Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga, Đại tá Makar Aksenenko nhận định Không quân Việt Nam đã có một bước đi hoàn toàn hợp lý khi mua máy bay phản lực chuẩn NATO L-39NG để huấn luyện.
Không quân Việt Nam mua máy bay huấn luyện phản lực chuẩn NATO
Được xác định là một trong những lực lượng mũi nhọn được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, Không quân Việt Nam gần đây đã có những bước thay đổi nhanh chóng khi liên tiếp đặt mua nhiều loại máy bay tiêm kích đa năng và máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến.
Cụ thể, sau khi hoàn thành định hướng chiến lược xây dựng 3 trung đoàn không quân tiêm kích đa năng Su-30MK2 (với 36 chiếc), Không quân Việt Nam tiếp tục đặt mua 12 máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 của Nga và mới nhất là hợp đồng nhập khẩu 12 chiếc máy bay L-39NG thế hệ mới từ Cộng hòa Séc, dự kiến giao hàng trong giai đoạn 2023-2024.
Với Yak-130 thì chúng ta đã biết, đây là dòng máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới mà Nga chế tạo để thay thế cho L-39 đã cũ.
Nhưng hơn thế, dòng máy bay này được chế tạo với hệ thống điện tử hàng không và hệ thống điều khiển có khả năng “mô phỏng” nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5 của cả Nga và nước ngoài. Đồng thời, nó còn mang phóng được nhiều loại vũ khí có điều khiển chính xác để thực hiện nhiệm vụ tiêm kích phòng không và cường kích hạng nhẹ khi cần.
Còn với L-39NG, chúng sẽ thay thế dần các máy bay huấn luyện phản lực L-39 hiện có của Không quân Việt Nam vốn gần hết vòng đời sau khoảng 40 năm đưa vào sử dụng và đã hoàn thành xuất sắc công tác nhiều khóa học viên phi công quân sự.
L-39 góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tự đào tạo được phi công chiến đấu phản lực. Tất cả phi công chiến đấu từ Su-22 cho tới Su-27 hay Su-30MK2 của Không quân Việt Nam đều đã trải qua quá trình bay huấn luyện trên L-39.
Dòng máy bay này được đánh giá hết sức tin cậy, vận hành hoàn hảo, dễ bảo trì bảo dưỡng, chi phí trên mỗi giờ bay thấp, rất phù hợp với trình độ phi công, thợ kỹ thuật và điều kiện kinh tế của Việt Nam.
L-39NG không chỉ kế thừa toàn bộ các đặc tính kỹ – chiến thuật tuyệt hảo của thế hệ đàn anh L-39 mà nó còn đạt chuẩn NATO như giới thiệu của Tập đoàn quốc phòng OMNIPOL.
Theo đó, dòng máy bay huấn luyện và chiến đấu hạng nhẹ hạng nhẹ này đã nhận được các chứng nhận tiêu chuẩn quân sự siêu quốc gia (EMAR 21 và EMACC) của Cơ quan quản lý hàng không quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc, một thành viên của NATO.
Chuyên gia Nga kết luận Việt Nam mua L-39NG là “hợp lý”
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Phó tiến sĩ khoa học quân sự, Đại tá Makar Aksenenko, phi công giàu kinh nghiệm khẳng định: “Việc Không quân Việt Nam mua L-39NG là một động thái hợp lý về mặt kỹ thuật – thay thế L-39 cũ quen vốn thuộc với các nhân viên kỹ thuật máy bay bằng một loại máy bay tương tự hiện đại hơn”.
Ông nói thêm: “Tôi cho rằng, hợp đồng mua L-39NG cho thấy xu hướng đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu một động cơ hạng nhẹ.
Nói cách khác, L-39NG sẽ được sử dụng để huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu một động cơ hạng nhẹ, còn Yak-130 – để đào tạo phi công lái các máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ hạng nặng. Chẳng hạn như Su-30, Su-35, và trong tương lai có thể là tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5″.
Có thể thấy, Việt Nam quyết định mua L-39NG hoàn toàn không có gì bất ngờ mà còn là quyết định hết sức đúng đắn. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Dự án L-39NG tập trung vào hiện đại hóa sâu bằng việc kết hợp giữa công nghệ hàng không tiên tiến, động cơ hiện đại với kế thừa những tính năng hoàn hảo của dòng L-39 huyền thoại, như:
– Nhẹ hơn nhờ sử dụng nhiều vật liệu mới, nhưng mạnh mẽ và tin cậy hơn thể hiện ở chất lượng vận hành, dễ điều khiển và khả năng thao diễn tuyệt hảo.
– Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến có thiết kế module kết hợp buồng lái kính cho phép tăng hiệu quả huấn luyện phi công lên nhiều lần.
– Khung thân được thiết kế lại, giúp nâng tuổi thọ lên trên 15.000 giờ bay, gấp 4 lần so với chỉ 3.000 – 4.500 giờ của L-39 cũ. Cánh và các thùng nhiên liệu bên trong cũng được thiết kế lại, cho phép tăng đáng kể tầm và thời gian bay, gấp 2 lần so với L-39 cũ.
– 5 giá treo gồm 4 dưới cánh và 1 dưới thân, cho phép L-39NG mang được lượng vũ khí đa dạng như súng/pháo, bom, rocket và thùng dầu phụ lên tới 1.200 kg, gấp 5 lần so với chỉ 250 kg của L-39.
Thứ hai, chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Thể hiện ở chỗ, tận dụng được máy móc phương tiện và quy trình vận hành của L-39, thời gian chuyển loại cực nhanh bởi nó thay thế trực tiếp và phát triển trên chính L-39.
Thứ ba, tiềm năng nâng cấp, phát triển không giới hạn nhờ thiết bị điện tử có cấu trúc mở, chuẩn bị sẵn cho những phát triển tiếp theo, dễ dàng thêm bớt các tính năng hết sức đa dạng, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
L-39NG hoàn toàn thích hợp để đào tạo bay cơ bản cho phi công chiến đấu phản lực, trước khi họ chuyển loại lên các máy bay thế hệ 4+ hoặc thế hệ 5 của cả phương Tây và Nga.
Thứ tư, AERO Vodochody sẵn sàng sản xuất theo lô nhỏ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của khách hàng. Đây là yêu cầu hết sức đặc thù với điều kiện kinh tế còn tương đối hạn hẹp của Việt Nam.
Thứ năm, danh tiếng hàng đầu của AERO Vodochody, không chỉ bởi họ chế tạo ra một trong những dòng máy bay huấn luyện phản lực tốt nhất thế giới, mà còn bởi họ cũng rất uy tín trong việc đảm bảo phụ tùng cũng như sửa chữa máy bay nếu phát sinh hỏng hóc.
Về cơ bản việc hợp tác giữa hai bên đang tiến triển tốt đẹp, đội ngũ kỹ thuật viên mặt đất, giáo viên bay, phi công Việt Nam đều đã quá quen thuộc với L-39, nên mua L-39NG thì sẽ hết sức thuận lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đào tạo, chuyển loại.
Dự kiến vào năm 2023, những chiếc L-39NG đầu tiên sẽ được Cộng hòa Séc chuyển giao và Không quân Việt Nam đưa vào biên chế sử dụng để tiếp nối những thành công vang dội của thế hệ L-39 đàn anh trước đó.