Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: 'Dĩ bất biến, ứng vạn...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: ‘Dĩ bất biến, ứng vạn biến ‘để phát triển’

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng đối ngoại cần đóng góp quan trọng vào nâng cao tiềm lực, năng lực tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia. 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bên cạnh tài thao lược quân sự, kiên cường bảo vệ giang sơn, giành và giữ nền độc lập, ông cha ta luôn coi trọng hoạt động ngoại giao, tạo nên truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hào khí, hòa hiếu và giàu tính nhân văn. Truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Trong công cuộc Đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, đối ngoại Việt Nam với sự kết hợp chặt chẽ các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm Đổi mới như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói và được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bước vào giai đoạn mới với thế và lực mới sau 35 năm Đổi mới, dưới ánh sáng đường lối Đại hội Đảng XIII, đất nước ta đang phấn đấu thực hiện khát vọng, mục tiêu phát triển đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để thực hiện mục tiêu tốt đẹp đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân quyết tâm, nỗ lực rất cao đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(1).

Hòa bình, độc lập và tự do luôn là khát vọng bao đời nay của dân tộc ta, bởi không thể phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân nếu đất nước không có hòa bình, ổn định. Do đó, nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên của đối ngoại là tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để bảo vệ đất nước “từ xa, từ sớm”, “từ khi nước còn chưa nguy”, đối ngoại phát huy vai trò tiên phong mở rộng và đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu nhằm củng cố vững chắc mạng lưới quan hệ với các đối tác trên thế giới mang lại hiệu quả thiết thực (đến nay, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước).

Bên cạnh đó, đối ngoại thúc đẩy đối thoại, phát huy điểm đồng, tìm giải pháp thu hẹp bất đồng, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và mong muốn tất cả các quốc gia cũng là bạn, là đối tác của Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Nguyên tắc và phương châm đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; cùng quốc phòng và an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, song linh hoạt, khôn khéo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhằm giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Quán triệt “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm”, đối ngoại cần đóng góp quan trọng vào nâng cao tiềm lực, năng lực tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Muốn vậy, cần vận dụng sáng tạo phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, nhất là các thành tựu và xu thế phát triển của thế giới, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (đến nay, đã ký 15 FTA, đang đàm phán 02 FTA) và các thỏa thuận, cam kết quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao…

Xác định đối tượng trung tâm phục vụ là người dân, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam, đối ngoại và ngoại giao cần phát huy tối đa lợi thế đặc thù để kiến tạo môi trường thuận lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và tranh thủ tốt nhất các cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Với phương châm “đột phá-mở đường”, “đồng hành”, “phục vụ”, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn là nhà, là địa chỉ tin cậy cho người dân, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, thúc đẩy và kết nối cơ hội hợp tác phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Do đó, cần gắn kết chặt chẽ giữa thế và lực, trong đó phát huy tối đa vị thế mới của đất nước để tạo ra nguồn lực và sức mạnh mới cho quốc gia- dân tộc, đồng thời sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng hợp quốc gia để củng cố vững chắc và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước[2].

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm góp phần quan trọng nâng cao uy tín, “giá trị Việt Nam” trong con mắt bạn bè và nhân dân thế giới.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đối ngoại cần góp phần vào bảo đảm mọi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều tích cực tham gia đóng góp và thụ hưởng các thành quả phát triển của đất nước, đều được bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Để thực hiện các nhiệm vụ, trọng trách của đối ngoại, bên cạnh xây dựng và triển khai hiệu quả một chiến lược tổng thể về đối ngoại, cần đặc biệt coi trọng “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”[3].

Ngoại giao toàn diện thể hiện ở lĩnh vực, phương thức hoạt động và chủ thể triển khai; trong đó, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa- xã hội, môi trường, khoa học- công nghệ…; giữa song phương và đa phương.

Ngoại giao hiện đại thể hiện ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với quy trình, hạ tầng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại. Điều cốt yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có trí tuệ, năng lực chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, nhạy bén, có tinh thần chủ động tiến công để “có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”[4].

Thế giới đang diễn biến mau lẹ, phức tạp, đan xen nhiều cơ hội và thách thức. Các quốc gia, dân tộc đều cố gắng nắm bắt những cơ hội đang đến với mình. Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng tương lai phát triển của đất nước ta rất sáng lạng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, với sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đối ngoại sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

RELATED ARTICLES

Tin mới