Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinThấy gì từ sự kiện Belarus bắt cóc máy bay trên không...

Thấy gì từ sự kiện Belarus bắt cóc máy bay trên không phận mình?

Ngay sau khi Belarus buộc một chuyến bay của hãng Ryanair đang trên đường bay đến Litva phải hạ cánh ở Minsk trong tuần này để nhà chức trách có thể bắt giữ nhà báo và nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich và bạn đời của ông, một người nào đó đã hỏi trên Twitter: “Đã có tiền lệ nào về việc một quốc gia buộc máy bay dân dụng bay qua không phận của họ phải hạ cánh để bắt giữ một người bất đồng chính kiến chưa?”

Tôi biết câu trả lời là có, bởi vì tôi đã có mặt trên một chuyến bay cách đây 50 năm khi một hành động bắt cóc máy bay do nhà nước tổ chức tương tự đã xảy ra. Chuyến bay 045 của hãng BOAC đang bay từ London đến Khartoum nối chuyến ở Rome vào ngày 22 tháng 7 năm 1971 thì được lệnh phải hạ cánh xuống Benghazi bởi chính quyền Libya Muammar Gaddafi khi nó đang băng qua không phận nước này.

Hai người đàn ông, hóa ra là trong số những thủ lĩnh của cuộc đảo chính bất thành ở nước láng giềng Sudan, đã được đưa ra khỏi máy bay trước khi được đưa về Sudan và ngay lập tức bị hành quyết theo lệnh của tổng thống mới được phục hồi, Jaafar al-Nimeiri.

Tôi lúc đó 11 tuổi (con trai của một nhà ngoại giao và đang trên đường đến Sudan trong kỳ nghỉ), và tôi biết được chuyện gì đang diễn ra vì một người bạn, người đang ngồi ở khoang hạng nhất, đã nói với tôi những gì đã diễn ra ở khoang phía trước máy bay. Tôi nhớ lại đã nhìn thấy những nhân viên vũ trang đứng dưới đường băng. Cuối cùng, máy bay đã quay trở lại London với những hành khách còn lại.

Bây giờ nghĩ lại, tôi giật mình bởi những điểm tương đồng với vụ việc Belarus, trong đó Tổng thống Alexander Lukashenko đã bịa ra một nguy cơ khủng bố không có thật để buộc máy bay hạ cánh. Trong cả hai trường hợp, chính phủ liên quan được cho là đã điều động một máy bay chiến đấu để uy hiếp hoặc “tháp tùng” máy bay dân sự đến điểm đến mới, được cho là vì sự an toàn của hành khách. Trong cả hai trường hợp, phi công của máy bay thương mại đang chuẩn bị rời không phận quốc gia đó thì được lệnh quay đầu.

Trong cả hai trường hợp, các phi công ban đầu đều không biết lý do thực sự của việc bị buộc phải chuyển hướng, mặc dù vào năm 1971, cơ trưởng đã nói chuyện với hai người đàn ông Sudan bị nhắm mục tiêu trước khi hạ cánh và họ bảo anh ta không nên làm gì có thể gây nguy hiểm cho các hành khách khác, theo thông tin của Flight International vào thời điểm đó.

Đôi khi các chính phủ giết hoặc giam giữ hành khách của hãng hàng không một cách vô tình do tác động ngoài ý muốn của xung đột. Trong số những thảm họa này có chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị phiến quân do Nga hậu thuẫn bắn rơi ở miền đông Ukraine vào năm 2014; chiếc máy bay Airbus của hãng Iran Air bị tàu chiến Mỹ bắn rơi trên vùng Vịnh Persic năm 1988; và chuyến bay 007 của hãng Korean Air bị máy bay phản lực của Liên Xô bắn rơi sau khi đi lạc vào vùng cấm bay năm 1983. Trong cả ba trường hợp, tất cả hành khách trên máy bay đều thiệt mạng.

Là một nhà báo đưa tin về Trung Đông, tôi đã có mặt trên chuyến bay 149 của British Airways từ London đến Kuwait, Madras và Kuala Lumpur khi nó hạ cánh xuống Kuwait vào đầu giờ sáng ngày 2 tháng 8 năm 1990. Hầu hết trong số 385 hành khách và phi hành đoàn đã bị lực lượng Iraq của Saddam Hussein, vốn đã xâm lược Kuwait trong đêm hôm đó, bắt làm con tin, trừ những người như tôi vốn có đích đến là Kuwait và đã rời sân bay vào thời điểm máy bay bị bắt giữ. Chiếc máy bay sau đó đã bị phá hủy ngay trên sân đỗ. Một số con tin bị giữ trong nhiều tháng nhưng cuối cùng tất cả đều được thả. Sau 10 ngày đưa tin, tôi đã vượt qua sa mạc đến Ả-Rập Xê-út.

Vụ việc ở Belarus đặc biệt nguy hiểm vì nó cho thấy một số chính phủ đã sẵn sàng đi xa tới đâu để vô hiệu hóa đối thủ của họ. Nga, Iran, Israel và Mỹ thường xuyên ám sát kẻ thù của họ ở nước ngoài, trong khi Trung Quốc bắt cóc đối thủ ở nước ngoài và đưa về nước để trừng phạt. Những hành khách trên các chuyến bay thương mại là mục tiêu dễ dàng đối với các nhà nước vô đạo đức.

Không một phi công hãng hàng không nào có thể dám làm ngơ lời đe dọa của một chính phủ vì nghĩ đó là cảnh báo giả và gây nguy hiểm cho tính mạng của tất cả hành khách và phi hành đoàn – và đó là lý do tại sao vụ việc ở Belarus lại nghiêm trọng như vậy. Nó làm xói mòn quan niệm đã được chấp nhận rằng mọi người có thể đi lại tự do giữa hai điểm mà không có nguy cơ bị bắt hoặc bị giết bởi chính phủ của quốc gia mà họ tình cờ bay qua.

Khi nghiên cứu về sự cố Libya năm 1971, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng nó không được đề cập trong “danh sách các vụ cướp máy bay” trên Wikipedia. Việc chuyển hướng máy bay Ryanair của Belarus có trong danh sách này. Đó là một sự phân loại chính xác. Một vụ không tặc do chính phủ thực hiện vẫn là một vụ không tặc.

RELATED ARTICLES

Tin mới