Tuesday, January 7, 2025
Trang chủThâm cung bí sửPhi công Liên Xô chiến đấu và hy sinh cho TQ trong...

Phi công Liên Xô chiến đấu và hy sinh cho TQ trong kháng chiến chống Nhật

Trong Thế chiến II, các phi công Liên Xô đã thể hiện lòng quả cảm và năng lực tác chiến của mình, giúp Trung Quốc đối phó hiệu quả với phát xít Nhật Bản, trực tiếp bắn rơi nhiều máy bay của đối phương.

Oanh tạc cơ TbB-3 của Liên Xô bay trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tại công viên Giải Phóng ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) có một đài tưởng niệm cao 8m với dòng chữ “Ký ức về các phi công Xô viết sẽ sống mãi trong trái tim nhân dân Trung Quốc”. Đài tưởng niệm này cũng là nơi đặt một ngôi mộ tập thể với hài cốt của gần 30 quân nhân Liên Xô.

Vào cuối Thế chiến II (tháng 8/1945), Hồng quân Liên Xô đã giải phóng được vùng Tây Bắc của Trung Quốc (vùng Mãn Châu) khỏi sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản – đây là một sự kiện mà nhiều người biết. Còn tại Vũ Hán (thuộc khu vực khác của Trung Quốc), các phi công Liên Xô đã lập được nhiều chiến công và nhận được lòng biết ơn sâu sắc của người dân Trung Quốc?

Kẻ thù chung

Quân đội Liên Xô đã ở Trung Quốc từ lâu trước năm 1945, cụ thể là vào năm 1937, chỉ một thời gian ngắn sau khi Nhật Bản bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn vào Trung Quốc. Moscow khi ấy thấy chính sách xâm lược của Tokyo là mối đe dọa đối với an ninh của mình và đồng ý đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Trung Quốc muốn được trợ giúp. Lúc đó, lãnh tụ Liên Xô Stalin phát biểu như thế này: “Chúng tôi có khả năng cung cấp trợ giúp đều đặn cho Trung Quốc, miễn là chưa có chiến tranh ở châu Âu”.

Ban đầu, Liên Xô góp phần hòa giải tạm thời giữa Đảng Cộng sản do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo, các đồng minh của ông Mao, và Trung Hoa Quốc dân đảng, nhờ đó các bên có thể thành lập được một mặt trận thống nhất chống lại quân xâm lược.

Khi ấy Liên Xô chưa sẵn sàng bước vào một cuộc xung đột vũ trang công khai với Nhật Bản, mà chỉ cung cấp cho chính quyền của Tưởng Giới Thạch một số khoản vay để mua vũ khí Liên Xô với giá ưu đãi – thấp hơn giá thị trường toàn cầu lúc đó là 20%. Tổng cộng, từ tháng 10/1937 đến năm 1941, Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc 1.235 tiêm kích cơ và oanh tạc cơ, 82 xe tăng, 16.000 khẩu pháo, trên 14.000 súng máy, 50.000 khẩu súng trường, gần 2.000 xe và máy kéo, cũng như đạn dược, mặt nạ phòng độc, thuốc men và nhiều thứ khác.

Ngoài vũ khí, Liên Xô còn bắt đầu bí mật gửi chuyên gia quân sự sang Trung Quốc. Để tránh xung đột với Nhật Bản, các chuyên gia này đóng giả làm tình nguyện viên.

Các giảng viên Liên Xô đã nỗ lực, trong thời gian ngắn nhất có thể, nâng cao hiệu quả chiến đấu của 40 trong tổng số 246 sư đoàn bộ binh của quân đội Trung Quốc vốn được huấn luyện kém, đóng góp vào việc hình thành các sư đoàn đi ngựa và đào tạo chuyên sâu các kíp lái xe tăng và kíp lái máy bay. Trong các trận đánh trước đó với Nhật Bản, quân Trung Quốc hứng chịu thương vong với tỷ lệ là 5:1 so với đối thủ. Nhờ vào công sức của chuyên gia Liên Xô, con số thương vomg của quân Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Trong các chuyên gia Xô viết, nổi bật nhất là các phi công – họ không chỉ huấn luyện phi công Trung Quốc mà còn tích cực tham gia vào các cuộc không chiến. Trước khi phi công Liên Xô tới đây, không quân Đế quốc Nhật Bản làm mưa làm gió trên bầu trời Trung Quốc.

Tập kích Đài Loan

Quân Nhật bắt đầu ý thức được về sự xuất hiện của một kẻ thù mạnh mẽ mới vào ngày 21/11/1937, trong trận không chiến trên thủ đô Nam Kinh (của Quốc dân đảng), khi đội hình 7 chiếc tiêm kích I-16 của Liên Xô đụng độ với 20 máy bay Nhật Bản, bắn rơi 2 tiêm kích cơ và một oanh tạc cơ của địch mà bản thân không bị tổn thất máy bay nào.

Thua kém phía Nhật về số lượng, các phi công Liên Xô phải xuất kích 4-5 lần mỗi ngày để bảo vệ các thành phố của Trung Quốc. Nhưng nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn vào hoạt động phòng thủ.

Vào ngày 23/2/1938, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hồng quân Liên Xô, 29 chiếc oanh tạc cơ SB – sau khi bay qua quãng đường gần 1.000km mà không hề được tiêm kích yểm trợ, đã tiến hành không kích một trong các căn cứ không quân Nhật Bản trên đảo Đài Loan (lúc đó được gọi là Formosa). Để tiết kiệm nhiên liệu và tăng tầm bay, các phi cơ ném bom này bay hẳn ở độ cao khoảng 5.000m. Do thiếu thiết bị thở oxy, các phi công đó phải bay trong trạng thái giới hạn khả năng thể chất do chứng giảm oxy huyết. Viên chỉ huy cuộc tập kích, Fyodor Polynin, trong hồi ký của mình nhớ lại: “Tim đập nhanh, đầu quay cuồng, bạn cảm thấy rất buồn ngủ… Bạn chỉ có thể trông cậy vào sức bền thể lực của mình”.

Cuộc tấn công vào căn cứ không quân Matsuyama ở Đài Loan đã khiến Nhật Bản bị bất ngờ. Trong trận này, 40 máy bay Nhật bị phá hủy, chưa tính các máy bay đã được tháo rời và cất trong container. Các nhà chứa máy bay và lượng nhiên liệu đủ dùng cho 3 năm đã bị đốt cháy. Cuối cùng, tỉnh trưởng Đài Loan đã bị loại bỏ, còn chỉ huy căn cứ tự sát.

Cuộc chiến trên bầu trời Vũ Hán đúng dịp sinh nhật Nhật hoàng

Vào mùa xuân năm 1938, không quân Nhật trút bom xuống Vũ Hán. Là một trong các thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc, Vũ Hán đã trở thành nơi đặt đại bản doanh của chính phủ Trung Quốc và bộ tư lệnh Trung Quốc sau khi Nam Kinh thất thủ vào tháng 12/1937.

Vào ngày 29/4 năm đó, các phi công Nhật Bản quyết định chào mừng sinh nhật của Nhật hoàng Hirohito bằng cách tổ chức một cuộc không kích khốc liệt vào thành phố Vũ Hán. Cuộc tập kích của Nhật có sự tham gia của 18 oanh tạc cơ được 27 máy bay tiêm kích yểm trợ. Khi tiến tới Vũ Hán, các máy bay Nhật Bản gặp phải 64 phi cơ tiêm kích I-15 và I-16 của Liên Xô.

Guo Moruo – một nhân chứng của trận đánh này nhớ lại: “Trên bầu trời cao xanh, các đám mây trắng trôi bồng bềnh còn đạn cao xạ nổ như hoa nở. Tiếng đạn cao xạ, tiếng gầm của máy bay, tiếng bom nổ, tiếng tằng tằng của súng máy – mọi thứ trộn lại thành một thứ tiếng ồn ã bất tận. Dưới ánh nắng mặt trời, cánh máy bay lóe sáng lúc máy bay leo lên rồi chúc xuống, nghiêng sang trái, nghiêng sang phải”.

Trong trận không chiến kéo dài chỉ nửa tiếng đồng hồ, 11 máy bay tiêm kích và 10 máy bay ném bom của Nhật Bản bị bắn rơi. Phía Liên Xô mất 12 máy bay. Sững sờ trước đòn tấn công bất ngờ này, không quân Nhật đã “lặn” khỏi bầu trời Vũ Hán trong suốt một tháng.

Trong một trận khác vào ngày 31/5, quân phát xít Nhật cũng thất bại – chúng mất 14 máy bay. Các phi đoàn khét tiếng “Samurai” và “Tứ Thiên Vương” đã bị đánh bại.

Để tri ân các phi công Liên Xô đã góp phần bảo vệ thành phố Vũ Hán, người Trung Quốc đã đặt cho họ danh hiệu “thanh gươm công lý”.

Đến năm 1940, khi quan hệ giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc đổ vỡ hoàn toàn, Liên Xô bắt đầu rút dần viện trợ quân sự đối với chính phủ Tưởng Giới Thạch. Quân nhân Liên Xô không còn tham gia cuộc chiến chống Nhật nữa.

Tổng cộng, trong 700 phi công và nhân viên kỹ thuật mà Liên Xô gửi tới Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến 1940, có 214 người hy sinh. Hài cốt của nhiều người trong số họ yên nghỉ tại hàng chục ngôi mộ tập thể nằm rải rác trên đất Trung Quốc và được nhà nước Trung Quốc trông nom chu đáo

RELATED ARTICLES

Tin mới