Trung tướng, PGS – TS Trần Thái Bình cho biết cần chuẩn bị và tiến tới thành lập binh chủng tên lửa chiến lược, gồm một số lữ đoàn tên lửa đất đối đất,… tầm bắn xa, uy lực mạnh.
Trong bài viết mang tựa đề “Tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại” đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân tháng 6/2021, Trung tướng, PGS – TS Trần Thái Bình nhận định xây dựng QĐND hiện đại cần tập trung vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện đại về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương pháp tác chiến.
Đáng chú ý, Trung tướng Trần Thái Bình nêu:
“Cần chuẩn bị và tiến tới thành lập binh chủng tên lửa chiến lược, gồm một số lữ đoàn tên lửa đất đối đất có tầm bắn xa, uy lực mạnh, khả năng răn đe lớn”
Thật vậy, hiện nay ngoài một số quân binh chủng và lực lượng mũi nhọn được ưu tiên đầu tư lớn về mua sắm vũ khí trang bị tiên tiến để tiến thẳng lên hiện đại thì lục quân, nhất là lực lượng pháo binh – tên lửa dù đã tiếp nhận một số khí tài thế hệ mới, tuy nhiên về lâu dài cần có đột phá lớn.
Tên lửa Scud vẫn hoạt động
Trong biên chế Binh chủng Pháo binh, hiện chúng ta chỉ có duy nhất loại tên lửa đất đối đất Scud vốn đã được đưa vào biên chế trang bị cho các lữ đoàn tên lửa từ khá lâu, mặc dù vẫn có uy lực và sức răn đe nhất định nhưng so với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật quân sự thế giới chúng đã dần dần lạc hậu.
Đặc biệt, qua hàng chục năm kể từ khi tiếp nhận, đến nay tên lửa Scud đã có sự xuống cấp nhất định, dù đã được ưu tiên nâng cấp để cải thiện tầm bắn, tăng độ chính xác và kéo dài tuổi thọ thêm hàng chục năm nữa.
Một trong những thành tựu giúp tên lửa Scud của Việt Nam được “trẻ hóa”, có hệ số kỹ thuật cao, luôn sẵn sàng giáng những đòn trả đũa sấm sét vào các mục tiêu ở cự ly hàng trăm km là nhờ Viện Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không – Không quân nghiên cứu thành công quy trình sản xuất, xây dựng được dây chuyền sản xuất nhiên liệu cho dòng tên lửa này.
Qua đó, chúng ta đã chủ động sản xuất nhiên liệu từ nguồn trong nước, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là kịp thời đồng bộ cho nhiên liệu và khí tài tên lửa.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2013, Binh chủng Pháo binh cùng đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Đề án “Hiện đại hóa pháo binh” nhằm tăng cường hỏa lực, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch.
Ưu tiên số 1 vẫn phải là các loại pháo chiến dịch, nhất là pháo tự hành thế hệ mới có tầm bắn xa, cơ động nhanh đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, trong những loại vũ khí mới sẽ được trang bị có cả tên lửa đất đối đất tiên tiến.
Chia sẻ với Báo QĐND, Thiếu tướng Đỗ Tất Chuẩn – nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh cho biết: “Đối với tên lửa đất đối đất, chúng ta chưa từng sử dụng trong thực tiễn chiến trường. Vì thế vấn đề nghiên cứu nghệ thuật sử dụng chúng là hết sức cấp thiết xuất phát từ thực tiễn đặt ra”.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu mua sắm tên lửa đất đối đất thế hệ mới của Binh chủng Pháo binh trong tương lai là tất yếu.
Điều quan trọng là lựa chọn loại tên lửa đạn đạo nào cho phù hợp bởi đây không phải là vũ khí thông thường mà là vũ khí chiến lược, có tầm bắn xa, uy lực mạnh, không phải quốc gia nào có tiền cũng mua được.
Tên lửa Iskander-E đáng “đồng tiền bát gạo”
Mặc dù tên lửa Iskander-M hoặc loại tương tự thì với Nga và nhiều quốc gia hùng mạnh khác chỉ là một loại tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch – chiến thuật, nhưng với những quốc gia nhỏ, có tiềm lực hạn chế như Việt Nam thì nó lại là một thứ vũ khí chiến lược, có thể sánh ngang với “bảo vật trấn sơn”.
Như đã nói ở trên, với loại vũ khí đặc chủng có uy lực lớn là tên lửa đạn đạo thì không phải cứ có tiền là mua được, nhưng với chúng ta có một số đối tác tin cậy hữu hảo có khả năng và sẵn sàng bán cho Việt Nam, trong đó số 1 là Nga.
Thật vậy, quan hệ Nga và Việt Nam trong hơn 70 năm qua (từ 30/01/1950) luôn hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc và bền vững qua thời gian. Hơn thế nữa, quan hệ Việt Nam – Nga ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại, văn hóa – xã hội, khoa học – công nghệ,…
Nga luôn khẳng định sẵn sàng cung cấp cho chúng ta những vũ khí thông thường có mức độ hiện đại cao nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ. Nếu Việt Nam đặt vấn đề mua tên lửa Iskander (có thể là phiên bản xuất khẩu Iskander-E hoặc thậm chí là phiên bản nâng cấp Iskander-M), Nga hoàn toàn có thể đồng ý.
Đặc biệt, thông tin về việc Việt Nam có ý định đặt mua dòng tên lửa đất đối đất tiên tiến này từ Nga đã từng được truyền thông quốc tế nhắc đến không ít lần.
Đáng chú ý nhất là trong bài viết mang tựa đề “Iskander the Great – Tên lửa Iskander hoành tráng” đăng trên Tạp chí quốc phòng Moscow Defense Brief được xuất bản bởi Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST), chuyên gia Mikhail Barabanov đã nhắc đến Việt Nam với tư cách là một khách hàng tiềm năng.
Tên lửa Iskander của Nga chắc chắn là một trong những ứng viên sáng giá với Việt Nam một khi chúng ta quyết định hiện đại hóa lực lượng tên lửa đất đối đất bởi Iskander có khả năng tàng hình và đánh lừa radar đối phương, biến nó thành một trong những loại vũ khí răn đe hiếm hoi đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Tên lửa của phiên bản mới nhất Iskander-M có trọng lượng khoảng 4 tấn, dài 7,3m, đường kính thân 0,92m, tốc độ bay trên Mach 7 (9.000-9.500km/h) kèm quỹ đạo phức tạp.
Mỗi xe phóng 9P78E của hệ thống Iskander-M mang 2 đạn tên lửa và dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút.
Iskander-M được trang bị các đầu dò điện tử, để kết hợp với hình ảnh từ máy bay chỉ huy trên không (AWACS) giúp nó đánh trúng mục tiêu di động với sai số dưới 3m.
Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.
Về hỏa lực, Iskander-M có thể mang theo các loại đầu đạn như đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP) hay đầu đạn hạt nhân.
Tất nhiên, với phiên bản xuất khẩu của Iskander, chắc chắn Nga sẽ giới hạn tầm bắn xuống dưới 300km, tuy vậy, với nhu cầu phòng thủ và chỉ giáng đòn trả đũa khi cần thiết của Việt Nam thì như thế đã là quá đủ.
Hy vọng trong tương lai không xa, cơ hội của tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật Iskander do Nga chế tạo sẽ trở nên sáng sủa hơn.