Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.
Tỷ lệ dân số sử dụng internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dành 3 giờ 18 phút để sử dụng internet qua di động. Đây là con số khá ấn tượng, chứng minh smartphone đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi và phổ biến.
Nhờ giá thành rẻ, dễ tiếp cận chỉ với 260.000 đồng/tháng cộng với chất lượng internet ngày càng được cải thiện, hiện nay đã đạt tới 60,88 Mbps, tăng khoảng 40,7% so với năm 2019 đã khiến internet được phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc. Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia có giá thành internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 Đông Nam Á về tốc độ internet trên di động.
Tính đến tháng 12.2020, dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương 73% dân số. Mạng xã hội, ứng dụng xem phim và nhắn tin là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người dùng Việt sử dụng. Vì vậy Facebook và YouTube cũng là hai ứng dụng mà người dùng dành nhiều thời gian nhất với lần lượt chiếm 25% và 12% thời gian khi sử dụng trên điện thoại di động.
Đối với các ứng dụng nhắn tin, Zalo đã vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, chiếm 6 – 7% thời gian sử dụng. Ngoài ra còn nhiều ứng dụng khác cũng được người dùng ưa chuộng như Skype, Viber, Wechat…
Một mạng xã hội khác là Instagram thậm chí đã bị TikTok vượt mặt trong cuộc khảo sát này khi chiếm tới 4% lượng sử dụng. Đặc biệt, sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch với 16 triệu lượt tải trong năm 2020 đã khiến ứng dụng video ngắn trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam, dự báo thị trường này sẽ còn sôi động hơn trong năm 2021 với sự vào cuộc của Instagram và YouTube.
Cũng theo báo cáo của Appota, cụ thể thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng di động đã có mức tăng trưởng trong năm 2020 là 25%, từ 4 giờ/ngày lên 5,1 giờ/ngày. Lý do tác động lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này là do tác động của Covid-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới thông qua smartphone.
Nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại di động cao và tỷ lệ hấp thụ tốt, các ứng dụng tại Việt Nam đang có được thuận lợi trong việc phân phối với lượt tải mỗi ứng dụng nhiều hơn 170% so với mức trung bình toàn cầu. Vì vậy, đây cũng là nơi đặt quảng cáo hiệu quả cho các nhãn hàng muốn tiếp cận lượng người dùng đông đảo trong nước. Các nhà phát triển ứng dụng cũng phần nào hưởng lợi về mặt doanh thu nếu áp dụng hình thức thương mại hóa này.