Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngNgư dân Việt Nam cần hết sức cảnh giác

Ngư dân Việt Nam cần hết sức cảnh giác

Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố lệnh cấm đánh bắt hải sản tại khu vực Biển Đông trong mùa hè năm nay kể từ ngày 01/5 đến 16/8. Lệnh cấm được áp dụng trong  phạm vi từ phía Bắc vĩ độ 12, tức khu vực bao gồm một phần Vịnh Bắc Bộ, toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và khu vực bãi cạn Scarborough cũng như khu vực biển phía Bắc quần đảo Trường Sa.

Đây không phải điều gì mới mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ngang ngược tiến hành 22 năm nay, kể từ năm 1999 Trung Quốc năm nào cũng đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt hải sản tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm vùng biển của các nước Việt Nam và Philippines được xác định theo quy định của UNCLOS 1982. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang dùng việc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt hải sản để thực hiện âm mưu khống chế, độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Tuy nhiên, lệnh cấm đánh bắt cá năm nay được đưa ra trong một bối cảnh mới với nhiều động thái rất đáng chú ý, khiến giới quan sát hết sức quan tâm, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại có thể xuất hiện những hành động bạo lực của các lực lượng chức năng Trung Quốc đe dọa an toàn và tính mạng của ngư dân các nước ven Biển Đông.

Một là, lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc năm nay được đưa ra sau khi Bắc Kinh ban hành Luật hải cảnh có hiệu lực từ 01/02/2021, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài. Trong thời gian qua, chính phủ nhiều nước và giới học giả đã bày tỏ lo ngại và lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa vào luật của họ nội dung cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực. Nhiều tiếng nói đã cảnh báo rằng Luật hải cảnh của Trung Quốc có thể châm ngòi nổ cho xung đột trên Biển Đông bất cứ lúc nào.

Đáng chú ý là Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận chính của Chính phủ Trung Quốc hôm 27/4/2021 dẫn thông tin từ hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn “đối với các khu vực ven biển của Trung Quốc nhằm đảm bảo thực thi pháp luật trong lệnh cấm đánh bắt mùa hè, bắt đầu từ 1/5”. Tân Hoa xã còn ngang nhiên nhấn mạnh vai trò của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong việc thực thi lệnh cấm đánh bắt hải sản. Theo đó, hải Cảnh Trung Quốc sẽ phối hợp cùng lực lượng chức năng về ngư nghiệp và công an tăng cường tuần tra biển để kiểm soát những tàu đánh cá tại những vùng nước quan yếu. Những công nghệ giám sát sẽ được tận dụng tốt hơn cho công tác.

Giọng điệu của Tân Hoa xã rõ ràng là nhằm mục tiêu dọn đường cho sự hoành hành của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đe dọa ngư dân các nước láng giềng. Lâu nay, Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm các tàu cá và ngư dân các nước ven Biển Đông, gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế. Vậy liệu lực lượng hải cảnh Trung Quốc có dám bắn vào những ngư dân thường không có vũ khí trong tay hay không là một câu chuyện khác. Với dã tâm và bản chất hiếu chiến của giới cầm quyền Bắc Kinh thì không có điều gì là không thể. Do vậy, các ngư dân cần hết sức cảnh giác khi hoạt động trên biển.

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc đã bị các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia phản đối mạnh mẽ; các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Mỹ cũng ra tuyên bố phản đối, đồng thời luật này còn là chủ đề được lãnh đạo nhiều nước đề cập trong các cuộc trao đổi song phương và đa phương thời gian qua. Nếu Bắc Kinh sử dụng luật này để nổ súng vào tàu cá và ngư dân thì sẽ trở thành một hành vi bạo lực không thể chấp nhận được.

Hai là, gần đây một tạp chí quân sự của Trung Quốc có tên gọi là tạp chí Tàu thuyền hải quân và Thương mại (Naval and Merchant Ships) có bài viết vu cáo Việt Nam “phát triển lực lượng dân quân biển ở Biển Đông, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật và an ninh quốc phòng của Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về thời điểm của bài viết trên tạp chí Tàu thuyền hải quân và Thương mại của Trung Quốc. Rõ ràng là Bắc Kinh có những tính toán khi đưa ra bài viết này ngay trước khi tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá năm nay. Lâu nay, Trung Quốc thường dùng một thủ đoạn là vu cáo, đổ lỗi cho đối phương để tạo cớ cho những hành động gây hấn mới của họ trong tương ai theo kiểu “do anh sai nên tôi phải ra tay” để dọn đường bao che cho những hành động hung hăng hiếu chiến của họ.

Mưu đồ của Trung Quốc có thể là cáo buộc tàu cá Việt Nam là lực lượng  dân quân trên biển “gây sự và đe dọa lợi ích an ninh quốc phòng của Trung Quốc” nên buộc Bắc Kinh phải “trừng trị”. Hiểu rõ mưu đồ này của Bắc Kinh, hôm 29/4, Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc sai trái của Trung Quốc, khẳng định chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân của Việt Nam. Theo đó, dân quân tự vệ biển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, gìn giữ anh ninh trật tự và an toàn biển đảo (được quy định trong Luật dân quân tự vệ Việt Nam năm 2019). Hà Nội nhấn mạnh “Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

Bài viết trên tạp chí Tàu thuyền hải quân và Thương mại Trung Quốc còn kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tăng cường thực thi pháp luật với tàu cá Việt Nam và tăng cường lực lượng hải cảnh ở vùng biển này. Rõ ràng những giọng điệu vu cáo trắng trợn trong bài viết này là nhằm: (i) đe dọa, đánh nhụt ý chí của ngư dân Việt Nam để họ không dám ra đánh bắt tại ngư trường truyền thống ở Biển Đông; (ii) dọn đường cho những hành động gây hấn ngang ngược của dân quân biển Trung Quốc hay lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông khi mà lệnh cấm đánh bắt hải sản đơn phương của Trung Quốc được ban hành.

Trung Quốc nói rằng lệnh cấm là nhằm mục đích bảo tồn môi trường. Tuy nhiên, một điều cần khẳng định rõ ràng là việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

Như vậy, khác với các năm trước, ngoài lệnh cấm đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ngư dân Việt Nam còn phải đối diện với Luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam không thể nào chấp hành những luật lệ phi lý đó của Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt ở những vùng biển đã trở thành ngư trường truyền thống của người dân Việt từ bao đời nay và được xác định phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Song có thể thấy họ sẽ phải đối mặt với mức độ nguy hiểm cao hơn đang rình rập hàng ngày hàng giờ trên biển.

Đối với người dân Việt Nam, dù là Luật hải cảnh hay lệnh cấm đánh bắt hải sản đều là không có giá trị bởi vì không một quốc gia nào lại có thể đem luật riêng của mình đi áp đặt trên lãnh thổ, trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của một quốc gia khác được. Ngư dân Việt Nam không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác, nhất là Trung Quốc, mà chỉ đánh cá trên vùng biển truyền thống có chủ quyền của mình mà thôi.

Ngư dân Việt Nam đã từng nhiều lần bị tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đội lốt tàu cá hành hung, truy đuổi, đâm chìm, nhất là khi họ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên những hành vi mất hết tính người của Bắc Kinh không thể làm nhụt ý chí của những ngư dân Việt Nam. Họ sẽ tiếp tục bám biển bởi họ ý thức được rằng việc bám biển không chỉ là kế sinh nhai của họ mà còn là góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Với lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông mà Trung Quốc mới ban hành cho mùa hè năm nay, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng phản đối và được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại rằng: “Việc tiến hành các biện pháp bảo tồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác”.

Việc Hà Nội bác bỏ mạnh mẽ lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc là một cơ sở để ngư dân có thể ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, trước những đe dọa và toan tính thâm hiểm của giới cầm quyền Bắc Kinh, Hà Nội nên tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng với ngư dân trên biển.

Để đối phó với mối nguy hiểm có thể xảy ra trên biển, chính quyền Hà Nội nên tiếp tục có các hình thức hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên thực địa, chẳng hạn như cử các tàu của lực lượng quản lý biển (tàu ngư nghiệp hay tàu của cảnh sát biển) theo sát các đoàn tàu đánh cá của ngư dân mỗi khi ra khơi để kịp thời hỗ trợ họ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi ngư dân cần đề cao cảnh giác khi hoạt động trên biển, nhất là vào lúc đêm tối; tốt nhất không nên hoạt động đơn lẻ mà nên đi thành từng nhóm tàu để có thể hỗ trợ cho nhau khi phải đối phó với mối nguy hiểm từ các tàu Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới