Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra “mất kiên nhẫn” với Trung Quốc. Nhiều nước vốn trước đây được cho là thân thiết với chính quyền Bắc Kinh thì nay2 sẵn sàng từ bỏ thái độ chập chờn, đứng hẳn về phía Mỹ.
Những quốc gia đó có thể kể đến là các nước trong nhóm “Bộ tứ”: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Kế đến là Anh, New Zealand, Philippines,…Nhà cầm quyền các quốc gia này dường như đang “bước ra khỏi vùng an toàn” ngả hẳn về Mỹ, thẳng thắn lên án những hành động bành trướng, làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Mới đây, Đô đốc Hải Quân Anh Tony Radakin tuyên bố: “Chúng tôi coi Trung Quốc là một thách thức và một đối thủ cạnh tranh”. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ – Đô đốc Mike Gilday- ông Radakin đã nói thẳng quan điểm, thái độ của nước này.
Vì sao Anh quyết định can thiệp vào những vùng biển xa xôi, có nhiều bất ổn ở Châu Á? Vì sao Anh bất ngờ nhấn mạnh cam kết duy trì “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”? Ai cũng biết đây là một thông điệp được cả chính quyền cựu Tổng thống Trump và chính quyền Tổng thống Biden nêu ra.
Phải chăng, London nhận thấy rằng, đối đầu Mỹ – Trung là một mối đe dọa lớn của hòa bình thế giới trong những năm đầu thế kỷ này. Khi Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc thì đối đầu càng căng thẳng. Washington không chỉ coi Bắc Kinh là đối thủ mà còn là kẻ thù chiến lược. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện ở mức thấp nhất trong hàng thập niên và ngày càng có nhiều bất ổn. London tỏ rõ thái độ: Anh phải đàm phán với những gì Trung Quốc có chứ không phải những gì Trung Quốc muốn.
Không chỉ có Anh. Ngày càng nhiều quốc gia từ bỏ thái độ nước đôi để đứng về phía Mỹ và công khai chỉ trích các hành vi bị coi là hung hăng, những đe dọa kinh tế và động thái quân sự của Trung Quốc.
Sau Anh là Úc. Nước này đang đối mặt với một cuộc chiến kinh tế từ đối tác thương mại lớn nhất của mình kể từ khi thông qua đạo luật năm 2018. Đạo luật này quy định: Chặn nguồn tiền từ Trung Quốc đầu tư vào hệ thống chính trị ở Úc; cấm Huawei khỏi mạng lưới 5G và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria với Trung Quốc. Căng thẳng đến mức một vị tướng của Úc cảnh báo về nguy cơ hiện hữu một cuộc xung đột vũ trang.
Một nước trong quan hệ với Trung Quốc luôn “sớm nắng chiều mưa” là Philippines đã liên tục có những động thái rời xa Bắc Kinh. Đặc biệt là khi nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte chỉ còn hơn một năm nữa. Gần đây khi hàng trăm tàu vỏ thép của dân quân biển Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã yêu cầu các tàu của Trung Quốc “cút khỏi” đây. Thế nhưng chỉ ngày hôm sau khi bị Tổng thống Duterte “lườm”, ông Locsin vội vàng xin lỗi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Lạ lùng hơn, hôm 11/5, ông Roque – phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte bất ngờ tuyên bố: “Về các cáo buộc xâm nhập, tôi muốn nhắc lại rằng rất nhiều tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu cách xa Philippines. Chúng ta chưa bao giờ sở hữu khu vực đó”. Ông này còn nói: “Đá Ba Đầu không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nó ở xa, xa lắm”.
Tự tay ông Roque đã tát vào mặt Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines.
Thế nhưng, chớ vội tin những điều Tổng thống Duterte và cận thần của ông ta nói. Chuyện ông Tổng thống nhận vắc-xin của Trung Quốc để chống Covid-19 rồi lại trả lại giống như một màn kịch vụng về. Chỉ biết rằng, trước sau thì Manila cũng phải rời xa Bắc Kinh nếu không muốn trở thành chư hầu.
Như vậy, dù có quan điểm như thế nào về chính sách của Mỹ thì vấn đề không đơn giản nằm ở việc Washington thay đổi lập trường và đối phó với một kẻ thù mới. Thay vào đó, các quốc gia trong “Bộ tứ”, cũng như Anh, New Zealand, tin rằng, dựa trên các đánh giá, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc là mối đe dọa với họ.
Đặc biệt, nhóm “Bộ tứ kim cương” đã tập hợp với một sự nhất trí chung về an ninh. Quad sẽ không thay thế liên minh quốc phòng của Mỹ, nhưng nó sẽ đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự hợp tác và các quy chuẩn chung. Cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên Quad cách đây hơn ba tháng là một dấu mốc quan trọng. Giữa lúc từng quốc gia đều có căng thẳng với Bắc Kinh, nhóm này được coi là một liên minh chống Trung Quốc.
Mặc dù mỗi quốc gia liên quan đến Trung Quốc đều nhận thức được mối quan hệ kinh tế của họ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như ảnh hưởng của nước này, nhưng các chính sách và hành động của Trung Quốc, nhất là những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông đang tạo ra những phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế.
Đã qua rồi cái thời cứ ra rả nêu lên những thiện chí để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bởi rất nhiều những thỏa thuận đã và đang bị phá vỡ. Đáng chú ý là thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc. Tuy nhiên, chơi với Trung Quốc phải khôn khéo, phải dùng “thế” để thắng “lực”. Vào hang bắt cọp mà không để cọp vồ. Sách này, có lẽ, Việt Nam là một nước “thuộc bài” hơn cả.