Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐiểm nóng và sức mạnh quân sự toàn cầu đang chuyển từ...

Điểm nóng và sức mạnh quân sự toàn cầu đang chuyển từ Tây sang Đông?

Trung tâm sức mạnh quân sự toàn cầu và các điểm nóng quốc tế mới dường như đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, theo các phân tích dữ liệu của Nikkei.

Mỹ đang triển khai nhiều binh sĩ ở Đông Á và Thái Bình Dương hơn ở châu Âu và Trung Đông, trong vòng hai thập kỷ qua. Sự thay đổi được cho là đến từ mối lo ngại trước Trung Quốc, sau đối đầu Đông-Tây trong Chiến tranh lạnh, bên cạnh đó là do chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở nước ngoài cũng đã đi đến một bước ngoặt. Tổng thống Joe Biden quyết định rút tất cả binh sỹ Mỹ từ Afghanistan về nước trước tháng 9. Trong khi đó, tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đề cập đến hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan – dấu hiệu rõ ràng rằng Mỹ nghiêm túc trước việc đối phó với Trung Quốc.

Sử dụng dữ liệu từ bộ quốc phòng Mỹ, Nikkei chỉ ra những thay đổi trong việc triển khai quân đội Mỹ tại nước ngoài. Năm 2000, Mỹ có 69.000 binh sỹ ở Đức, nhiều nhất trên thế giới. Sau các vụ tấn công khủng bố năm 2001, Mỹ đã chuyển hướng tập trung vào Trung Đông, triển khai cùng một lúc hơn 100.000 quân đến Afghanistan và Iraq.

Năm 2013, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Barack Obama nói Mỹ không còn là “cảnh sát toàn cầu” nữa. Nước này cắt giảm số binh sỹ ở nước ngoài xuống còn khoảng 50% trong 10 năm, cho đến 2020. Dù vậy, họ vẫn duy trì được sự hiện diện mạnh mẽ tại các nước đồng minh Đông Á – Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đối với các quốc gia khác, Nikkei phân tích dữ liệu về sự thay đổi trong sức mạnh và khí tài quân sự, sử dụng báo cáo Military Balance (cán cân quân sự) – một đánh giá của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan nghiên cứu tại Anh.

Qua đó, các nhà phân tích thấy được năng lực quân sự toàn cầu dường như tiếp tục bị thu hẹp.

Tại châu Âu và các nước Liên Xô cũ – tiền tuyến trong chiến tranh lạnh – sức mạnh quân sự giảm hơn 50% trong 3 thập kỷ qua.

Điểm nóng và sức mạnh quân sự toàn cầu đang chuyển từ Tây sang Đông? - 2

Quân đội Mỹ – Hàn tập luyện chung. (Ảnh: AP)

Ngược lại, các quốc gia mới nổi và những quốc gia gần Trung Quốc đã thúc đẩy sức mạnh đội quân của mình. Trong vòng 30 năm qua, Indonesia tăng quy mô các lực lượng vũ trang lên 40% và Philippines tăng 30%. Ấn Độ, nước có một số tranh chấp với “hàng xóm” Trung Quốc, tăng quy mô lực lượng 15%. “Cân nặng” của châu Á trên quân sự như vậy đã tăng đáng kể.

Trong khi đó, Trung Quốc giảm mức độ đội quân nhưng tăng sức mạnh khí tài quân sự. Đi từ chỗ không có máy bay chiến đấu hiện đại hay máy bay ném bom vào những năm 1990, Trung Quốc giờ đã tiệm cận Mỹ ở số máy bay chiến đấu, và có số lượng máy bay nhiều hơn cả lực lượng phòng vệ Nhật và lực lượng Mỹ ở Nhật Bản cộng lại.

Nhìn chung, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang cố gắng phát triển vũ khí mới, và Trung Quốc “chịu trách nhiệm chính” cho sự tích lũy vũ khí này.

Trung Quốc cũng đang tăng số tên lửa và tàu ngầm.

Năm 2019, họ có từ 750 đến 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể tấn công Đài Loan, tăng so với 50 tên lửa vào năm 1995, theo phân tích của bộ quốc phòng Mỹ và các cơ quan khác. Quân đội Trung Quốc cũng ước tính có hơn 950 tên lửa đạn đạo tầm trung.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tới thăm Nhật Bản vào tháng 3, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo duy trì lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác”..

Việc thay đổi trọng tâm sức mạnh quân sự tất nhiên đang ảnh hưởng đến Trung Đông. Koichi Nakagawa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, cho biết các cuộc đụng độ vũ trang gia tăng giữa Israel và Palestine phần lớn là do sự chuyển hướng ưu tiên của chính quyền Biden từ Trung Đông sang Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới