Tổng thống Philippines Duterte tối 9/6 yêu cầu phía Mỹ giải thích rõ về hành động của họ trong Sự kiện Scarborough năm 2012 trước khi Philippines quyết định có tiếp tục Hiệp định VFA giữa hai quân đội hay không.
Theo Hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn nguồn truyền thông Philippines, ông Rodrigo Duterte tối 9/6 cho biết, năm 2012 khi Philippines và Trung Quốc xảy ra cuộc tranh chấp trên bãi Scarborough Shoal (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), Mỹ lúc đầu đã can thiệp và phối hợp, nhưng sau khi Philippines rút tàu, Trung Quốc đã thừa thế nắm quyền kiểm soát bãi cạn này. Nếu Mỹ không thể đưa ra lời giải thích cho điều này, rất khó để nói liệu Philippines có nên tiếp tục Hiệp định trao đổi các chuyến thăm quân sự hay không.
Hiệp định thăm viếng lẫn nhau giữa quân đội Philippines – Mỹ (VFA) là cơ sở pháp luật cho phép quân đội Mỹ luân phiên ra vào Philippines chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh và tiến hành các cuộc diễn tập quân sự. Nếu ông Rodrigo Duterte quyết định chấm dứt, Hiệp định này sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với SMNI News vào tối ngày 9/6, Tổng thống Duterte nói rằng Hiệp định thăm viếng lẫn nhau giữa quân đội Philippines – Mỹ (VFA) hiện đang là một vấn đề. Năm 2012, Philippines và Trung Quốc đối đầu trên bãi Scaborough, Mỹ đã phối hợp với Philippines, “Sau đó, chúng tôi rút đi. Tại sao họ không buộc Trung Quốc cũng phải triệt thoái?”.
Ông nói: “Trừ khi họ có thể giải thích cho tôi một cách rất đơn giản, để cả nước Philippines có thể hiểu được, tôi mới bắt đầu thảo luận về Hiệp định VFA”.
Ông Duterte nói: “Nếu không, việc liệu có nên tiếp tục thỏa thuận trao đổi các chuyến thăm quân sự hay không là một điều hơi khó nói. Người Mỹ thực sự rất không tôn trọng chúng tôi”.
Jose Cuisia Jr từng là đại sứ Philippines tại Mỹ trong thời kỳ diễn ra Sự kiện trên bãi Scaborough. Năm 2016, ông từng cho biết khi đó có quá nhiều tàu đối đầu và có thể nổ súng bất cứ lúc nào, người Mỹ hy vọng hai bên rút tàu để giảm tình hình căng thẳng. “Vấn đề là các tàu Trung Quốc không bao giờ rời khỏi đó nữa, họ đã đẩy chúng tôi đi”.
Sau khi nhậm chức, ông Duterte đã theo đuổi “chính sách đối ngoại độc lập” và xem xét lại quan hệ đồng minh của Philippines với Mỹ. Sau khi tướng tiến hành cuộc “chiến tranh chống ma túy” của ông Duterte và là cựu cảnh sát trưởng Bato dela Rosa bị Mỹ hủy bỏ thị thực nhập cảnh vào năm ngoái, phía Philippines đã thông báo với Mỹ rằng họ sẽ rút khỏi Hiệp định thăm viếng lẫn nhau giữa quân đội Philippines – Mỹ (VFA), nhưng việc này đã được kéo dài hai lần và tạm hoãn việc đình chỉ thực hiện.
Vào tháng 12/2020, ông Duterte nói rằng ông sẽ chấm dứt Hiệp định VFA nếu Mỹ không thể cung cấp ít nhất 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Vào tháng 2 năm nay, ông Duterte lại nói rằng nếu Mỹ muốn gia hạn Hiệp định VFA thì “các ông cần phải trả tiền”.
Đại sứ Philippines đương nhiệm tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hôm 4/6 lên tiếng cho biết Philippines và Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về những nội dung họ muốn sửa đổi Hiệp định thăm viếng lẫn nhau giữa quân đội Philippines – Mỹ (VFA). “Chúng tôi tin rằng ông ấy (Duterte) sẽ thấy rằng các điều khoản của thỏa thuận đã được cải thiện đáng kể”.
Bãi cạn Scaborough (Philippines gọi là Panatag Shoal, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là một cụm san hô và đá ngầm, nằm ở 15 độ 07 Vĩ Bắc, 117 độ 51 Kinh Đông, cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km. Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của họ, nằm trong cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” (hay Đường Lưỡi Bò) chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông,
Trước tháng 4 năm 2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường xuyên ở bãi cạn Scarborough. Ngư dân Philippines và Trung Quốc đều tới đây khai thác hải sản. Vào những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hải quân Philippines từng bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đi vào khu vực bãi cạn này.
Sự kiện bắt đầu bằng việc ngày 8/4/2012, Hải quân Philippines phát biện 8 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở trong vùng đặc quyền kinh tế gần đảo Luzon. Khi kiểm tra tàu, nhà chức trách Philippines đã phát hiện ra số lượng lớn hải sản bị đánh bắt trái phép. Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Sau khi nhận được thông báo của các tàu cá, Trung Quốc đã đưa các tàu Hải giám tới khu vực này, chặn lối vào hồ bên trong bãi Scaboroush và ngăn cản việc nhà chức trách Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Philippines đưa soái hạm BRP Gregorio del Pilar của hải quân nước này đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn. Ngày 10/4/2012, các tàu hải giám Trung Quốc cũng ngăn chặn tàu chiến Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Sau khi các tàu đánh cá rời bãi cạn, tàu công vụ hai bên vẫn duy trì nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền với Scarborough. Tới cuối tháng 5/2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu Ngư chính tới. Nhiều tàu công vụ và tàu cá của Trung Quốc vẫn hoạt động quanh bãi cạn, hai bên tranh chấp chủ quyền căng thẳng suốt hơn hai tháng.
Ngày 18/6, do ảnh hưởng của bão lớn, phía Philippines rút toàn bộ các tàu thuyền khỏi khu vực bãi Scaborough, nhưng các tàu Trung Quốc vẫn ở lại. Phía Philippines đã chỉ trích Trung Quốc “ không rút tàu thuyền theo thỏa thuận”, tuy nhiên phía Trung Quốc phủ nhận, nói “không có thỏa thuận nào cả.
Kể từ tháng 6/2012, Trung Quốc đã duy trì kiểm soát tại bãi cạn Scarborough cho đến nay bất chấp sự phản kháng của phía Philippines.