Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếNga trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông

Nga trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã giữ một vai trò quan trọng ở Biển Đông khi hải quân Liên Xô đóng tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam những năm 80 của Thế kỷ 20. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp quản những gì Liên Xô có được trước đó ở Biển Đông, kể cả việc đóng quân ở Cam Ranh cũng như những dự án hợp tác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam mà tiêu biểu là liên doanh dầu khí Việt – Xô được thành lập năm 1981 (Vietsovpetro) và hoạt động rất hiệu quả. Đến đầu thế kỷ 21, cụ thể là năm 2001 Nga quyết định rút quân khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh tại Việt Nam. Cùng với đó vai trò của Nga ở Biển Đông cũng giảm đi.

Trong những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây, Nga hầu như đứng ngoài cuộc. Một số nhà nghiên cứu coi Nga như một “nhân vật giấu mặt” trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông; cho rằng Nga đang triển khai một chính sách khá thực dụng trên vấn đề Biển Đông nói riêng và đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Trở lại với vai trò nguyên thủ quốc gia năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc khôi phục lại vị thế nước Nga với những chính sách quyết đoán. Năm 2014, ông Putin tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào nước Nga và quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây xuống mức thấp nhất. Để khắc phục những khó khăn từ bao vây, cấm vận của phương Tây, Tổng thống Putin tìm cách cải thiện quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc. Chính điều này khiến Moskva thi hành một chính sách “ngậm miệng ăn tiền” trên vấn đề Biển Đông để tránh những rắc rối trong quan hệ với Bắc Kinh.

Năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập về một “mối quan hệ đối tác Á-Âu rộng lớn hơn”. Khi Nga đã “xoay trục” sang châu Á được gần 10 năm qua thì những mối quan hệ và liên kết với nhiều nước châu Á chủ chốt đều rất mạnh mẽ và cụ thể cả trên phương diện song phương và đa phương thông qua các tổ chức như Liên minh Kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hoặc ASEAN. Quan điểm của Moskva được thể hiện một cách rõ ràng rằng không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của nước nào ở Biển Đông. Thế nhưng, Nga thực sự theo đuổi lợi ích của riêng mình tại Biển Đông, chủ yếu liên quan đến những lợi ích kinh tế và chiến lược.

Bằng cách đánh giá những gì ngầm ẩn đằng sau những tuyên bố chính thức của Putin, người ta có thể nắm bắt được những mục tiêu của Nga trong khu vực địa chiến lược này. Ví dụ, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Trung Quốc năm 2016, Tổng thống Putin đã tuyên bố rõ ràng rằng Nga sẽ lên án bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba vào tranh chấp Biển Đông. Dựa trên những tuyên bố chính thức, Moskva ủng hộ một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp các bên. Nga tuân thủ chặt chẽ luật lệ quốc tế và UNCLOS, đồng thời ủng hộ DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng nhau ký năm 2002.

Nga được thừa hưởng thành quả hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam từ thời Liên Xô và những năm gần đây chứng kiến những kết quả hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa Nga và một số nước Đông Nam Á. Là một quốc gia “sừng sỏ” trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, Nga nỗ lực tận dụng những mối quan hệ này để hưởng lợi nhiều nhất từ khu vực, kể cả từ việc bán vũ khí. Ngoài những mối quan tâm về kinh tế, Nga cũng quan tâm đến vấn đề an ninh ở khu vực.

Trong quan hệ với các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông, Moskva khéo léo tránh ủng hộ hoặc chỉ trích nước nào trong tranh chấp. Mặc dù, không trực tiếp can dự tranh chấp Biển Đông song Moskva vẫn đóng một “vai trò kép”. Một mặt, Nga lâu nay theo đuổi chiến lược “phòng bị nước đôi” trong những mối quan hệ phức tạp của khu vực. Mặt khác, Nga đặt Biển Đông trong nhận thức về một khuôn khổ bao gồm các mối quan hệ quốc tế mang tính hệ thống hơn. Khi sử dụng cụm từ “phòng bị nước đôi”, người ta liên hệ đến một loạt chính sách liên quan và ràng buộc lẫn nhau giữa những hoạt động can dự, hội nhập và kiềm chế nhằm tăng cường sự đảm bảo an ninh cho quốc gia mình. Do tranh chấp Biển Đông có sự can dự của nhiều nước trong khu vực nên cho đến nay Nga vẫn duy trì chiến lược này để duy trì sự ổn định địa chính trị.

Năm 2016, Nga và Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế coi sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Nga đang xích lại gần hơn với Trung Quốc. Cùng năm đó, Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp ở Biển Đông trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc với những thắng lợi lớn thuộc về Philippines và khẳng định những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở. Phán quyết này được đưa ra đúng vào thời điểm Nga có thể cũng phải đối mặt với tình huống tương tự với việc sáp nhập bán đảo Crimea. Do đó, Moskva đã lớn tiếng lặp lại quan điểm không can thiệp vào tranh chấp này.

Chiến lược của Nga trên vấn đề Biển Đông chịu tác động của những nhân tố chính sau:

Một là, Trung Quốc – “người chơi” quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông và cũng là nhân tố chi phối lớn nhất đối với quan điểm của Nga trên vấn đề Biển Đông. Những tháng gần đây đã chứng minh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Bắc Kinh và Moskva sâu sắc đến mức nào. Cách đây không lâu, hai nước tuyên bố triển khai dự án chung nhằm thiết lập một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, đồng thời tăng cường hợp tác khai thác dầu khí chung ở Bắc Cực. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Mới đây, Bắc Kinh đã mua một số công nghệ quân sự hàng đầu của Moskva như tiêm kích Su-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Bắc Kinh chính là nguyên nhân khiến Nga giữ im lặng trên vấn đề Biển Đông, không chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cũng như những hoạt động hung hăng, bắt nạt láng giềng ven Biển Đông của Bắc Kinh.

Mặt khác, theo giới phân tích, sự xích lại gần nhau giữa Moskva và Bắc Kinh cũng chỉ là nhất thời. Hai bên đã từng là đối thủ của nhau trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thậm chí đã từng xảy ra xung đột biên giới giữa hai bên. Mặc dù hiện tại Moskva và Bắc Kinh phải bắt tay nhau là do cả hai nước đều đang chịu nhiều áp lực từ Mỹ và phương Tây, song cả hai bên vẫn có sự dè chừng lẫn nhau. Do vậy, Nga không thể “ra mặt” đứng về phía Trung Quốc mà giữ thái độ “phòng bị nước đôi” để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Hai là, lợi ích kinh tế của Nga với các nước ven Biển Đông. Không chỉ có lợi ích lớn trong hợp tác năng lượng với Việt Nam ở Biển Đông, Philippines cũng là nước đã và đang có hợp tác với Moskva trong lĩnh vực năng lượng. Hồi năm 2019, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề nghị Nga tiến hành khai thác dầu khí ngoài khơi khu vực “Biển Tây Philippines” (cách Manila gọi Biển Đông), động thái đặt Nga vào tâm điểm của tranh chấp. Không chỉ Việt Nam là khách hàng truyền thống mua vũ khí Nga, các nước ASEAN khác cũng là những khách hàng tiềm năng mua máy bay chiến đấu và vũ khí của Nga.

Nga có lợi ích kinh tế, an ninh ở Biển Đông và có lợi ích chiến lược lâu dài với cả khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) nên trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông rõ ràng Nga không muốn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Do vậy, để không làm mất lòng bất cứ bên tranh chấp nào, cách tốt nhất là giữ quan điểm “chung dung”, không lên tiếng ủng hộ hay chỉ trích bên nào trong tranh chấp. Đây là cách tính toán hết sức thực dụng của Moskva.

Ba là, quan hệ tam giác chiến lược Nga – Mỹ – Trung. Việc Mỹ và phương Tây tiếp tục coi Moskva và Bắc Kinh là những đối thủ hệ thống đã khiến cả 2 bên đều có nhu cầu xích lại gần nhau để ứng phó. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thi hành chính sách xoay trục về châu Á; dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính sách này được đẩy thêm một bước thành chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do rộng mở với nòng cốt là nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn); và dưới thời Tổng thống Joe Biden, Washington phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh trong thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với việc lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm “Bộ Tứ” được tổ chức. Không những thế Mỹ còn khuyến khích các đồng minh châu Âu cùng tham gia vào các chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương). Điều này không chỉ là nhằm vào Bắc Kinh mà còn được xem là một hình thức gây sức ép hệ thống đối với Moskva. Trong nhận thức của Moskva, Washington đang phối hợp với các đồng minh tìm cách tối đa hóa tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và trong tranh chấp Biển Đông nói riêng. Do vậy, Nga phản đối sự can dự của Mỹ vào Biển Đông và khu vực; phản đối cái gọi là “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông.

Cả Nga và Trung Quốc có điểm chung là cùng chống lại những lợi ích của Mỹ trong khu vực này. Trong quan hệ tam giác Nga – Mỹ – Trung, Moskva muốn thiết lập sự cân bằng chiến lược ở khu vực. Điểm đồng về lợi ích của Nga và Trung Quốc chống lại sự can dự ngày càng sâu của Mỹ vào khu vực đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của Nga trên một số vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Bốn là, luật pháp quốc tế, Nga là thành viên của UNCLOS 1982 và luôn ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Do là cường quốc “ở xa” Biển Đông nên chỉ có đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật thì Nga mới có thể phát huy vai trò ở khu vực này. Việc Nga kiên trì triển khai các dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc là nỗ lực lớn để khẳng định quan điểm pháp lý của Nga ủng hộ quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông được xác định phù hợp với UNCLOS và ngầm bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa theo “đường lưỡi bò”.

Nga chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dù là “đường lưỡi bò” hay “Tam Sa”, “ Tứ Sa” bởi các yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái với các quy định của UNCLOS 1982. Yêu sách này cũng đã bị phán quyến 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ và nhiều nước gửi công hàm hoặc ra tuyên bố bác bỏ; không có bất kỳ chuyên gia chân chính hay chính giới nước nào ủng hộ cho các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có 3 nước Mỹ, Anh, Pháp lên tiếng công khai bác bỏ các yêu sách và phản đối các hoạt động hung hăng bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc. Nga thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm nặng nề trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế nên không thể đứng ra bảo vệ những yêu sách phi lý của Trung Quốc – Ủy viên Thường trực thứ 5 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một số ý kiến phê phán quan điểm thực dụng của Nga trên vấn đề Biển Đông bởi lẽ họ cho rằng sự im lặng của Nga trước những hành động hung hăng của Trung Quốc và phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là có lợi cho Bắc Kinh. Nga là một nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cần có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ hòa bình ổn định, tự do an toàn trên các vùng biển ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Việc Nga làm ngơ trước những hoạt động quân sự hóa Biển Đông và hoạt động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông vô hình dung đã “tiếp tay” cho Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích thì cho rằng, trong bối cảnh thế và lực của Nga có hạn lại gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Mỹ và phương Tây thì việc Moskva có quan điểm trung lập về tranh chấp Biển Đông và giữ im lặng là điều có thể hiểu được.

Trên thực tế, Nga vẫn quan tâm tới Biển Đông và muốn đóng một vai trò nào đó đối với vấn đề tranh chấp ở vùng biển này. Việc ở thời điểm hiện nay Nga không “lộ mặt” trong bàn cờ chiến lược ở Biển Đông không có nghĩa là Moskva “dửng dưng” và không muốn can dự vào Biển Đông. Mặc dù chính quyền Nga giữ im lặng trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, song nhiều học giả, nhà nghiên cứu của Nga vẫn lên tiếng phê phán các yêu sách và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây có thể là cách làm “giữ cầu” của Nga trên vấn đề Biển Đông và thể hiện rõ sách lược “phòng bị nước đôi” trong bàn cờ chiến lược Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới