Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinViệt Nam đã ký và đàm phán hơn 100 triệu liều vaccine...

Việt Nam đã ký và đàm phán hơn 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19

Nguyên tắc chung là Nhà nước đảm bảo tối đa kinh phí trong điều kiện có thể để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong chuyến công tác tại Trà Vinh ngày 22/5.

Sáng 22/5, sau khi là việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và Ủy ban Bầu cử của tỉnh, Thủ tướng đã đến Trung đoàn 926 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh, thăm các cán bộ, chiến sĩ làm việc tại khu cách ly tập trung.

Thủ tướng cho biết, hiện trên cả nước có 2.047 khu đang thực hiện cách ly tập trung và có khả năng thực hiện việc cách ly, trong đó quân đội có 356 khu. Tổng số người đang cách ly tập trung khoảng 58.000 và đã chuẩn bị cho trường hợp cách ly hơn 100.000 người gồm các ca F0, F1 và người nhập cảnh từ bên ngoài.

Thủ tướng lưu ý dù người nhập cảnh từ bên ngoài là nguy cơ lớn nhất lây lan dịch bệnh, song chính sách cho người cách ly vẫn thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thủ tướng dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, khẳng định đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta và càng trong bối cảnh dịch bệnh, quan điểm này càng được chú trọng, nhất là quan tâm tới những người yếu thế, những người mắc bệnh.

“Những người có nhu cầu được cách ly tại khách sạn có đóng góp thêm, nhưng cơ bản, công tác cách ly vẫn do Nhà nước bảo đảm, ngân sách Nhà nước cũng lo toàn bộ về thuốc men, vật tư y tế điều trị người bệnh”, Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp ủy, chính  quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly phải thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các quy định về phòng chống Covid-19 ; các quy định về cách ly, quản lý cách ly; các quy định về bàn giao, quản lý sau cách ly. Nhân dân, cộng đồng phải vào cuộc để quản lý người sau cách ly được trả về địa phương, gia đình.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định. Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K+ vaccine ; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm… theo phương châm 4 tại chỗ và phù hợp các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Phân tích cụ thể hơn về chiến lược vaccine, Thủ tướng cho biết chiến lược đang triển khai tốt. Theo đó, Việt Nam đã ký và đàm phán với các đối tác về nguồn cung vaccine với tổng số hơn 100 triệu liều; đẩy mạnh tiếp cận, chuyển giao công nghệ vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng khẳng định nguyên tắc chung là Nhà nước đảm bảo tối đa kinh phí trong điều kiện có thể để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an.

“Nghiên cứu hiện nay cho thấy vaccine có hiệu quả miễn dịch không kéo dài, việc tiêm phải tiến hành định kỳ, do đó chi phí rất lớn”, Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Thủ tướng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đang xây dựng Quỹ vaccine theo tinh thần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng đóng góp kinh phí, chung sức với Chính phủ để bảo đảm vấn đề này theo tinh thần chủ động tấn công. Việc sử dụng quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật.

“Sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, mỗi người dân khỏe là toàn dân khỏe, toàn dân khỏe thì đất nước khỏe, đất nước khỏe thì mới có thể thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Để đủ nguồn kinh phí mua vaccine, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng Covid-19 bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước. Ngày 20/5, Chính phủ đã đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 để mua vaccine.

RELATED ARTICLES

Tin mới