Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lại đe dọa “tiến công từ xa” Úc

TQ lại đe dọa “tiến công từ xa” Úc

Sự căng thẳng trong mối quan hệ Úc – Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ngọn lửa ấy khi âm ỉ lúc bốc cao từ khi xảy ra đại dịch Covid – 19 vào đầu năm 2020. Hiện tại, sự căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm, khi hôm 9/5 Bắc Kinh, thông qua Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố sẽ dùng tên lửa tầm xa bắn phá Úc, nếu nước này tiếp tục can dự vào Đài Loan.

Sự căng thẳng này bắt nguồn từ đâu? Và tại sao Canberra lại lên án Bắc Kinh? Nếu Trung Quốc trả đũa thì nền kinh tế Úc có bị “sập” không?

Theo các nhà phân tích, bình luận quốc tế, sự thịnh vượng của nước Úc sau hơn 30 năm cũng trùng khít với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa. Người dân Úc dễ dàng nhận thấy sự thịnh vượng của mình có được là nhờ sự bứt phá kinh tế Trung Quốc. Một so sánh dễ nhận ra rằng, khi GDP Trung Quốc tăng bao nhiêu thì GDP Úc cũng tăng bấy nhiêu phần trăm.

Người dân Úc còn thấy thế nữa là chính quyền Bắc Kinh. Cho nên, Bắc Kinh dường như muốn lấn át qua cả những giá trị khác của nước Úc. Nghĩa là Úc không chỉ lệ thuộc kinh tế mà còn phải lệ thuộc nhiều vấn đề khác, chẳng hạn quyền tự chủ, tự quyết của một đất nước. Mâu thuẫn ngày càng cao bắt đầu từ đây.

Đặc biệt từ khi Thủ tướng Scott Morrison công bố, nước Úc là một trong những nước phải lên tiếng về cúm Vũ Hán, kêu gọi các nước khác phải làm rõ trắng đen thì Bắc Kinh hết sức phẫn nộ, cho rằng Úc là kẻ “ăn cháo đái bát”. Chính vì thế đã dẫn đến sự trả đũa của Bắc Kinh về kinh tế.

Khoảng chừng 10 năm gần đây, làn sóng người Trung Quốc thu mua tài sản từ bất động sản, nhà cửa cho đến các cơ sở bất động sản huyết mạch, trang trại cho đến hầm mỏ và cố gắng sở hữu những tài sản chiến lược của nước Úc. Đây là một sự thao túng về kinh tế nhằm gây sức ảnh hưởng về chính trị – một trong những chiến lược hướng tới giấc mơ bá chủ toàn cầu.

Úc chính là một quốc gia mà Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới biết đây là một nước đã phát triển mà vẫn bị Trung Quốc đè bẹp.

Trở lại việc Bắc Kinh đe dọa tiến công từ xa nước Úc. Hôm 9/5, Thời báo Hoàn Cầu, kêu gọi quân đội Trung Quốc dùng tên lửa tầm xa để bắn phá Úc, nếu nước này gửi quân tới eo biển Đài Loan.

Trung Quốc từ lâu luôn khoe khoang rằng, quân đội nước này có các tên lửa đạn đạo tầm xa, đủ sức vươn tới lãnh thổ của Úc và Mỹ. Trong trường hợp chiến sự bùng nổ, có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong để tấn công một số căn cứ chung của Mỹ và Úc trên đất Úc. Chẳng hạn các trạm dò âm thanh tại Pine Gap (Lãnh thổ Bắc Úc), căn cứ radar ở Queensland và căn cứ hải quân Stirling ở phía nam Perth, nơi neo đậu các tàu ngầm của hải quân Úc.

Thời báo Hoàn Cầu quy kết: Nhóm “diều hâu” (chỉ những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Canberra) đang âm mưu rằng, Úc sẵn sàng giúp sức Mỹ khi xảy ra chiến sự  tại eo biển Đài Loan.

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến nói trắng phớ ra rằng: “Tôi đề nghị Trung Quốc lên kế hoạch trả đũa mang tính trừng phạt nhắm vào nước Úc, nếu quân đội nước này can dự vào tình hình eo biển Đài Loan và chiến đấu chống lại quân đội Trung Quốc. Kế hoạch nên bao gồm tấn công tầm xa vào các cơ sở quân sự và cơ sở trọng yếu có liên quan trên đất Úc”.

Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục đe dọa: Nếu Úc đủ can đảm phối hợp với Mỹ để can thiệp quân sự vấn đề Đài Loan và gửi quân tới eo biển Đài Loan để gây chiến, họ nên biết bản thân sẽ gây ra thảm họa gì cho đất nước.

Liệu Bắc Kinh có chủ quan quá không? Rằng khi đã bắt tay với Mỹ thì Canberra không còn đơn độc. Không phải ngẫu nhiên Canberra quyết định chi thêm 1,1 tỉ AUD nâng cấp căn cứ không quân Tindal. Đây là một trong những căn cứ chiến lược nằm ở phía bắc nước Úc. Việc nâng cấp năng lực quân sự là cách Canberra phản ứng trước các động thái của Trung Quốc với Đài Loan và các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.

Rõ ràng chiêu bài dùng kinh tế để bắt các nước lệ thuộc về kinh tế, dẫn tới sa lầy về chính trị, không còn là giải pháp tối ưu. Một khi Úc cũng như các quốc gia khác nhận rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” bằng cách bao vây kinh tế, bắt nạt các nước yếu thế hơn trong khu vực, thì họ sẽ tìm ra con đường của mình.

Trong bối cảnh trật tự thế giới đầy biến động và bất định, các nước ở thế yếu dễ bị mắc kẹt – kẹt giữa sự tranh giành ngôi bá chủ của các cường quốc. Vì vậy cần xây dựng cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực. Tất nhiên, tính khả thi của cơ chế này ra sao, vẫn còn nhiều tranh cãi. Dẫu sao đó cũng là ý tưởng tốt. Và chính Úc là một trong những quốc gia đã nêu ra ý tưởng này.

RELATED ARTICLES

Tin mới