Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNan giải xây dựng thương hiệu gạo Việt

Nan giải xây dựng thương hiệu gạo Việt

Giá gạo Việt liên tục tăng và vượt các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, song việc xây dựng thương hiệu vẫn còn rất long đong.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc các doanh nghiệp phải bỏ kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chỉ mua gạo nông dân xong rồi xuất bán. Đặc biệt, khi ông Hồ Quang Cua nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần có cơ chế để thương mại hóa, xây dựng thương hiệu gạo Việt thực sự.

Gạo Việt sang Anh phải “mượn tên”

Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,9 triệu tấn gạo với trị giá 1,01 tỷ USD. Tuy giảm khoảng 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính nhập khẩu gạo của Việt Nam phải kể đến như Philippines, Trung Quốc, Cuba, Malaysia…Đáng chú ý, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA) được thực thi, thị trường châu Âu được đánh giá trở nên sôi động hẳn, khu vực này nhập khẩu gần 100 nghìn tấn gạo Việt mỗi năm với thuế suất 0%, mở cửa cho gạo Việt chinh phục những khách hàng khó tính hơn.

Tuy nhiên, tại các thị trường trên, gạo Việt dường như không có tên tuổi. Khi các doanh nghiệp xuất sang, nhà phân phối địa phương thường phải “thay tên đổi họ”. Chẳng hạn, tại Anh, năm 2020 nước này nhập khẩu khoảng 3.396 tấn gạo Việt nhưng toàn bộ gạo này đều mang các thương hiệu như Longdan, Golden Lotus, Buffalo, Green Dragon và Red Ant. Không có lô gạo nào được sử dụng thương hiệu tiếng Việt.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Thương vụ Việt Nam tại Anh (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân là các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm xây dựng thương hiệu. Do đó, nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ marketing hiệu quả cao hơn thương hiệu gạo của Việt Nam.

Theo ông Cường, một dẫn chứng dễ nhận thấy là, gạo ST25 Việt Nam dù được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết đến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt khi xuất loại gạo này sang hầu như họ chưa mặn mà với thương hiệu, nên hiệu quả marketing thấp.

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, Việt Nam có rất nhiều loại gạo ngon, thậm chí hơn hẳn gạo ngon của các nước đang cạnh tranh. Tuy nhiên, do chạy theo số lượng 3-4 vụ/năm nên chất lượng không cao và không đồng đều. Trong khi đó, Thái Lan chỉ sản xuất 1-2 vụ/năm nên chất lượng tốt hơn, giá bán duy trì ở mức cao, khi cạnh tranh về thương hiệu tại các thị trường, thậm chí ở trong nước, gạo Việt lép vế hoàn toàn.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xây dựng thương hiệu gạo phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách. “Sở dĩ gạo Việt vẫn chật vật trong việc này là do cách kinh doanh manh mún của các doanh nghiệp ngành gạo.

Từ trước đến nay, đa phần các đơn hàng mà doanh nghiệp kiếm được đều ở dạng hợp đồng Chính phủ. Do đó, sau khi có được hợp đồng, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc thu mua đủ sản lượng gạo từ nông dân, sau đó xuất đi là xong. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không muốn đầu tư vùng nguyên liệu, kho bãi, hoạt động theo kiểu ăn xổi”, ông Cường cho hay.

Làm ăn lớn, phải đầu tư bài bản

Ông Cường cho biết, một may mắn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là hiện tại, ông Hồ Quang Cua có ý định nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24 và ST25 cho Nhà nước. Sau khi nhận được thông tin này, Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch để sau khi tiếp nhận quyền sở hữu sẽ xây dựng cơ chế phù hợp để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận các giống lúa này.

Các doanh nghiệp có thể xây dựng vùng nguyên liệu riêng của mình và thương mại hóa với số lượng lớn để đưa giống lúa ST24, ST25 phổ biến với thế giới hơn. Song, theo ông Cường, muốn tạo dựng được thương hiệu gạo bền vững, đòi hỏi DN phải thực sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp.

“Sở hữu được giống lúa ST24, và ST25 mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để Việt Nam tạo dựng được thương hiệu gạo quốc tế phụ thuộc vào cách làm của DN trong thời gian tới”, ông Cường cho hay.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, để tạo ra vị thế cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, ngành gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Theo đó, chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ và gắn với địa danh nơi trồng lúa. Ví dụ “gạo Sóc Trăng Việt Nam” hay tên người tạo ra giống lúa như “gạo Ông Cua” để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.

Theo TS Lê Văn Bảnh, khi có được giống lúa tốt như ST24, ST25, ngành gạo cần bảo đảm độ thuần chủng và không ngừng cải tiến chất lượng. Tùy theo từng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tạo ra giống lúa thích hợp để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Chẳng hạn, người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo; người dân Trung Đông thích gạo khô; người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm. Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp, khi có thương hiệu phải biết giữ gìn.

RELATED ARTICLES

Tin mới