Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ bị "gậy ông đập lưng ông"?

TQ bị “gậy ông đập lưng ông”?

Bất chấp Trung Quốc khó chịu với giá quặng sắt tăng cao và sự phụ thuộc vào Australia, không có khả năng bất kì nước nào sẽ áp đặt trừng phạt liên quan đến mặt hàng này.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể tăng cường nỗ lực giảm nhu cầu thép khi chính phủ và hiệp hội ngành ngày càng quan ngại về giá quặng sắt cao, trong bối cảnh tranh chấp thương mại với nhà cung cấp lớn nhất là Australia vẫn không ngừng leo thang.

Giá quặng sắt tăng vọt ở Trung Quốc

Lĩnh vực sản xuất thép đại diện bởi Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giá cả tăng vọt. Cơ quan này vào 2 tuần trước đã thúc giục chính phủ Trung Quốc giải quyết những “khúc mắc” của thị trường và cải thiện chính sách trên thị trường kỳ hạn.

“Tôi không nghĩ rằng giá quặng sắt cao là một yếu tố dẫn đến tranh chấp thương mại giữa hai nước [Trung Quốc-Australia], nhưng điều này có lẽ không giúp ích được gì,” Kinh tế gia trưởng Shane Oliver tại công ty quản lý đầu tư AMP Capital cho biết. “Chúng ta không thể làm gì nhiều trong ngắn hạn ngoài việc để thị trường tự quyết định mức giá.”

Căng thẳng Trung Quốc-Australia lại leo thang vào ngày 6/5 khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) quyết định “đình chỉ vô thời hạn” đối thoại kinh tế chiến lược với Canberra. Động thái xuất phát sau hơn một năm quan hệ căng thẳng bắt đầu, với việc Australia kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc dịch COVID-19, điều này đã thúc đẩy một loạt các hành động trả đũa thương mại từ Bắc Kinh.

Ông Erik Hedborg, nhà phân tích cấp cao của công ty hàng hóa CRU, cho biết Australia và Brazil cùng nhau chiếm tới hơn 80% sản lượng quặng sắt xuất khẩu bằng đường biển toàn cầu. Trung Quốc đang nhập khẩu 60% quặng sắt từ Australia và Bắc Kinh cũng tiêu thụ loại khoáng sản này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, vì cho đến nay Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Dù một số nhà sản xuất thép Trung Quốc gần đây đã thu được lợi nhuận từ giá thép cao hơn, những người hưởng lợi chính từ việc giá quặng sắt tăng vọt là các tập đoàn khai khoáng như BHP và Rio Tinto của Anh-Australia và Vale của Brazil, và các chính phủ của các nước này thu được thêm nhiều thuế.

CISA vào tháng 12 năm ngoái đã yêu cầu hai tập đoàn BHP và Rio Tinto giải thích về giá quặng sắt tăng cao.

“Giá quặng sắt cao đồng nghĩa với tiền đang rời khỏi các nước sản xuất thép và đổ vào túi các nhà tập đoàn khai khoáng và chính phủ các nước sở hữu các mỏ quặng sắt,” ông Hedborg cho biết.

“Về lâu dài, một vấn đề phát sinh từ giá quặng sắt quá cao đó là nhu cầu về thép có thể bị biến mất nếu giá hàng hóa chứa thép tăng quá cao.”

Trừng phạt quặng sắt là “tự sát kinh tế”

Hãng Gavekal Dragonomics cho biết trong một ghi chú hôm 5/5 rằng quặng sắt đã tăng giá kỷ lục lên tới 193 USD/tấn vào ngày 27/4 – tăng 18% so với tháng trước, trong khi giá nội địa của hợp đồng tương lai trên thanh cốt thép được sử dụng rộng rãi trong xây dựng đạt mức cao mới là 5.411 NDT (836 USD)/tấn vào cùng ngày.

Giá quặng sắt cao đang bị tác động từ nhu cầu thép ở Trung Quốc, thị trường đã chứng kiến ​​sự bùng nổ xây dựng sau đại dịch COVID-19 và sản lượng xuất khẩu dự kiến ​​từ Brazil ít đi.

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng một khi nhu cầu thép bắt đầu hạ nhiệt, tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm thép sẽ giảm nhanh chóng do công suất sản xuất thép dư thừa. Một số người sử dụng thép ở hạ nguồn cũng đang phải vật lộn với chi phí gia tăng.

Các nhà phân tích cho biết, bất chấp việc Trung Quốc tỏ ra khó chịu với giá quặng sắt tăng cao và sự phụ thuộc của nước này vào xứ sở chuột túi, không có khả năng bất kì nước nào sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến mặt hàng này. Thay vào đó, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp can thiệp để giảm nhu cầu thép nội địa.

Những rủi ro kinh tế liên quan đến giá hàng hóa tăng cao đang được thảo luận ở các cấp cao nhất ở Trung Quốc, bao gồm cả Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính – do cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, làm Chủ tịch.

Theo Gavekal Dragonmics, Ủy ban này tháng trước đã kêu gọi “duy trì sự ổn định cơ bản về giá cả và đặc biệt chú ý đến xu hướng giá hàng hóa” – một tuyên bố bất thường từ một cơ quan thường tập trung vào những quy định tài chính.

Nhà kinh tế học và phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, Shiro Armstrong, cho biết đây sẽ là “đòn tự sát kinh tế” nếu hai nước bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quặng sắt, vì tầm quan trọng của khoáng sản này đối với cả hai nền kinh tế.

“Các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với Australia đang làm tổn hại đến danh tiếng của Bắc Kinh như một đối tác thương mại đáng tin cậy… Australia sẽ không muốn làm điều tương tự,” ông Amstrong nói.

Trong nỗ lực thúc đẩy nguồn cung trong nước và không khuyến khích xuất khẩu thép, Bộ Tài chính Trung Quốc đã loại bỏ các khoản giảm thuế xuất khẩu cho 146 sản phẩm thép từ ngày 1/5 và miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khác, bao gồm gang, thép thô, thép nguyên liệu tái chế và sắt thép.

Tập đoàn xếp hạng S&P Global cho biết tuần trước, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 271 triệu tấn trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 37 triệu tấn, tương đương 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Bắc Kinh đã yêu cầu thành phố sản xuất thép lớn nhất của cả nước, Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc, cắt giảm công suất sản xuất thép từ tháng 3 cho đến cuối năm.

S&P dự đoán điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm sản lượng từ 30 triệu đến 40 triệu tấn, tương đương 3- 4% sản lượng thép thô quốc gia hàng năm.

“Điều này có nghĩa là các nhà máy thép khác có thể có động lực để tăng sản lượng do tỷ suất lợi nhuận hiện tại cao và nhu cầu lớn,” hãng S&P cho biết. “Việc không đạt được việc cắt giảm sản lượng có thể dẫn đến những rủi ro cho giá thép trong nửa năm tới.”

Các nhà phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai bổ sung các biện pháp để cắt giảm nhu cầu thép, nhưng cũng có những rủi ro chính phủ có thể khiến một số nhà sản xuất thép ngừng kinh doanh, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt và suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc có thể khuyến khích nguồn cung phế liệu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sản xuất thép từ quặng sắt sang sản xuất từ phế liệu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

RELATED ARTICLES

Tin mới