Từ tuần trước, chính phủ Mỹ đã đánh giá báo cáo về một vụ rò rỉ tại nhà máy hạt nhân Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp cảnh báo “mối đe dọa phóng xạ cấp bách”.
Rủi ro rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Trung Quốc
Cảnh báo đưa ra bao gồm cáo buộc cơ quan phụ trách an toàn của Trung Quốc đã nới lỏng những giới hạn được chấp nhận về phóng xạ phát hiện bên ngoài Nhà máy Điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, nhằm tránh phải đóng cửa nhà máy này – CNN trích thư của công ty Framatome (Pháp) gửi đến Bộ Năng lượng Mỹ (DOE).
Việc một doanh nghiệp nước ngoài đơn phương tìm đến chính phủ Mỹ nhờ hỗ trợ, trong khi đối tác của họ là một đơn vị nhà nước Trung Quốc chưa thừa nhận vấn đề có tồn tại, là điều bất thường.
Tình huống này được cho là có thể đặt Washington và tình thế phức tạp khi vụ rò rỉ tiếp tục (nếu có thật) hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được điều chỉnh.
Dù các quan chức Mỹ nhận định tình hình ở nhà máy Taishan chưa đến mức khủng hoảng, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Nhà Trắng vẫn tổ chức một số cuộc họp trong tuần qua để theo dõi vụ việc, bao gồm 2 cuộc họp ở cấp phó và 1 cuộc họp cấp trợ lý bộ trưởng ngày 12/6 – do Giám đốc cấp cao NSC về vấn đề Trung Quốc Laura Rosenberger và Giám đốc cấp cao về Kiểm soát vũ khí Mallory Stewart chủ trì.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận vấn đề trên với chính phủ Pháp và các chuyên gia ở Bộ Năng lượng – theo các nguồn tin của CNN. Mỹ cũng liên hệ với chính phủ Trung Quốc, nhưng chưa rõ mức độ liên lạc.
Chính phủ Mỹ từ chối giải thích đánh giá của mình, nhưng các quan chức tại NSC, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định nếu tồn tại bất kỳ rủi ro nào đối với người dân Trung Quốc, Washington sẽ được yêu cầu công bố nó theo các hiệp ước hiện hành liên quan đến tai nạn hạt nhân.
Framatome đã liên hệ với Mỹ để xin miễn trừ cho phép họ chia sẻ hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ, nhằm giải quyết vấn đề tại nhà máy Trung Quốc.
Mỹ có thể phê chuẩn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Framatome hoặc hỗ trợ để xử lý vấn đề rò rỉ, nhưng chỉ có chính phủ Trung Quốc mới có quyền quyết định có cần thiết phải đóng cửa nhà máy hạt nhân hay không.
CNN đã liên hệ với giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh và Quảng Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cũng như tập đoàn năng lượng quốc doanh vận hành nhà máy hạt nhân Taishan,… nhưng chưa được phản hồi.
Trong thông cáo ngày 12/6, Framatome xác nhận doanh nghiệp này “đang hỗ trợ giải quyết vấn đề hiệu suất với Nhà máy điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc”. Lá thư của Framatome gửi đến Bộ Năng lượng Mỹ xuất hiện trong lúc căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao và hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Anh hồi cuối tuần qua kết thúc với tuyên bố chung mang tính chỉ trích cao nhằm vào Bắc Kinh.
Không có thông tin cho thấy vụ rò rỉ ở Taishan xuất hiện trong chương trình nghị sự tại G7.
Cảnh báo của công ty hạt nhân Pháp
Vấn đề nổi lên lần đầu tiên khi Framatome, công ty thiết kế và cung ứng thiết bị và dịch vụ hạt nhân, liên hệ với DOE vào tháng 5 để thông báo vấn đề tiềm ẩn tại nhà máy của Trung Quốc mà công ty này là đối tác xây dựng và vận hành.
Framatome đệ đơn xin hỗ trợ vận hành an toàn đến DOE vào ngày 3/6, trong đó chính thức yêu cầu lệnh miễn trừ, cho phép họ xử lý vấn đề an toàn cấp bách. Công ty Pháp cảnh báo các quan chức Mỹ rằng lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc đang bị rò rỉ khí phân hạch.
Đến ngày 8/6, Framatome tiếp tục liên hệ DOE để đề nghị xem xét nhanh yêu cầu của họ.
“Tình hình [ở nhà máy Taishan] là một mối đe dọa phóng xạ cấp bách đối với cơ sở và công chúng. Framatome khẩn cấp đề nghị cấp phép chuyển giao dữ liệu kỹ thuật và hỗ trợ nếu cần thiết để đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường,” bản ghi nhớ của Framatome gửi DOE nêu.
Tài liệu mà CNN thu được cho thấy Framatome liên hệ chính phủ Mỹ xin hỗ trợ bởi một cơ quan nhà nước Trung Quốc đã liên tục gia tăng giới hạn ngưỡng an toàn về lượng khí ga được phép phát ra từ cơ sở hạt nhân Taishan mà không cần đóng cửa nhà máy.
Cũng trong bản ghi nhớ 8/6, Framatome lo ngại giới hạn có thể sẽ lại được tăng lên nhằm duy trì lò phản ứng hạt nhân (bị rò rỉ) tiếp tục hoạt động, bất chấp quan ngại về an toàn cho cư dân xung quanh.
“Để đảm bảo duy trì giới hạn [rò rỉ phóng xạ] bên ngoài cơ sở trong giới hạn có thể chấp nhận được để không gây hại quá mức cho người dân xung quanh, TNPJVC (nhà điều hành của Taishan-1) được yêu cầu tuân thủ giới hạn quy định và nếu không thì phải đóng lò phản ứng nếu vượt giới hạn.”
Giới hạn trên được thiết lập ở mức độ phù hợp với quy định mà cơ quan an toàn Pháp đưa ra. Tuy nhiên, “do số lượng lỗi gia tăng”, cơ quan an toàn của Trung Quốc là Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) đã điều chỉnh giới hạn rò rỉ lên hơn gấp đôi so với con số quy định ban đầu, “do đó làm tăng nguy cơ cho dân chúng và các nhân viên trong cơ sở”.
Lo ngại Trung Quốc tiếp tục nâng ngưỡng rò rỉ “an toàn”
Tính đến ngày 30/5, lò phản ứng Taishan đã đạt 90% giới hạn rò rỉ được điều chỉnh cho phép – theo bản ghi nhớ của Framatome, gây lo ngại nhà vận hành có thể “kiến nghị NNSA tăng hơn nữa giới hạn tắt máy trên cơ sở khẩn cấp nhằm nỗ lực tiếp tục được hoạt động, do đó sẽ tiếp tục làm tăng rủi ro cho người dân bên ngoài và công nhân tại khu vực nhà máy.”
NNSA là cơ quan Trung Quốc chịu trách nhiệm tăng cường an ninh quốc gia thông qua ứng dụng quân sự của khoa học hạt nhân và phóng xạ.
Cheryl Rofer, nhà khoa học hạt nhân nghỉ hưu của Mỹ, cảnh báo việc rò rỉ khí ga từ nhà máy hạt nhân có thể tiềm ẩn vấn đề lớn hơn.
“Nếu họ bị rò rỉ khí ga thật thì cho thấy một số bồn chứa đã bị nứt,” ông nói. “Nó cũng thể hiện là có thể một số thành tố nhiên liệu bị hỏng, điều có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn.”
“Đó có thể là lý do để đóng lò phản ứng và yêu cầu lò phản ứng nạp lại nhiên liệu,” Rofer nói với CNN, bổ sung thêm rằng quá trình rút các thành tố nhiên liệu cần được tiến hành cẩn thận.
Bất chấp báo động từ Framatome, chính quyền Biden tin rằng tình hình ở cơ sở của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến “mức độ khủng hoảng”, nhưng xác nhận gia tăng và cần được theo dõi – một nguồn tin nói với CNN.
Trung Quốc đã mở rộng lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong những năm gần đây. Nguồn năng lượng này chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của đất nước.
Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA), có 16 nhà máy hạt nhân vận hành với 49 lò phản ứng ở nước này tính đến tháng 3/2021, với tổng công suất phát điện là 51.000MW.
Nhà máy Taishan là một dự án trọng điểm, được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận phát điện hạt nhân với công ty Électricité de France do chính phủ Pháp sở hữu phần lớn. Dự án khởi động từ năm 2009, hai tổ máy bắt đầu phát điện lần lượt vào năm 2018 và 2019.
Vào tháng 3/2019, trước thềm chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập tổ máy số một của Nhà máy điện hạt nhân Taishan trở thành tổ máy sử dụng công nghệ EPR đầu tiên trên thế giới đi vào khai thác thương mại.
Thành phố Taishan có dân số 950.000 người, nằm ở vùng đông nam Quảng Đông – tỉnh có dân số 126 triệu người và là đầu tàu kinh tế của toàn Trung Quốc với GDP 1.6 nghìn tỷ USD, tương đương với Nga và Hàn Quốc.