Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau khi mảnh vỡ tên lửa của nước này rơi xuống Ấn Độ Dương.
“Các quốc gia du hành không gian phải tối thiểu hóa rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái Đất khi các vật thể không gian quay trở lại khí quyển, đồng thời tối đa hóa sự minh bạch của các hoạt động này”, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong tuyên bố ngày 9/5.
Theo ông Nelson, Trung Quốc “rõ ràng đã không đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian của họ”.
Tuyên bố của NASA được đưa ra sau khi Văn phòng Kỹ thuật Không gian Có người lái Trung Quốc cho biết, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 10h24 sáng nay 9/5 (theo giờ Bắc Kinh) và rơi xuống Ấn Độ Dương, phía tây quần đảo Maldives.
Trung Quốc cho biết hầu hết các mảnh vỡ đã bị thiêu rụi và bị phá hủy trong quá trình quay trở lại khí quyển Trái Đất.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ ngày 9/5 cũng xác nhận tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã trở lại bầu khí quyển, nhưng “chưa rõ” các mảnh vỡ đã rơi xuống đất liền hay biển.
Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã phóng mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên lên quỹ đạo hôm 29/4. Việc phóng mô-đun này là một phần trong kế hoạch hoàn thành thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc. Do bay với quỹ đạo thấp nên phần lõi của tên lửa nặng 22 tấn đã rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát.
Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến tên lửa Trường Chinh 5B. Tháng 5/2020, mảnh vỡ của tên lửa này đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà nhưng may mắn không gây ra thương tích.