Lâu nay Malaysia khá kín tiếng trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan Biển Đông. Có nhà nghiên cứu quốc tế không ngần ngại cho rằng, Malaysia dùng phép “ngoại giao sau cánh gà”.
Những khi các nước ASEAN bàn về những vấn đề nóng liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Kuala Lumpur luôn cố gắng thể hiện lập trường trung lập. Có điều gì cần bàn với “đại ca” Bắc Kinh (như cách gọi của Ngoại trưởng Philippines với người đồng cấp Trung Quốc) thì họ tiến hành ngoại giao hậu trường để thúc đẩy ý đồ khôn khéo của mình.
Thế nhưng, mới đây Kuala Lumper bỗng thay đổi hẳn thái độ, khiến Bắc Kinh lo ngại. Một nhà ngoại giao Malyasia tuyên bố: Từ nay vứt bỏ chính sách ngoại giao lặng yên trong nhiều thập niên với Trung Quốc. Nghĩa là nước này sẽ công khai chỉ trích Trung Quốc và trực diện thách thức các hành động leo thang căng thẳng của Bắc Kinh trên Biển Đông .
Hôm đầu tháng 6, chính quyền Kuala Lumper đã công kích sự “xâm nhập” không phận Malaysia của Trung Quốc. Không hề do dự, không quân nước này đã cho chiến đấu cơ cất cánh, kiên quyết xua đuổi máy bay quân sự Trung Quốc tiến sâu vào khu vực 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak trên đảo Borneo.
Nguồn tin cho hay, không quân Trung Quốc đã triển khai một phi đội các vận tải cơ chiến lược Xian Y-20 và Ilyushin il-76 bay ở độ cao khoảng 8000 mét, trên không phận Malaysia. Mặc dù kiểm soát không lưu Malaysia đã nhiều lần cố bắt liên lạc nhưng không nhận được sự phản ứng từ các phi cơ Trung Quốc.
Thông báo của Bộ chỉ huy lực lượng Không quân Malaysia tuyên bố: “Vụ việc này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an toàn bay”. Các máy bay tiêm kích của Không quân Malaysia đã kịp thời cất cánh từ sân bay ở Labuan bám sát hành động “khả nghi” của Trung Quốc. Và cũng ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Malaysia triệu Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về việc 16 chiếc phi cơ quân sự xâm nhập không phận Malaysia.
Một nhà ngoại giao khôn khéo của Malaysia -Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein – đã kiên quyết phản đối hành động của chính quyền Bắc Kinh, thông qua phương thức ngoại giao. Ông yêu cầu phía Trung Quốc phải làm rõ “hành động côn đồ” xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia.
Trong một Thông cáo báo chí phát đi sau đó, Ngoại trưởng Hishammuddin khẳng định : “Quan điểm của Malaysia là rõ ràng – có quan hệ ngoại giao hữu nghị với các nước không đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Con đường ngoại giao tưởng như bằng phẳng giữa hai nước bỗng nhiên gặp chướng ngại vật. Trước phản ứng mạnh mẽ của Malaysia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng phản hồi bằng cái cách quen thuộc xưa nay, hạ giọng vuốt ve: “Trung Quốc và Malaysia là hàng xóm thân thiện, Trung Quốc sẵn lòng tiếp tục tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Theo các nhà phân tích quốc tế, sự phản ứng của Kuala Lumper là một tất yếu. Vì trong ba năm trở lại đây, Đảng đối lập của Malaysia – Pakatan Harapan, luôn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Đảng đối lập đã hối thúc chính phủ lựa chọn một “kế hoạch hành động rõ ràng” trước ý đồ lấn tới của Trung Quốc ở các vùng biển đang có tranh chấp.
Dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (thuộc đảng Pakatan Harapan), ông đã hủy một số dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc. Đảng Pakatan Harapan cũng có quan điểm cứng rắn ở Biển Đông bằng việc chính thức xác lập yêu sách của Malaysia về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông tại Liên hợp quốc, công khai gọi yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc là lố bịch, theo đó sẽ kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.
Như vậy, cùng với Việt Nam, Philippines, Indonesia… lại có thêm một Malaysia tỏ thái độ kiên quyết chống lại những hành động của Trung Quốc bắt nạt, o ép các nước nhỏ trên Biển Đông. Mặc dù luôn tìm lý do tránh sự liên minh quân sự quá mức với Mỹ, nhưng quan điểm cứng rắn của Malaysia lúc này cho thấy, Kuala Lumper ngày càng cởi mở trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong khi Bắc Kinh luôn cao giọng đoàn kết, hướng tới mục đích tránh sự chú ý của dư luận quốc tế, bảo toàn “hình ảnh và uy tín” của một quốc gia có văn hóa chiến lược hòa bình, phòng thủ và không có tham vọng bành trướng, thì sự đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia cần thiết hơn bao giờ hết. Chỉ có như vậy mới bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Còn nếu cứ “chọc trời khuấy nước” theo kiểu Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm tình hình, ngăn cản việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.