể đánh giá, đó là sự “chậm mà chắc”.
Trở lại câu chuyện “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc với Indonesia. Đảo quốc này không là một trong 6 bên liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, thêm một tiếng nói thuận của Jakarta cho Trung Quốc trong các vấn đề liên quan, nhất là trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC), thì vẫn là quá tốt cho Trung Quốc. Thế nên, ngay tháng 12/2020, đúng lúc Indonesia đang bước vào tháng thứ 9 của đại dịch với hơn 4000 ca ghi nhận mới mối ngày, Trung Quốc đã hào phóng chuyển cho Jakarta 1,2 triệu liều vaccine Sinovac đầu tiên. Sự kiện khiến tổng thống nước này, ông Joko Widodo mừng rỡ, phát biểu: “Vaccine đã có sẵn, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể ngăn chặn ngay lập tức sự lây lan của đại dịch COVID-19”. Và Indonesia lên ngay kế hoạch tiêm chủng cho hơn 180 triệu trong số 260 triệu dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, không biết do bài học cảnh giác với sự quấy nhiễu của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Natuna ngay trước đó, nên đã chủ ý, hay cảnh báo của dư luận về việc tiếp nhận vaccine của Trung Quốc sẽ khó ăn, khó nói về vấn đề chủ quyền hay không, mà Indonesia, đã thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn cung cấp vaccine, trong đó, vaccine từ Trung Quốc chỉ chiếm 38% trong tổng số 329,5 triệu liều vaccine của chính phủ Indonesia. Đó là chưa kể, đồng thời với tim nguồn ngoài nước, nước này vẫn chí thú với việc phát triển vaccine trong nước.
Cũng thời gian này, Jakarta lên tiếng nhắc lại quan điểm của mình đối với giải quyết tranh chấp và quản lý vấn đề Biển Đông, trong đó, phán quyết 2016 của Tòa trọng tài PCA và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là hai điều kiện “cứng”, không thể bỏ qua.
Vậy nên, nói rằng: Jakarta cảnh giác với “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc không phải không có lý. Hay nói cách khác, “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đang gặp khó ở Indonesia.