Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Bộ tứ kim cương” có lỗi thời không?

“Bộ tứ kim cương” có lỗi thời không?

Trong khi Mỹ, Nhật Bản và các nước trong “Bộ tứ kim cương” đang dốc sức củng cố liên minh của mình thì Trung Quốc hết sức lo ngại, tìm mọi cách chống phá, trước hết là trên các diễn đàn quốc tế. Mới đây, hôm 18/5, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu chẳng cần úp mở, tuyên bố: “Bộ tứ kim cương” gieo rắc “tâm lý chiến tranh lạnh” và “100% lỗi thời”.

Tuyên bố xanh rờn này của nhà ngoại giao đại diện cho chính quyền Bắc Kinh được nói ngay trên đất Nhật Bản- một thành viên của “Bộ tứ”. Chắc chắn điều đó phải được Trung Nam Hải cho phép. Và đây chẳng khác gì một đòn ngoại giao giáng thẳng vào Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hẳn quý độc giả còn nhớ, trong thông điệp nhậm chức và trong Diễn văn “Vị thế của nước Mỹ” hôm 4/2/2021, tân Tổng thống Joe Biden tuyên bố mạnh mẽ, ông sẽ “sửa sai các liên minh của chúng ta và tương tác với thế giới một lần nữa”.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, những hành động đó “không chỉ để đáp ứng thách thức của hôm qua, mà là của hôm nay và ngày mai, trong đó có tham vọng cạnh tranh với nước Mỹ ngày càng tăng của Trung Quốc”.

Còn khi gặp gỡ ba nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ và Nhật Bản ở Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, ông Biden nhắc lại: “Vào thời điểm này, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều quan tâm tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Mỹ cam kết hợp tác với các bạn, các đối tác của chúng tôi và tất cả các đồng minh trong khu vực nhằm đạt được sự ổn định”.

Trên một bình diện khác, nếu như Cựu Tổng thống Donald Trump hầu như không coi trọng mấy các vấn đề dân chủ hay nhân quyền thì ông Biden nay quay lại với các “giá trị Mỹ” đó. Đó chính là “chính nghĩa” của nước Mỹ và đồng minh. “Bộ tứ” sẵn sàng đối mặt với những thách thức đe dọa các giá trị thịnh vượng, an ninh và dân chủ đến từ đối thủ nặng ký nhất là Trung Quốc”.

“Chính nghĩa” của phía bên này liệu có phải là “lỗi thời” theo đánh giá của phía bên kia?

Chắc chắn là không! Chắc chắn đó chỉ là sự chuẩn bị phản đòn của Bắc Kinh khi thấy con đường thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” đang bị một liên minh đáng gờm ngáng trở. Mặc dù giới lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” khẳng định, nhóm này không nhắm đến bất cứ nước cụ thể nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng, đây là một liên minh ma quỷ nhằm “phá đám” Trung Quốc.

Đại sứ Khổng Huyễn Hựu trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Kyodo, đã kêu gọi Nhật Bản từ bỏ ngay chính sách ngoại giao theo đồng minh Mỹ. Đề nghị Tokyo tăng cường quan hệ với Trung Quốc bằng “chiến lược độc lập”. Theo ông Khổng, Tokyo chớ có “dại dột” tham vàng bỏ ngãi, mà nên “giữ thế cân bằng tốt” trong các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2022, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Khổng ngọt nhạt nói với giới chức Tokyo rằng, Bắc Kinh nguyện mãi mãi là một đối tác hợp tác tốt trong 50 năm tới. Còn nếu không, sẽ… “rắc rối đấy”! Vừa “mềm” vừa “rắn”, ông này không quên đe nẹt: Sẽ không có kịch bản nào mà Trung Quốc sẽ từ bỏ vì việc tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang nước này, vì đất nước Trung Hoa vĩ đại (!).

Ông Khổng còn lên giọng nước lớn. Rằng liên minh Mỹ – Nhật “không được phép làm suy yếu lợi ích của nước thứ ba”. Nhật Bản phải tuân thủ Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản. Theo hiệp ước đó (được ký năm 1978) các nước láng giềng nhất trí phát triển quan hệ “hòa bình và hữu nghị vĩnh viễn”.

Khi đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhắc đến sự xuất hiện liên tục thường xuyên của các tàu Trung Quốc trong lãnh hải của nước này, chung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông, Đại sứ Khổng Huyễn Hựu chối bay chối biến việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này. Ông ta nói lập lờ: “Chính sách của chúng tôi không phải là thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” .

Trước sự tráo trở của Bắc Kinh,  Mỹ và các nước trong “Bộ tứ” càng tăng cường cố kết, thống nhất “Cách nhìn mới” về quốc phòng. Chớ có tin vào “củ cà rốt” mà Trung Quốc đưa ra, nhất là chiến dịch ngoại giao vắc-xin trong thời đại dịch Covid-19 hoành hành. Thay vào đó, cần duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn phải thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thứ lợi ích mà họ nhắm tới.  

“Bộ tứ kim cương” phải là một khối thống nhất, làm chỗ dựa tin cậy cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn “chiến lược vùng xám”, “chiến lược tằm ăn dâu”, nhằm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Quân đội các nước phải sử dụng lực lượng theo phương thức mới trên diện rộng, thông qua sự hợp tác với các đồng minh và đối tác, song hành với các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao, nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.

RELATED ARTICLES

Tin mới