Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu tạo ra hình ảnh một nước Trung Quốc “đáng tin, đáng yêu, và đáng kính” trong bối cảnh nhiều nước có cái nhìn tiêu cực về nước này, nhưng liệu điều này có khả thi?
Theo trang tin Đa Chiều ngày 3/6, khi chủ trì cuộc “nghiên cứu học tập tập thể” lần thứ 30 của Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc tổ chức ngày 31/5, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu, chỉ thị cho hệ thống truyền thông và tuyên truyền đối ngoại phải “kể tốt câu chuyện Trung Quốc và truyền bá tiếng nói của Trung Quốc”,”tăng cường và cải tiến công tác tuyên truyền ra quốc tế”. Hội nghị học tập của Bộ Chính trị cũng mời giáo sư Đại học Phúc Đán Trương Duy Vi đến để thuyết giải và đưa ra các kiến nghị về công tác.
Điều đáng chú ý là, khác với cách nói trước đây của Trung Quốc về “tuyên truyền ra bên ngoài”, lần này ông Tập Cận Bình không trực tiếp đề cập đến thuật ngữ “ngoại tuyên” (tuyên truyền ra bên ngoài) trong bài phát biểu của mình lần này, thay vào đó, ông sử dụng thuật ngữ “truyền bá quốc tế” để mô tả công tác tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc. Tư duy này phản ánh chính quyền Trung Quốc đã trở nên linh hoạt hơn trong nhận thức về tuyên truyền đối ngoại, cố gắng thoát khỏi chứng bệnh sử dụng khẩu khí tuyên truyền đối nội để tiến hành tuyên truyền đối ngoại trong quá khứ.
Đa Chiều cho rằng, trước nay, công tác tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc thường bám theo phương pháp tuyên truyền cứng nhắc, khuôn mẫu và nhàm chán trong nước, khiến khán giả nước ngoài không hiểu hoặc khó chấp nhận. Khi mà dư luận phương Tây bao vây và chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề cụ thể, hệ thống tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc thường lâm vào tình trạng bất lực, không thể chống trả, tiến thoái lưỡng nan là hoặc bị động chịu trận, nói tóm lại là không hiệu quả.
Giờ đây ông Tập Cận Bình đề xuất “tăng cường và cải tiến công tác truyền thông quốc tế”; về phương pháp, “phải sử dụng các phương pháp tiếp cận chính xác gần gũi với các khu vực khác nhau, các quốc gia khác nhau và các nhóm đối tượng khác nhau” để “kể câu chuyện tốt đẹp của Trung Quốc” và “tăng cường sự gắn bó và tính hiệu quả của truyền thông quốc tế”; thực chất có nghĩa là nhận thấy những thiếu sót của công tác tuyên truyền đối ngoại trước đây và cố gắng sử dụng một cách tiếp cận “liệu cơm gắp mắm” phù hợp hơn để tranh thủ quyền có tiếng nói quốc tế của Trung Quốc.
Theo Đa Chiều, trên thực tế, kể từ khi đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu vào năm ngoái (2020), Trung Quốc đã có tiến triển trong công tác tuyên truyền đối ngoại, điều này được phản ánh qua sự lo ngại của phương Tây về ảnh hưởng ngày càng tăng của truyền thông Trung Quốc. Vào tháng 5 năm nay (2021), Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) đã phát hành một báo cáo có tiêu đề “Câu chuyện về COVID-19: Khám phá sách lược toàn cầu của Trung Quốc”, trong đó đã gửi một bảng câu hỏi khảo sát tới 54 liên đoàn nhà báo ở 50 quốc gia trên thế giới để đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc trên truyền thông toàn cầu sau khi bùng phát dịch COVID-19. Kết quả, 56% quốc gia được khảo sát cho rằng mức độ đưa tin về Trung Quốc kể từ khi dịch bùng phát là tích cực, 24% cho rằng trở nên tiêu cực hơn và 20% còn lại cho rằng thái độ không thay đổi.
Bản báo cáo này lo lắng chỉ ra rằng trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng cơ sở hạ tầng truyền thông toàn cầu của họ để “tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra thế giới bên ngoài, phối hợp với việc phổ biến thông tin sai lệch và các công cụ quyền lực cứng khác để tác động đến dư luận thế giới”. Báo cáo này gián tiếp khẳng định từ một phía rằng tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc trở nên tích cực hơn, khiến phương Tây cảm thấy ghen tị.
Trên thực tế, cho dù một số định chế phương Tây và các quan chức Trung Quốc nghĩ gì, từ góc độ toàn cầu, bản thân việc Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia với dân số 1,4 tỷ, thiếu tiếng nói truyền thông mạnh mẽ trên trường quốc tế, này đã là một điều kỳ lạ. Trong nhiều năm, dư luận quốc tế bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông phương Tây như BBC và CNN, dẫn đến quan điểm phương Tây trở thành quan điểm chủ đạo của thế giới, nhưng điều này không đại diện cho tiếng nói đa dạng của người dân từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh các phương tiện truyền thông phương Tây, trong những năm gần đây, lần lượt nổi lên Al Jazeera của Qatar trong thế giới Ả Rập và Russian Today (RT) của Nga, phá vỡ sự lũng đoạn truyền thông của thế giới phương Tây, cho phép chúng ta thấy một thế giới đa dạng hơn.
Tuy nhiên, theo Đa Chiều, bên ngoài Trung Quốc, khả năng truyền thông quốc tế hiện tại của Trung Quốc vẫn còn tương đối đơn điệu và yếu kém. Ví dụ, khi các nước và truyền thông phương Tây cáo buộc Tân Cương là “diệt chủng” và “cưỡng bức lao động”, truyền thông Trung Quốc đã rất khó khăn trong việc cung cấp hiệu quả với góc nhìn khác cho những người từ các quốc gia và khu vực khác. Mặc dù Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) đã phát sóng một loạt phim tài liệu chống khủng bố ở Tân Cương, nhưng sức lan tỏa của nó lại thấp hơn nhiều so với Al Jazeera và RT.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, từng ca ngợi RT là “thẳng thắn và rất có sức chiến đấu.” Mặc dù phần cứng và thiết bị không tiên tiến nhưng RT có ảnh hưởng lớn và làm được nhiều điều mà giới truyền thông thế giới thứ ba không làm được. Điều này chắc chắn đáng được hệ thống truyền thông và tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc có nguồn tài nguyên phần cứng dồi dào hơn phải học hỏi.
Trong khi đó, CNN ngày 2/6 đưa tin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã phát biểu tại hội thảo tập thể lần thứ 30 của Bộ Chính trị Trung Quốc vào ngày 31/5, “Làm thế nào để kể câu chuyện tốt về Trung Quốc và truyền bá tiếng nói của Trung Quốc, trình bày một Trung Quốc thực tế, đa chiều và toàn diện là một nhiệm vụ hàng đầu để tăng cường khả năng truyền thông quốc tế của chúng ta”. CNN cho rằng mặc dù ông Tập Cận Bình muốn thông qua tuyên truyền để tạo dựng hình ảnh một Trung Quốc “đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính”, từ đó tạo ảnh hưởng và kết bạn với thế giới, nhưng e rằng tiếng tru của những con sói sau lưng ông đã khiến thế giới chùn bước.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói thêm rằng hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc phải chứng minh cho thế giới thấy rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến hạnh phúc của người dân Trung Quốc. CNN cho rằng phát biểu của ông Tập không phải không có lý. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Bắc Kinh tiếp tục phát huy vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, ngoại trừ Nga và Pakistan, Trung Quốc rất ít thiết lập được quan hệ ngoại giao vững chắc với các cường quốc trên thế giới.
Hơn nữa, phát biểu của ông Tập chỉ làm nổi bật hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới. CNN trích báo cáo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 10/2020. Trong số 14 quốc gia được phỏng vấn ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á và Australia mỗi quốc gia đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Theo phân tích của CNN, vấn đề hình ảnh tiêu cực của Bắc Kinh một phần là do xảy ra đại dịch COVID-19 với nhiều thông tin chưa được xác nhận đã làm sâu sắc thêm hình ảnh tiêu cực này. Việc chính quyền Trung Quốc che đậy dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, dẫn đến sự lây lan toàn cầu của COVID-19 là ví dụ điển hình nhất về việc chưa được xác minh nhưng đã được lan truyền mạnh mẽ.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, hình ảnh của Bắc Kinh đã bắt đầu xấu đi và điều này có thể được đổ lỗi một phần cho các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao Chiến lang (Sói chiến). Lấy ý tưởng từ tựa bộ phim hành động chủ đề yêu nước do Ngô Kinh thủ vai chính, chính sách đối ngoại Chiến lang (Wolf Warriors) bắt đầu hình thành vào năm 2019. Vào thời điểm đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu sử dụng ngôn ngữ gây hấn để chỉ trích những cáo buộc chống lại Trung Quốc trong các cuộc họp báo hoặc trên mạng xã hội.
Vào tháng 7/2019, Triệu Lập Kiên, lúc đó là Tham tán của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan, đã chỉ trích mạnh mẽ “hành vi đạo đức giả” của Mỹ về các vấn đề nhân quyền. Theo cáo buộc của ông Triệu, “bản thân Washington cũng có những vấn đề như phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng thu nhập và bạo lực súng đạn”. Bài phát biểu này nhanh chóng lan truyền và gây ra tranh cãi, nhưng Triệu Lập Kiên đã thăng tiến trở thành người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc; kể từ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nô nức theo đuổi cách tiếp cận này.
CNN dẫn tin của South China Morning Post, cho biết cộng đồng ngoại giao Trung Quốc cũng không thoải mái với việc thực thi kiểu ngoại giao sói chiến; nhưng cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Triệu Lập Kiên và bầy sói chiến sẽ kiềm chế. Hơn nữa, hành vi của họ được hoan nghênh ở Trung Quốc. Sau khi Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tố cáo tại Hội nghị Mỹ – Trung ở Alaska vào tháng 3 năm 2021 “Mỹ không đủ tư cách để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm với Trung Quốc”, đoạn văn này sau đó đã được in trên quần áo và bán khắp Trung Quốc, cho thấy dân chúng Trung Quốc rất hoan nghênh kiểu ngoại giao Chiến lang.
CNN kết luận rằng, mặc dù ông Tập Cận Bình hô hào Bắc Kinh chìa ra bàn tay hữu nghị với thế giới, nhưng những con sói chiến hú đằng sau có thể khiến hầu hết các quốc gia chùn bước, không dám mạo hiểm.