Một cuộc diễn tập giữa Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Úc đang diễn ra trên bán đảo Kyushu của Nhật Bản. Cuộc diễn tập được thực hiện cả trên bộ, trên biển và trên không. Lâu nay việc tập trận chung giữa các quốc gia là chuyện bình thường, nhưng Trung Quốc lại nóng mặt.
Phản ứng của Bắc Kinh thể hiện qua thái độ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Bà này nói, việc tập trận chỉ là trò đánh trận giả dẫn đến… phí dầu! Thật là một cách nói “chợ búa”, không đúng với tầm vóc của một người đại diện cho nền ngoại giao của một cường quốc.
Đấy là nhận xét tùy tiện của bà Hoa, nhưng theo các nhà phân tích, bình luận quốc tế thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang nỗ lực tìm cách thắt chặt liên minh với các đối tác trong khu vực.
Nguồn tin trên tờ South China Morning Post cho hay”: Hôm 13/5,bà Hoa Xuân Oánh đã có tuyên bố lạ lùng về một cuộc diễn tập có quy mô lớn, chắc chắn nó phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Cuộc diễn tập của hải lục không quân bốn nước có tên Arc-21, diễn ra trong một tuần, từ ngày 11/5, với các nội dung diễn tập trên không, trên bộ và trên biển. Vị trí diễn tập là khu vực huấn luyện Kirishima trên bán đảo Kyushu, có diện tích khá lớn. Kyushu (Cửu châu) nằm ở phía Tây nam Nhật Bản, là hòn đảo lớn thứ 3 trong 4 đảo chính của Nhật Bản.Đây là nơi sinh thành của nền văn minh Nhật Bản. Gọi Kyushu làCửu Châu, bởi vào thời kỳ Asuka ở đây có chín tỉnh.
Nội dung diễn tập sẽ có những mô phỏng các kịch bản khác nhau, như bảo vệ các đảo xa và đánh chặn các tàu trên biển. Điều dễ hiểu, đây là sự dằn mặt Trung Quốc, khi nước này thời gian qua có nhiều hành động gây căng thẳng, mất an ninh trật tự trên Biển Đông.
Nói về cuộc diễn tập, bà Hoa Xuân Oánh dè bỉu: “Có ai nghĩ rằng cuộc diễn tập chung nhằm gây áp lực lên Trung Quốc này sẽ thực sự khiến Trung Quốc sợ hãi không?”. Chỉ trích các bên tham gia diễn tập, chủ yếu ám chỉ Nhật Bản và Mỹ, bà Hoa nói: “Trong số bốn quốc gia này, có những quốc gia đã phát triển bản chất bản chất gây hấn và xâm lược như chúng ta có thể kể từ lịch sử”.
Mặc cho Bắc Kinh giận dữ, phản đối ra mặt, cuộc diễn tập vẫn cứ tiếp diễn một cách bài bản. Đối với Nhật Bản, tham gia tập trận lần này,Tokyo muốn củng cố quan hệ quốc phòng với nhiều nước ngoài đồng minh quan trọng là Mỹ, đồng thời theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Từ đầu năm 2021 đến nay,Tokyo tăng cường liên minh quân sự với Washington khi căng thẳng với Bắc Kinh leo thang về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.Theo Bộ Quốc phòng Nhật, hai tàu hải quân Pháp – tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu khu trục Surcouf – đang tham gia cuộc diễn tập cùng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản, lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ và một tàu của Úc.
Cũng với lợi ích tương tự, Pháp tuyên bố nước này có lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Pháp công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2018, coi bốn nước trong “Bộ tứ kim cương” Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ là “các đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực”.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, đã chứng kiến “khôi phục cạnh tranh chiến lược và quân sự của cả Trung Quốc và Nga”. Paris khẳng định: Ấn Độ – Thái Bình Dương là “sân khấu của những thay đổi chiến lược sâu sắc, mà Pháp phải duy trì phạm vi tiếp cận địa chiến lược theo thứ tự phù hợp.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh, Pháp sẽ không thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập trong khu vực. Việc tham gia diễn tập lần này chỉ là một trong những cuộc diễn tập mà Mỹ và Nhật Bản muốn thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh của họ.
Với ý đồ chiến lược rõ ràng nên các đồng minh của Mỹ rất tin tưởng vào thành công của cuộc diễn tập trên “sân đấu” của Nhật Bản lần này. Tăng cường liên minh quân sự bao giờ cũng là giải pháp tối ưu để hợp sức chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc với âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Và như vậy, chắc chắn bốn con hổ này không phải là “hổ giấy”, cũng không dễ đổ hàng trăm tấn nhiên liệu xuống biển như giọng lưỡi của bà Hoa Xuân Oánh.