Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBình luận: TT Biden sẽ cứng rắn với TQ đến mức độ...

Bình luận: TT Biden sẽ cứng rắn với TQ đến mức độ nào?

Về lập trường của chính quyền Biden với Bắc Kinh, cây bút James Crabtree, giám đốc điều hành của IISS-Asia tại Singapore, đã có bài bình luận trên trang Nikkei. Dưới đây là tóm lược bài viết của ông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc đến mức độ nào

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay đã có thể trấn an những người ở châu Á với mối lo ngại rằng ông có thể mềm mỏng với chính quyền Trung Quốc.

Giới quan sát lưu ý rằng Mỹ đang cố gắng tìm ra điểm trung gian giữa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc. Nhưng khi tiến về phía trước, Biden cũng phải đạt được sự cân bằng thứ hai khó khăn: giữa việc đưa ra lời trấn an về vai trò lâu dài của Mỹ ở châu Á và thực hiện các bước quyết đoán hơn chống lại Bắc Kinh mà nhiều người trong khu vực có thể coi là gây bất ổn.

Điều này không có nghĩa là cách tiếp cận của Biden cho đến nay hoàn toàn suôn sẻ. Vào đầu tháng 3 năm nay, đã có những phát pháo ngoại giao ở Alaska khi Ngoại trưởng Antony Blinken đối đầu với Dương Khiết Trì, quan chức chính sách đối ngoại cấp cao nhất của Trung Quốc.

Ở những khía cạnh khác, Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ hợp lý trong việc giải quyết các vấn đề. Chính quyền Biden đã giữ hầu hết các lệnh trừng phạt thương mại của thời ông Trump. Tổng thống Biden đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, chẳng hạn về các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể là khá yên ắng. Giống như ông Biden từng phát biểu: “Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng chúng tôi biết sẽ có sự cạnh tranh từng bước một”.

Giờ đây, Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn khác. Ông Biden sẽ đưa ra những thay đổi chính sách cụ thể hơn trong những tháng tới và do đó phải suy nghĩ kỹ xem các đồng minh và đối tác của ông sẽ phản ứng như thế nào. Và đây là lúc cần phải cân bằng một cách cẩn thận giữa trấn an và gián đoạn.

Một số người ở châu Á có thể hoan nghênh cách tiếp cận thậm chí mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, chẳng hạn như các thành viên của Bộ tứ Kim Cương, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản. Nhưng ngay cả những quốc gia này cũng sẽ cảnh giác với việc Hoa Kỳ đang gia tăng căng thẳng vượt quá một điểm nhất định.

Giờ đây, có thể thấy hai lập trường đang nổi rõ ở Washington về việc làm thế nào để tiến lên phía trước, vượt ra khỏi tuần trăng mật ngoại giao hiện tại với Bắc Kinh.

Lập trường thứ nhất là tập trung vào việc trấn an cam kết liên tục của Mỹ đối với khu vực trong khi định vị Washington là một đối tác có thể giải quyết các vấn đề khu vực. Nhà ngoại giao Kurt Campbell đã thể hiện cách tiếp cận này. Ông Campbell đã dẫn đầu các động thái gần đây nhằm đạt được thỏa thuận giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ để sản xuất vắc xin COVID-19 cho các quốc gia châu Á đang phát triển.

Ông Campbell cho biết ông hy vọng sẽ có những hoạt động ngoại giao hiệu quả hơn với Trung Quốc trong tương lai về các vấn đề như biến đổi khí hậu và Iran. Ông nói với Financial Times rằng: “Nếu chúng tôi có thể thiết lập một khuôn khổ cạnh tranh tương đối ổn định và có thể dự đoán được, tôi sẽ coi đó là một chiến thắng khiêm tốn”.

Cách tiếp cận của ông Campbell trong việc xây dựng các liên minh giải quyết các vấn đề khu vực mới cũng có thể được mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như quy định công nghệ và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cho phép Mỹ tăng cường quan hệ ở châu Á mà không cần đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Bên cạnh chiến lược trấn an này là lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Những động thái này của lập trường này có thể đã bắt đầu vào cuối tháng 6 với sự công bố của Nhóm đặc trách về Trung Quốc của Ngũ Giác Đài. Đây là nhóm đánh giá nhanh về chính sách của Trung Quốc do Ely Ratner, một quan chức cấp cao nổi tiếng với quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh dẫn đầu. Cách tiếp cận của Biden đối với công nghệ mới dường như cũng đi theo chiến lược này. Có những tín hiệu cho thấy Mỹ có thể thúc đẩy các động thái không cho phép Bắc Kinh tiếp cận với chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ khác.

Có thể thấy rõ hơn về chiến lược này khi gần đây Hoa Kỳ đã làm việc với các nhà lãnh đạo của các nước trong khối G7 để ủng hộ việc Đài Loan tham gia vào các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhìn chung, Đài Loan có lẽ vẫn là trọng tâm quan trọng nhất đối với những người ủng hộ cách tiếp cận quyết đoán hơn của Hoa Kỳ cả về mặt ngoại giao và quân sự với Trung Quốc.

Đội ngũ của ông Biden có thể sẽ không dùng những ngôn từ mạnh mẽ như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo từng dùng khi đề cập đến việc chống lại “chế độ chuyên chế mới” của Trung Quốc, hoặc kiểu hoạch định chính sách cứng rắn và khó đoán thường đi kèm. Mặc dù vậy, tuần trăng mật của tổng thống Biden với Trung Quốc sắp kết thúc. Tổng thống Biden phải quyết định chính xác ông muốn trở nên cứng rắn hơn như thế nào, và đưa ra biện pháp để thuyết phục các quốc gia châu Á về chiến lược đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới