Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaNhật ký Bắc Kinh (25/01/21): Kế ‘ve sầu thoát xác’ của Viện...

Nhật ký Bắc Kinh (25/01/21): Kế ‘ve sầu thoát xác’ của Viện Khổng Tử

Bắc Kinh đang thay đổi nhanh chóng, tôi thầm nghĩ khi lái xe ngang qua Đức Thắng Môn ở phía bắc thành phố vào cuối tuần qua. Tại ngã tư, tôi không còn thấy tấm biển “Trụ sở Viện Khổng Tử” trên một tòa nhà nữa.

Tôi chắc chắn nó có ở đó vào lần cuối tôi đi qua vào tháng 10. Thay vào đó, tôi thấy một tấm biển từ tiếng Trung nghĩa là “ngôn ngữ” cùng với các chữ cái “CLEC”.

Tôi ra khỏi xe và hỏi một nhân viên bảo vệ đang đứng trước tòa nhà đó. “Mới thay gần đây thôi”, người này cho biết. “Tôi nghĩ là cách đây chưa đầy một tháng.”

Ở lối vào, cũng có một tấm biển mới ghi “Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ” (CLEC). Tôi vẫn còn đọc được dòng chữ “Trụ sở Viện Khổng Tử” mờ mờ trên tấm kính.

Hồi tháng 11 năm 2004, chính phủ đã cho thành lập các Viện Khổng Tử để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Các học viện này có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã cáo buộc Viện Khổng Tử là cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cho biết tất cả các địa điểm của viện này ở Mỹ sẽ đóng cửa vào cuối năm.

Nhưng tại sao tấm biển biến mất khỏi trụ sở chính ở Bắc Kinh? Có phải chính phủ đã quyết định bãi bỏ chương trình sau những chỉ trích của chính quyền Donald Trump?

Tất nhiên là không. Theo trang web của học viện, chương trình trước đây do Bộ Giáo dục giám sát, nhưng đã được chuyển sang Tổ chức Giáo dục Quốc tế Trung Quốc từ tháng 7. Tổ chức này được mô tả như một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận được khởi xướng bởi 27 trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Giáo dục đã thành lập CLEC để giúp thúc đẩy nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc ở nước ngoài. Khá khó hiểu, nhưng có vẻ như các Viện Khổng Tử hiện là một tổ chức tư nhân độc lập với chính phủ.

Điều này dường như là nhằm tránh chỉ trích từ Hoa Kỳ. Có lẽ tấm bảng đã được gỡ xuống trước lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, đề phòng chính quyền mới lại kiếm chuyện.

Sau khi dừng lại ở nơi từng là Trụ sở Viện Khổng Tử, tôi leo lên Đức Thắng Môn ở ngay phía nam. Đây là một cổng thành kiên cố được xây dựng từ thời nhà Minh vào thế kỷ 15. Cứ mỗi khi ra quân đánh giặc, quân đội hoàng gia sẽ hành quân từ cổng này ra khỏi Bắc Kinh.

Tên của cánh cổng có nguồn gốc từ câu nói của người Trung Quốc xưa nghĩa là “đức nghĩa sẽ chiến thắng.” Liệu Trung Quốc có sống theo lời dạy đó, giữa lúc họ có các hành vi thô bạo ở Biển Đông và đối với Đài Loan?

Khi tôi nhìn xuống từ cổng thành, tôi thấy công viên bên cạnh đã bị biến thành một điểm dã chiến để xét nghiệm coronavirus.

Kẻ thù trước mắt của chính phủ Chủ tịch Tập Cận Bình là COVID-19. Nhà chức trách tiến hành xét nghiệm PCR đối với tất cả cư dân ở mọi khu vực có phát hiện ca nhiễm mới, nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào thủ đô. Các điểm xét nghiệm tương tự cũng đã xuất hiện trên khắp thành phố.

Thật vậy, Bắc Kinh đang thay đổi nhanh chóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới