Trước kia, việc Trung Quốc đe dọa và sử dụng áp lực kinh tế đã từng khiến Úc lùi bước, nhưng giờ đây Canberra không còn nhún nhường, mà thậm chí còn sẵn sàng “ăn thua” với Bắc Kinh.
Ngay trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, trong vai trò khách mời, Úc đã kêu gọi G7 ủng hộ cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đối phó với hành vi “cưỡng ép kinh tế” ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã có nhiều bất ổn từ năm ngoái, khi Bắc Kinh liên tục theo đuổi chính sách “ngoại giao chiến lang” nhằm vào Canberra. Điển hình, Trung Quốc năm ngoái đã ban hành các biện pháp nhập khẩu rượu vang và thịt bò của Úc. Trong khi đó, các mặt hàng này của Úc vốn rất lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trước kia, việc Trung Quốc đe dọa và sử dụng áp lực kinh tế đã từng khiến Úc lùi bước. Cụ thể, vì lo ngại Bắc Kinh phật lòng, Úc từng rút lui không còn tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vốn có nòng cốt là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Nhưng cũng vào năm ngoái, Úc đã quay trở lại cuộc tập trận Malabar, bất chấp các biện pháp trừng phạt từ Trung Quốc.
Không những vậy, Canberra còn có thêm nhiều động thái thể hiện sự đối đầu với Bắc Kinh, đặc biệt là liên quan hoạt động quân sự trên biển. Úc đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Mới nhất, Úc vừa kết thúc cuộc tập trận chung với Mỹ ở vùng biển này từ ngày 6 – 11.6. Xa hơn, Úc cũng đang có kế hoạch điều động chiến hạm phối hợp cùng tàu chiến của Đức để hoạt động ở Thái Bình Dương nhằm ứng phó các hành động của Trung Quốc ở vùng biển này.
Tất cả cho thấy, Úc giờ đây không còn nhún nhường và ngược lại đang sẵn sàng “ăn thua” với Trung Quốc.