Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐại gia Việt và những giấc mơ "lên trời" không thành

Đại gia Việt và những giấc mơ “lên trời” không thành

Mới đây, công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT đã đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không chở hàng. Trên thực tế, ngành hàng không là một lĩnh vực hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đã có không ít đại gia đã phải từ bỏ giấc mơ bay trên bầu trời Việt.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vinpearl Air

Ngày 14/1/2020, Tập đoàn Vingroup công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Việc Vingroup “từ bỏ” Vinpearl Air là thông tin gây xôn xao trong giới kinh doanh hàng không bởi dự án Vinpearl Air được hậu thuẫn bởi một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh như tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trước đó, Vingroup chính thức khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không với việc thành lập công ty CP Hàng không Vinpearl Air hồi tháng 7/2019.

Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng này đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc “xuất khẩu” phi công.

Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỷ đồng.

Hãng đặt ra kế hoạch sẽ hoàn thành các thủ tục và đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên, đến năm 2024 đạt 30 chiếc.

Về lý do từ bỏ Vinpearl Air, đại diện doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, thị trường hàng không Việt Nam nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh nhưng đang có nhiều công ty lớn tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, vì vậy cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ và công nghiệp.

Ông Đoàn Quốc Việt và Air Mekong

“Kinh doanh Air Mekong giống như đốt tiền”, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM, chủ hãng bay Air Mekong đã thú nhận như khi hãng bay này chỉ mới hoạt động được 3 năm.

Air Mekong được thành lập với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, bởi nhiều nhà đầu tư Việt Nam, trong đó người “cầm trịch” là Tập đoàn BIM. Người sáng lập Tập đoàn này là ông Đoàn Quốc Viêt, một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan.

Air Mekong chính thức bay vào tháng 10/2010 với 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900, có thể bay trên độ cao 12.000 m.

Sau 2 năm hoạt động, hãng này đã thực hiện được 25 nghìn chuyến bay, chuyên chở được 1,6 triệu hành khách, trong đó có hơn 90% chuyến bay đúng giờ. Hãng tập trung khai thác các đường bay từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến Phú Quốc, Đà Lạt.

Tuy nhiên đến ngày 28/2/2013, hãng Air Mekong thông báo chính thức tạm ngừng bay. Lý do đưa ra là vì năm 2012 và 2013 kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi đó giá xăng xầu, tiền thuê phi công cao khiến chi phí đội lên, thu không thể bù chi.

Air Mekong từng thông tin kế hoạch bay trở lại vào đầu năm 2015, nhưng sau đó không thực hiện. Cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải rút giấy phép khai thác tàu bay đối với hãng.

Ông Hà Dũng và Indochina Airlines

Sau Vietjet Air, hãng hàng không của đại gia Hà Dũng là hãng hàng không tư nhân thứ hai của Việt Nam được cấp phép và đi vào hoạt động chính thức.

Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5/2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Từ ngày 17/10/2008, hãng đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương Indochina Airlines.

Indochina Airlines có chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/11/2008, trùng với ngày sinh nhật của ông chủ Hà Dũng, chính thức trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam cất cánh.

Ông Hà Dũng thuê hai chiếc máy bay 737-800, mỗi chiếc có 174 ghế, và thuê luôn đội bay là người nước ngoài. Chính vì thế, cung cách phục vụ của hãng bay hoàn toàn theo tiêu chuẩn Châu Âu, rất được khách hàng ưa chuộng.

Dù là hãng hàng không non, trẻ, nhưng Indochina Airlines luôn có số lượng khách chiếm trên 90% số lượng ghế khi thực hiện bay thương mại.

Tuy nhiên, đến năm 2009, khi bay chưa đầy 6 tháng, Indochina Airlines bắt đầu gặp khó khăn về tài chính. Tuyến bay TP.HCM – Đà Nẵng buộc lòng phải cắt bỏ, chỉ còn tuyến TP.HCM – Hà Nội. Thuê một chiếc máy bay có giá đến 15 tỷ đồng, trong tình hình khó khăn, doanh nhân Hà Dũng đành phải trả lại bớt một chiếc.

Năm 2011, hãng này đã phải xin ngừng cất cánh và biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam. Đầu tháng 12/2011, sau nhiều lần hãng xin phép và được cơ quan chức năng gia hạn, Bộ Giao thông Vận tải chính thức rút giấy phép của hãng hàng không Indochina Airlines.

Được biết, sau thất bại của Indochina Airlines, đại gia Hà Dũng và các cổ đông góp vốn đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng, gấp 2 lần số vốn ban đầu bỏ ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới