Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc đấu trí giữa hai siêu cường

Cuộc đấu trí giữa hai siêu cường

Có một câu hỏi tưởng như đã cũ, nhưng sang thế kỷ XXI, nhất là trong thập niên thứ ba của thế kỷ này, các nhà bình luận quốc tế càng quan tâm nghiên cứu để tìm ra vấn đề cốt lõi. Đó là vì sao Trung Quốc – một nước có diện tích lục địa lớn nhất thế giới – lại luôn đi tranh cướp từng hòn đảo trên biển của các nước láng giềng? Vì sao tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ lại mạnh mẽ đến thế?

Chiến lược “Hải dương xanh” và cường quốc biển mang tên Trung Quốc đang ngày càng thành hình dưới thời Tập Cận Bình

Trung Quốc có diện tích khoảng 9 triệu 600 nghìn km2, có bờ biển dài 18 nghìn km. Từ muôn đời nay, Trung Quốc là một quốc gia hướng lục địa, từng thi hành chính sách bế quan toả cảng. Thế nhưng, từ những năm đầu thế kỷ XX, thì con hổ xám này bắt đầu thức giấc. Bắc Kinh đã có những hành động tranh giành lãnh thổ của một số quốc gia trong khu vực châu Á, chủ yếu là trên biển, đảo. Đáng chú ý là vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản và với một số quốc gia trong khu vực Biển Đông. Năm 1974, trong khi Hà Nội đang dốc toàn lực để chuẩn bị giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tranh thủ thời cơ cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay chính quyền Sài Gòn.

Nhưng phải đến cuối thế kỷ XX, Trung Quốc mới tập trung nghiên cứu và định hình một chiến lược biển quốc gia bài bản. Chiến lược xác định: Thế kỷ XXI  là “thế kỷ tranh giành biển cả”. Biển là lối thoát của dân tộc Trung Hoa để sinh tồn và phát triển. Để trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự, buộc phải phấn đấu trở thành một cường quốc hàng hải ở khu vực và từng bước phát triển lên.

Cho đến sau đại hội XVIII của Đảng cộng sản độc quyền vào tháng 3/2013,  Trung Nam Hải đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng cường quốc hải dương, chính thức đưa vấn đề phát triển hải dương trở thành chiến lược quốc gia. Khái niệm “Chiến lược Hải dương xanh” mang hàm ý: Lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển.

Trong chiến lược đó, Biển Đông là mục tiêu được ưu tiên phát triển trên biển đầu tiên. Tuy là một quốc gia có diện tích rất lớn nhưng bị che chắn ở phía đông bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là vùng lãnh thổ Đài Loan chưa được thống nhất. Đây không khác nào những “cái gai” trong mắt Bắc Kinh, bởi đều là những quốc gia, vùng lãnh thổ đồng minh hoặc được Mỹ bảo hộ.

Không thể tiến xa về phía Đông, do đó hướng nam ở khu vực Biển Đông trở thành hướng bành trướng trên biển quan trọng nhất của Trung Quốc. Biển Đông là con đường biển thông thương và buôn bán quan trọng của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài. Trong số 39 tuyến hàng hải chính nối Trung Quốc với các nước thì có tới 29 tuyến đường đi qua Biển Đông, 60% hàng xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông.

Trên Biển Đông có quần đảo Trường Sa của Việt Nam có trữ lượng dầu khoảng 35 tỷ tấn. Một nguồn lợi khổng lồ mà không một quốc gia nào không mơ tới, trong đó có Mỹ. Washington đang có sự quay trở lại mạnh mẽ, cùng các tập đoàn liên doanh dầu mỏ của Nga. Nếu khống chế được Biển Đông, Trung Quốc sẽ khống chế được các quốc gia ven biển về mặt chính trị, đủ sức mạnh để răn đe Mỹ.

Để thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, từ năm 1992 đến năm 2020, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn kiện luật quan trọng liên quan đến biển, đảo. Có thể nhắc tới một số bộ luật: Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp, Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Tuyên bố về Đường cơ sở, Luật Môi trường biển, Luật Bảo vệ, khai thác và sử dụng nước biển của Trung Quốc. Đặc biệt Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOC).

Hiện tại, Trung Quốc đang thực thi một chương trình quản lý thống nhất rộng lớn tại khu vực Hạ Môn và Biển Hoa Đông. Đây được coi là chương trình thí điểm để phát triển bền vững các hoạt động khai thác và sử dụng biển. Tác động và hiệu quả của chương trình sẽ được phân tích, đánh giá để cải thiện, chỉnh sửa hoặc nhân rộng phục vụ cho chiến lược dài hạn. Mục tiêu chính là tìm được sự phát triển bền vững giữa kinh tế và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, mới đây Trung Quốc cho ra đời Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế biển cho tới năm 2030. Kế hoạch này tập trung vào khai thác nguồn tài nguyên, cải thiện môi trường kinh tế biển và điều chỉnh cơ sở hạ tầng công nghiệp kinh tế biển để đưa nền kinh tế tới một bước ngoặt đột phá quan trọng.

Trong quá trình thực hiện chiến lược gặm nhấm Biển Đông (còn gọi là chiến lược lát cắt salami) Trung Quốc luôn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các nước có tranh chấp trong vùng Đông Nam Á. Đáng ngại nhất là sự hợp tác, sự phản kháng của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Trong quan hệ với Việt Nam về giải quyết vấn đề trên biển, ngoài các vấn đề về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn phải đấu tranh lâu dài, Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ. Hai Hiệp định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho hai nước phát triển nghề cá và các ngành kinh tế liên quan của mình trong vịnh Bắc Bộ.

Mồm nói luôn củng cố, vun đắp “tình hữu nghị” với các nước láng giềng, nhưng đằng sau, Bắc Kinh ráo riết thực hiện âm mưu bành trướng trên Biển Đông. Trung Quốc trước sau vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa trọng quốc tế (năm 2016), tìm mọi cách hiện thực hóa “Đường chín đoạn” trên Biển Đông. Nước này đã xây dựng hàng chục đảo nhân tạo, đưa nhiều lực lượng dưới danh nghĩa nghiên cứu biển vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Gần đây nhất là hàng trăm tàu vỏ sắt vây kín chung quanh khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc cho Philippines, Việt Nam phản đối, những con “tàu đánh cá” vẫn cứ trơ lì bám trụ ở đó. Hôm 31/5 Trung Quốc tiếp tục cho 16 vận tải cơ quần đảo trên vùng trời Malaysia và đã bị nước này cực lực phản đối, đồng thời cho máy bay chiến đấu lên xua đuổi.

Để trở thành “vua” trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào về chính trị, quân sự, ngoại giao. Thế giới đã nhìn rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh. Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là “Bộ tứ” đã xốc lại đội hình để ngăn chặn bàn tay lông lá muốn kéo Biển Đông về hết nhà mình. Nhưng, cơ hội để động binh không phải là dễ và cũng không thật sự cần thiết. Cuộc đấu trí  giữa hai siêu cường Mỹ-Trung cùng các đồng minh còn lâu dài và ngày càng phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới