Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và cùng “Chung tay xây dựng Châu Á hoà bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.
Sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mẫu thuẫn, bất đồng, đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt, giải pháp đặc biệt; và châu Á cần một khung khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai, cùng nhau “Chung tay xây dựng Châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.
Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và cùng “Chung tay xây dựng Châu Á hoà bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.
Năm phương châm bao gồm phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm; lấy những giá trị văn hoá cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng; lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên.
Các nội dung hợp tác gồm phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao; thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững; tăng cường phối hợp xử lý đại dịch Covid-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng yêu cầu các nước giải quyết mọi mâu thuẫn và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Thủ tướng hy vọng các nước có thể sát sao cùng nhau để thỏa thuận khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ sớm được hoàn thiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn tới các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, đã giúp đỡ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là tích cực hỗ trợ ứng phó Covid-19 và khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, thiên tai.
Thủ tướng khẳng định thị trường 100 triệu dân năng động và tiềm năng của Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, chính sách, hạ tầng, vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, xã hội, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực… là động lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo cấp cao các nước đồng tình ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đặc biệt là những định hướng quan trọng để châu Á phục hồi kinh tế và định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới.